Thương nhân Trung Quốc muốn bán sữa Úc với giá gấp 15 lần

Thuỳ Dương |

Một doanh nhân Trung Quốc đánh cược rằng các đồng hương của ông sẵn sàng bỏ ra số tiền lên tới 15 lần những gì mà dân Úc phải trả cho một lít sữa sạch và an toàn.

Bởi lý do ấy, Lu Xianfeng đã trả 280 triệu AUD (tương đương 209 triệu USD) để mua Van Dieman's Land Co (VDL) – công ty sữa lớn nhất của Úc, nằm trên bờ biển phía tây bắc Úc.

Đây được xem là giao dịch có mức giá cao nhất cho 17.000 ha đất, nhưng Lu cho rằng, mục tiêu và tầm nhìn của ông không chỉ dừng lại là một nhà máy cung cấp sữa cho địa phương để làm pho mát và các sản phẩm khác từ sữa, mà xa hơn, sẽ mang lại những sản phẩm sữa sạch cho thị trường đông dân nhất thế giới là Trung Quốc.

Tầm nhìn đó trở nên rõ ràng hơn khi vào ngày 25/11, công ty của Lu chính thức thông báo kế hoạch vận tải hàng không 50.000 lít sữa tươi một tuần từ thành phố Hobart (Úc) thẳng đến Ninh Ba, thành phố lớn thứ hai ở tỉnh Chiết Giang.

Kế hoạch ban đầu là sử dụng một máy bay Boeing 767 để vận chuyển, chuyến đầu tiên sẽ bắt đầu trong nửa đầu năm 2017. Lu và ban lãnh đạo công ty cho biết, đây mới chỉ là sự khởi đầu, bởi mục đích cuối cùng là sẽ phải có vài chuyến bay mỗi tuần và sử dụng máy bay vận tải lớn hơn như Boeing 747 để vận chuyển không chỉ sữa mà còn có những sản phẩm tươi sống khác như cá hồi và bào ngư.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số rào cản pháp lý và những giới hạn thực tế để thực hiện. Sân bay Hobart cần phải được mở rộng đường băng để có thể sẵn sàng cho những chuyến bay của Boeing 747.

Nhưng, đến tháng 6/2017 người tiêu dùng Ninh Ba vẫn sẽ thực sự được dùng sữa tươi từ Úc. Không những vậy, thời gian để người tiêu dùng Trung Quốc được thưởng thức một ly sữa tươi từ bò ở Úc chỉ 3 ngày, tương đương với thời gian sữa được đưa lên các kệ siêu thị tại Úc.

Kế hoạch vận chuyển được lên rất chi tiết, sữa sẽ được chở bằng xe tải trong vòng 7 giờ từ nông trại VDL đến một nhà máy chế biến gần Hobart, sau khi xử lý và đóng gói, sữa được đưa lên các chuyến bay về Trung Quốc, mất thêm khoảng 10 – 11 giờ bay. Sau khi hoàn thành các thủ tục hải quan, sữa sẽ được phân phối tới các cửa hàng bán lẻ.

Bởi vậy, giá mỗi lít sữa này tại Trung Quốc được ước tính vào khoảng 10 -15 AUD, mức giá không hề rẻ, và cao tới 15 lần so với mức giá mà chúng đang được bán tại các siêu thị trên đất Úc (1AUD hay 75 cent Mỹ/lít).

Tuy phải trả mức giá khổng lồ để có được sản phẩm đảm bảo chất lượng và độ tươi, người tiêu dùng Trung Quốc ít nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, bởi khu vực sản xuất sữa Hobart của đầu phía tây bắc đảo Tasmania là nơi có không khí trong sạch nhất thế giới với đồng cỏ tươi tốt và đàn gia súc khỏe mạnh.

Ngành công nghiệp sữa của Trung Quốc đã có một hình ảnh xấu xí sau những vụ bê bối trong những năm gần đây, trong đó năm 2008 có đến 300.000 người bị bệnh và 6 trẻ sơ sinh đã chết do gặp vấn đề về thận sau khi uống sữa chứa melamine, chất được thêm vào để tăng hàm lượng protein.

Song, công ty của Lu chắc chắn sẽ gặp phải những khó khăn khi các nhà chức trách Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước. Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc trong một cuộc họp vào tháng 8 đã tuyên bố 99,3% sữa tươi trong nước và 99,5% các sản phẩm từ sữa đều đạt qua kiểm tra chất lượng của năm 2015.

Nhưng nhu cầu thực sự đến từ người tiêu dùng, những người yêu thích sữa Úc ở Ninh Ba, vẫn đang mong đợi để có thể thực sự thưởng thức không khí trong lành và thảm cỏ xanh Tasmania trong mỗi ly sữa, ngay cả khi phải trả số tiền không nhỏ cho đặc quyền đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại