Trần Hải Anh (30 tuổi, Hà Nội), hiện đang là trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp của 1 ngân hàng thuộc top 4 "ông lớn" trong ngành cho biết: "Thưởng Tết năm nay của từng khu vực đã được công bố, mức thưởng trung bình các nhân viên có phần cao hơn năm ngoái. Mình cũng đã nhận được thông báo thưởng Tết. Sau khi trừ chi phí thuế thu nhập, thì khoản thực nhận gần bằng 6 tháng lương. Đây là phần thưởng Tết chưa tính lương và thưởng doanh số khu vực."
Khác với ngân hàng của Hải Anh, Trương Kiều Lê (27 tuổi), là nhân viên phụ trách tư vấn tín dụng ngân hàng, có thâm niên trong nghề gần 5 năm. Kiều Lê cho biết, trong tuần này ban quản lý họp mới biết được cụ thể mức thưởng Tết của từng nhân viên. Dù chưa công bố mức thưởng chính thức, nhưng Kiều Lê nghe được thông tin thưởng Tết năm nay cao hơn năm ngoái.
Ngoài ra, nhân viên cũng được nhận thêm những phần quà có giá trị khá cao. "Năm ngoái, vì chi nhánh không đạt được mục tiêu doanh số, thêm nữa là ngân hàng còn phải hỗ trợ lãi suất theo quy định, nên thưởng Tết mình được nhận 3 tháng lương. Nhưng năm nay, tình hình kinh doanh ổn định hơn, mình có niềm tin rằng thưởng Tết sẽ cao hơn năm ngoái!"
Tuy vậy, cả Hải Anh và Kiều Lê đều cho biết: Tuy nhận được mức thưởng Tết như vậy cũng rât phấn khởi, nhưng thời gian tăng ca làm việc, áp lực chạy doanh số cuối năm khiến cả 2 đều không dư giả thời gian để nghĩ đến Tết.
Đánh đổi thời gian để nhận được thưởng Tết cao
Hải Anh phụ trách việc quản lý 1 bộ phận nên áp lực càng cao hơn khi chạy doanh số dịp Tết. "Tết là khoảng thời gian đồng loạt các bộ phận áp doanh số khá cao. Chưa kể còn làm không biết bao nhiêu giao dịch, báo cáo, giải quyết phát sinh,... cái gì cũng liên quan đến số liệu nên phần lớn thời gian trong ngày dành để xử lý công việc.
Có những ngày mình chỉ ngủ được 4 tiếng. Đêm khuya vẫn còn phải xử lý cả tập giấy tờ của các đối tác, có hôm làm việc mệt quá còn ngủ quên trên bàn làm việc. Bộ phận mình phụ trách là khách hàng doanh nghiệp nên nghiệp vụ xử lý có phần phức tạp hơn. Chỉ người làm trong nghề mới hiểu, để nhận được mức lương và thưởng Tết cao hơn các ngành khác quả thực là trầy trật."
Ảnh minh họa - Pinterest
Tuy làm ở bộ phận khác, nhưng Kiều Lê cũng chia sẻ về những áp lực của nhân viên ngân hàng, chẳng kém gì Hải Anh: "Càng về cuối năm, nhu cầu tín dụng của khách hàng tăng cao hơn rất nhiều. Do đó, doanh số áp xuống cũng gấp mấy lần những tháng trong năm. Mà thường thì thưởng Tết của bộ phận nhân viên, sẽ được tính theo thâm niên công tác, doanh số của khu vực và kết quả kinh doanh cá nhân. Vậy nên, càng về cuối năm, hình ảnh đầu tắt mặt tối của dân ngân hàng quả thực là không khó bắt gặp.
Cá nhân mình, năm ngoái tận đêm 29 mới bắt xe về quê ăn Tết. Năm nay cũng vậy, vì ngân hàng làm việc theo lịch của nhà nước đã công bố. Mà có khi tận 7-8h tối ngày 29 mới được tan ca về nhà. Bận luôn tay luôn chân quanh năm, và bận gấp 3-4 lần vào cuối năm. Muốn nhận được thưởng nhiều, thì khu vực phải vượt mức doanh số cao. Để có 1 cái Tết ấm no thì ai ai cũng tận dụng thời gian để chạy doanh số. Vậy nên thưởng Tết của ngân hàng cao hơn mặt bằng chung cũng là để bù đắp cho phần công sức mà nhân viên đã bỏ ra."
Không có thời gian tiêu Tết, nên phải... nhờ người tiêu hộ!
"Bận việc đến không có thời gian tiêu Tết" là lời than thở của rất nhiều người làm ngân hàng. Cả Hải Anh và Kiều Lê đều lựa chọn lập danh sách những khoản tiền cần tiêu, và "nhờ người tiêu hộ".
Hải Anh chia sẻ: "Mình đã có gia đình, và thường thì chi tiêu cho dịp Tết vợ mình quản lý. Nhưng có 1 số đầu mục quan trọng, mình phải lên danh sách rồi sau đó nhờ vợ hỗ trợ. Khoản tiền lương và thưởng Tết, gia đình mình chỉ trích ra 1/3 để tiêu Tết, số còn lại thì cho vào sổ tiết kiệm, ra năm nghiên cứu đầu tư những hạng mục khác.
Thưởng Tết cao nhưng dân ngân hàng không có thời gian để tiêu - Ảnh minh họa Pinterest
Phần chi tiêu cho Tết, gia đình mình luôn có 1 danh sách cố định và danh sách phát sinh. Phần phát sinh thì vợ mình giúp lo hết, còn phần cố định thì 2 vợ chồng thống nhất với nhau. Trong đó, khoản chi tiêu cố định bao gồm: Tiền biếu Tết bố mẹ 2 bên, tiền quà cáp cho khách hàng và đối tác quan trọng, tiền lì xì nhân viên cấp dưới. 3 khoản này được trích trong phần tiền thưởng Tết của mình.
Còn những khoản tiền còn lại như mua sắm đồ Tết cho gia đình, trang trí nhà cửa, hay sắm sửa quần áo Tết cho cả nhà,... đều là vợ mình lo. Vì công việc của vợ có phần nhẹ nhàng hơn. Vợ mình cũng vui với chuyện này nên hầu như thưởng Tết đều nhờ vợ tiêu hộ là chính. Vợ mình còn hay đùa rằng, nhiệm vụ Tết của mình là làm việc chăm chỉ và đem thưởng Tết về nhà."
Với Kiều Lê, vì chưa lập gia đình nên phần lớn số tiền thưởng Tết dành để biếu bố mẹ, phụ sắm sửa đồ Tết và tiết kiệm tiền. Lê cho biết: "Công việc áp lực là thế, nhưng mình thấy vui vì thưởng Tết cao giúp mình dư giả để phụ giúp bố mẹ.
Thường ngày, đi làm về vừa muộn vừa mệt nên mình rất ít quan tâm đến chuyện sắm Tết. Cũng chưa lập gia đình, nên khi nhận được thưởng Tết, mình dự định gửi tiền để bố mẹ tự mua sắm đồ Tết trong nhà. Hầu như thưởng Tết năm nào mình cũng để dành tiết kiệm là chính.
Tranh thủ ngày chủ nhật, mình cũng lướt mạng mua sắm vài món đồ là xong. Vì thời gian nghỉ Tết không nhiều, nên mình tranh thủ mấy ngày Tết để nghỉ ngơi, hạn chế những cuộc vui. Vậy nên tiền lương thưởng cuối năm được đổ vào tài khoản tiết kiệm nhiều nhất.”