Trong tập 15 của bộ phim Việt đang "hot" dạo gần đây Thương Ngày Nắng Về 2 đã có tình tiết giúp người xem hiểu hơn hậu quả của chuyện vay mượn thiếu tính toán, đặc biệt vay nóng xã hội đen. Khi nhân tình của Thương - chị chồng Vân Khánh, một trong những nhân vật chính của phim - bị vỡ nợ ôm hết tiền bỏ trốn, Thương theo đó cũng mất trắng 2 tỷ đồng, hầu hết đều là tiền vay nóng xã hội đen.
Cô nàng đã bị đám giang hồ tìm đến tận nhà để đòi tiền, đe dọa cả gia đình phải trả trong 3 ngày. Trong lúc túng quẫn, bà Hiền - mẹ chồng Vân Khánh - đã bắt vợ chồng nữ nhân vật chính phải trả nợ hộ con mình. Gia đình đã rơi vào những cuộc tranh cãi nảy lửa, đến cuối cùng chính bố mẹ của Thương đã phải bán căn nhà của mình để trả nợ cho con gái.
Gia đình Thương bị xã hội đen tìm đến tận nhà đòi nợ
Chỉ là một tình tiết nhỏ trong bộ phim nhưng có thể thấy rằng nếu không xem xét kỹ mục đích cũng như nguồn vay nợ, có thể dẫn đến cảnh mất nhà mất cửa chỉ trong phút chốc. Việc vay tiền đã trở nên dễ dàng và thuận tiện, nhiều người rất dễ bị lôi kéo bởi những lời quảng cáo tràn lan và rơi vào bẫy nợ. Dưới đây là 3 tiêu chí cần cân nhắc kỹ càng trước khi đặt bút ký đi vay.
1. Không vay nếu không thực sự cần thiết
Mong muốn tiêu thụ, mua những món đồ mới không bao giờ ngừng. Bạn có thể mua một chiếc điện thoại mới trong tháng này bằng thẻ tín dụng của mình, và tháng sau, bạn có thể muốn một khoản vay để đi du lịch. Thói quen vay mượn để chi tiêu dễ dẫn đến nợ nần chồng chất. Vay tiền không làm tăng sức mua của bạn.
Trên thực tế, bởi vì lãi suất, khoản nợ của bạn sẽ tăng cấp số nhân theo thời gian, đặc biệt nếu bạn vay nóng. Do vậy, tình hình tài chính cá nhân của bạn sẽ ngày càng tệ hơn. Cũng cần lưu ý rằng vay tiền để đầu tư rủi ro cao và có thể dẫn đến thua lỗ lớn. Tương tự, đi vay để đánh bạc là "một đi không trở lại". 99% bạn sẽ mắc nợ và dẫn đến "táng gia bại sản" nếu vay tiền để đánh cược vào một kết quả không chắc chắn.
2. Nhất định không vay nếu không có khả năng trả nợ
Trước khi vay, hãy sử dụng tính toán ra số tiền trả nợ hàng tháng, thời hạn thanh khoản và chi phí vay. Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc trả số tiền này, hãy nói không với khoản vay.
Chúng ta thường mắc phải bẫy vay nợ, khi sử dụng khoản vay này để trả cho số tiền nợ đã có sẵn từ trước. Nó sẽ là một vòng nợ nần lặp lại, không bao giờ có thể giải quyết triệt để vấn đề, chỉ khiến tình hình tài chính của bạn trở nên tồi tệ hơn. Nếu đang mắc nợ, bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ nhân viên xã hội, những người cung cấp dịch vụ hỗ trợ tư vấn về nợ.
3. Dù trả được cũng đừng vay mà không đắn đo suy nghĩ
Vay rồi kiểu gì cũng trả được - nói thì dễ hơn làm. Quá trình thanh toán các khoản nợ luôn khó khăn hơn bạn nghĩ. Các chi phí bổ sung bắt nguồn từ các khoản trả nợ hàng tháng và lãi suất chắc chắn sẽ tạo thêm gánh nặng cho ngân sách hàng tháng của bạn.
Việc vay nợ quá tùy tiện có thể dễ dàng biến thành thói quen dẫn đến các vấn đề nợ nần nghiêm trọng. Hơn thế nữa, đi vay có thể không phải là lựa chọn duy nhất. Ví dụ, nếu muốn đi du lịch, bạn có thể bắt đầu tiết kiệm vài tháng trước đó và mục tiêu của bạn vẫn có thể đạt được. Đi vay không phải là một quyết định đơn giản. Hãy luôn suy nghĩ cẩn thận.
Ảnh: Tổng hợp