Tiền tỉ “rơi” vào nhóm nhân lực VIP
Tổng hợp mức thưởng Tết Nguyên đán 2018 tại nhiều tỉnh, thành phố đã công bố đến thời điểm này cho thấy, giá trị tuyệt đối cao hơn năm 2017 nhưng “đỉnh” vẫn kém năm ngoái.
Tại TPHCM, thưởng tết dương lịch cao nhất là 1,5 tỉ đồng thuộc về 1 ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài; trong khi đó, thưởng Tết Nguyên đán cao nhất thuộc về 1 doanh nghiệp (DN) trong nước, mức 855 triệu đồng.
Thưởng Tết Nguyên đán bình quân của khối DN trong nước tại TPHCM là 8,3 triệu đồng/người, tăng 10,89% so với năm 2017.
Thưởng Tết âm lịch cao thứ 2 thuộc về 1 DN tư nhân tại Cần Thơ với 466 triệu đồng. Cũng tại Cần Thơ, mức thưởng thấp nhất là 200.000 đồng/người.
Tại Đồng Nai, mức thưởng cao nhất thuộc về DN FDI đóng trong Khu công nghiệp Gò Dầu (huyện Long Thành), tương đương hơn trên 400 triệu đồng. Tại Đã Nẵng, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất thuộc về các DN cổ phần có vốn góp của Nhà nước, mức 300 triệu đồng; mức thưởng thấp nhất là 200.000 đồng.
Tại Hà Nội, theo công bố của Sở LĐTBXH Hà Nội, DN FDI vẫn dẫn đầu về tiền lương và thưởng Tết trong tổng số 4.288 DN trên địa bàn. Cụ thể, khối FDI thưởng tết cao nhất lên tới 325 triệu đồng, người có mức thấp nhấp là 700.000 đồng.
Biểu đồ mức chênh lệch thưởng tết cao nhất và thấp nhất ở một số thành phố. Infographic: HẢI NGUYỄN
Vai trò quan trọng của tổ chức Công đoàn
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐTBXH) - nhận định, về lương thưởng tết 2018, giá trị tuyệt đối tăng hơn năm ngoái và mức tăng này có thể do lương tối thiểu tăng, ngoài ra, các mức thưởng khác nhau còn do ngành nghề và lĩnh vực.
Cụ thể, đến thời điểm này, tính mặt bằng chung thì khu vực TPHCM có mức thưởng cao nhất; tính ngành nghề thì nhóm ngành công nghệ thông tin, dịch vụ chất lượng cao, tài chính, bảo hiểm là nhóm có mức thưởng cao.
Theo ông Vinh, lương thưởng là quyền tự quyết của DN, căn cứ khả năng tài chính, nếu DN nào làm ăn thuận lợi, có nhu cầu thu hút, giữ chân lao động và tình hình sản xuất kinh doanh tốt sẽ có giải pháp giữ chân người lao động. Nếu tình hình sản xuất kinh doanh kém thì việc trả lương thưởng cũng khó.
Ông Vinh cho rằng, tiền lương thưởng liên quan đến tình hình thực hiện thỏa ước lao động tập thể; căn cứ kết quả đối thoại, quan tâm đến phúc lợi của người lao động của từng DN.
“Trong quá trình thương lượng, đối thoại, vai trò của công đoàn càng quan trọng, từ tổ chức đối thoại, tổ chức thương lượng tập thể để có được nhiều quyền lợi và phúc lợi cho người lao động, trong đó có cả tiền lương tiền thưởng” - ông Vinh nhấn mạnh.
Về tương quan lương thưởng của Việt Nam với một số quốc gia, theo ông Vinh, hiện nay các DN, đặc biệt là DN khu vực tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài đều thực hiện phúc lợi lương thưởng, lương tháng 13 tùy vào nhu cầu, khả năng, tùy theo tình hình tương quan giữa công đoàn và giới chủ.
Tuy nhiên, về cơ bản, các khu vực DN đã tiếp cận xu hướng chung của thế giới, mặt bằng tiền lương cơ bản phản ánh năng suất lao động,
Nhận định về khoảng cách tiền thưởng giữa nhóm DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài với nhóm còn lại luôn cách xa và chưa có dấu hiệu thu hẹp, ông Vinh cho rằng, loại trừ nhóm DN siêu lợi nhuận, các nhóm DN khác cơ bản trả lương thưởng xuất phát trên khả năng và kết quả sản xuất, kinh doanh của DN.
“Không phải tất cả mọi ngưởi đều có mức thưởng trăm triệu, hàng tỉ đồng mà số này chỉ tập trung vào nhóm đối tượng như chuyên gia đầu ngành, quản lý cấp cao vốn là nhóm nhân lực khan hiếm và DN khó tuyển dụng, họ phải đãi ngộ lớn để giữ chân” - ông Vinh nói.
Đánh giá về tình hình thưởng Tết Nguyên đán 2018, ông Vinh cho biết, do kinh tế tăng trưởng tốt, thưởng tết có sáng hơn nhưng cũng sẽ không sáng nhiều; ngoài ra, việc thưởng “đậm” chỉ tập trung ở mộ số khu vực, lĩnh vực chứ không phải tất cả.