Năm nay, thưởng tết cho giáo viên là câu chuyện được nhiều người bàn luận. Vì có nơi thưởng Tết cho giáo viên vài chai nước mắm, cân bột giặt, vài ba gói mỳ chính nhưng có nơi tới vài triệu, thậm chí cao hơn. Việc thưởng Tết cũng khiến giáo viên ở vùng xa, khó khăn cảm thấy chạnh lòng.
Giáo viên chỉ được vài chai nước mắm
Cho đến nay, cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy, trường Tiểu học Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang tham gia công tác giảng dạy và quản lý được tổng cộng 31 năm.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy
Vì năm vừa qua, nhà trường phải tham gia nhiều hoạt động, phong trào nên cuối năm, ngân quỹ còn lại không nhiều. Tết này, mỗi giáo viên chỉ được thưởng Tết là 2 hộp nước mắm (4 chai).
Để tạo điều kiện cho giáo viên ở xa có tiền về quê ăn Tết cùng gia đình, nhà trường đã ứng trước 1 tháng lương cho giáo viên.
Như vậy, những ai muốn ứng trước tiền lương tháng 3/2018 để về quê ăn Tết thì đến hạn lĩnh lương vào tháng sau sẽ không được lấy nữa.
Cô giáo Thủy cho biết, xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang – nơi có trường Tiểu học Lại Sơn vừa được Chính phủ công nhận là khu du lịch nên giá cả, sinh hoạt tại đây đang tăng nhanh.
Với mức lương giáo viên đang công tác tại các xã đảo không đủ trang trải cuộc sống.
Vì vậy, cô giáo Bích Thủy mong muốn lãnh đạo ngành Giáo dục có thể đề xuất với các cơ quan, ban ngành quan tâm hơn tới việc nâng mức lương, chế độ phụ cấp cho giáo viên công tác tại đây.
Tết đến, nhiều giáo viên cảm thấy chạnh lòng
Khác với cô giáo Bích Thủy, đến nay, cô giáo Bùi Thị Diễm Hằng, trường THPT Cát Hải, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng đi dạy học được 14 năm nhưng có đến 11 năm, giáo viên chỉ được thưởng Tết 100.000 đến 150.000 đồng.
Chỉ khoảng 2 đến 3 năm nay, tiền thưởng Tết tăng lên từ 200.000 đến 300.000 đồng.
Không chỉ tiền thưởng Tết ít, cô giáo Hằng còn cho biết, cả tháng 1/2018, giáo viên của trường còn bị chậm lương nên đến tận ngày 7/2, các giáo viên mới được nhận dồn luôn cả 2 tháng.
Cô giáo Bùi Thị Diễm Hằng tâm sự: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý.
Mỗi khi Tết đến xuân về, biết được thông tin nhiều ngành nghề khác có thưởng Tết từ hàng chục triệu đến trăm triệu hay ít ra là 1 tháng lương (tính theo thâm niên công tác) thì nhiều giáo viên cũng cảm thấy chạnh lòng”.
Như nhiều giáo viên khác ở huyện đảo Cát Hải, cô Hằng không dám chờ vào thưởng Tết vì biết là ngân sách của địa phương dành thưởng cho giáo viên không có nhiều, tiền hồ trợ từ các ban ngành, đoàn thể không đáng là bao nhiêu.
Cô giáo Hằng không hy vọng thưởng Tết cho giáo viên có thể cao như các ngành nghề khác nhưng mong lãnh đạo ngành GD-ĐT cần quan tâm hơn đến đời sống của giáo viên ở những vùng khó khăn để sao cho mỗi khi nghĩ đến Tết, các thầy cô giáo không cảm thấy tủi thân.
Thưởng Tết có nên như nhau?
Khác với những thầy cô giáo đang giảng dạy tại những vùng khó khăn, năm nay, thầy Tôn Sỹ Dũng, trường THCS Võ Xán, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định được thưởng Tết cao hơn năm ngoái.
Với thâm niên công tác là 34 năm, thầy được thưởng tết là 6 triệu đồng. Việc thưởng Tết năm nay của trường còn tùy thuộc vào số năm công tác, thành tích làm việc của các giáo viên.
Theo thầy Tôn Sỹ Dũng, ngành Giáo dục nên có quy định chung về việc thưởng Tết cho giáo viên ở các địa phương để không xảy ra tình trạng nơi thưởng cao, nơi thì ít.
Còn đối với giáo viên, ai có tâm huyết, thành tích tốt trong giảng dạy, đào tạo học sinh thì được thưởng Tết cao hơn.
Khác với các thầy cô giáo công tác ở các trường công lập, thầy Nguyễn Phú, giáo viên giảng dạy môn Địa lý lại giảng dạy tại trường dân lập THCS & THPT Đông Du, tỉnh Đắk Lắk.
Đến nay, trường thầy chưa thưởng Tết nhưng như năm ngoái, việc thưởng Tết của giáo viên là từ 1 đến 3 triệu đồng/người, tùy từng vào số năm công tác, thành tích của từng người.
Theo thầy Nguyễn Phú, chuyện thưởng Tết không nên dàn đều giữa các trường học vì đặc thù trường công lập là phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước, còn các trường dân lập hoạt động lại khác.
Việc thưởng Tết cho giáo viên cũng không nên cào bằng vì có người làm việc tâm huyết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều thành tích phải khác với người làm việc bình thường./.