Thông thường đến thời điểm này hàng năm, bà con nông dân huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng cơ bản hoàn thành việc xuống giống vụ mía mới.
Tuy nhiên, hiện tại, địa phương này vẫn còn khoảng 150 ha mía chưa thu hoạch được do không có thương lái đến thu mua. Trong đó, nhiều diện tích đang bị khô héo, giảm năng suất, thậm chí là mất trắng, hoặc phải phá bỏ để chuẩn bị cho mùa vụ mới.
Dưới cái nắng hạn của của tháng 5, nhìn 15 công mía nước vẫn chưa thể thu hoạch, bà Đặng Thị Cẩm Giang, ngụ xã Đại Ân 1 than thở, hiện cây mía phần lớn đã khô gốc, cháy lá và giảm trữ đường, nhiều cây đã đổ ngã, thiệt hại rất nặng… Hiện chỉ mong chờ thương lái đến thu mua dứt điểm diện tích mía như hợp đồng đã ký.
“Người ta hứa từ tháng Giêng đến 15 tháng 4 sẽ đốn xong, hai bên cũng làm giấy tờ nhưng nay mía sớm mà dịch bệnh thì kéo dài. Giờ mía đổ, ngã khô gốc hết rồi” - bà Giang chia sẻ.
Chị Đặng Thị Cẩm Giang rất lo lắng cho 15 công mía của gia đình vì tiêu thụ chậm.
Ông Trương Văn Trung cùng ở khu vực này, là một trong những hộ vẫn còn diện tích trồng mía chưa thể thu hoạch. Ông Trung cho biết, 2 công mía nguyên liệu đến thời điểm này gia đình đang chuẩn bị phá bỏ. Từ lúc nhà máy đường ngưng hoạt động, mía không có nơi tiêu thụ; trong khi đã quá ngày thu hoạch từ lâu và mía đang bị chết dần.
“Tôi thì có 2 công đốn chưa kịp, kêu nhân công thì cũng hứa thôi, nhà máy nghỉ, giờ 2 công đó bỏ trắng luôn” - ông Trung nói.
Theo người trồng mía, nguyên nhân niên vụ mía năm nay chưa thu hoạch dứt điểm là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thương lái không vào thu mua và thiếu nhân công thu hoạch. Ngoài ra nắng nóng kéo dài làm giảm chất lượng mía, bên cạnh đó là khả năng tiêu thụ của nhà máy đường cũng gặp khó khăn.
Hiện nhà máy đã ngừng hoạt động. Tuy thời điểm này, thương lái đến thu mua có khá hơn, nhưng tiêu thụ vẫn rất chậm.
Một ruộng mía ở xã Đại Ân 1 đã khô và đang chết dần.
Ông Nguyễn Văn Đắc, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện còn khoảng 150ha mía chưa thu hoạch, chủ yếu là mía nước, được người dân trồng bán cho thương lái ở ngoài. Những diện tích này sẽ chết khô nếu nắng nóng kéo dài như hiện nay.
Thời gian tới, nếu không thu hoạch được, mưa xuống, mía sẽ giảm trữ đường nhanh, khả năng thiệt hại rất lớn.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đắc, không chỉ khó khăn trong tiêu thụ, hiện tình hình xuống giống mía cho niên vụ tiếp theo của địa phương cũng rất chậm do nguồn nước ngọt còn khan hiếm, bên cạnh đó là khó khăn về nguồn giống.
Cây mía trước đây được xem là cây kinh tế chủ lực của nông dân xứ Cù Lao Dung nhờ hiệu quả kinh tế cao, diện tích lúc cao điểm lên hơn 8.000 ha mỗi niên vụ.
Song nhiều niên vụ qua, người nông dân trồng mía vùng Cù Lao này liên tục gặp khó trong khâu tiêu thụ, giá cả bấp bênh. Từ đó, diện tích mía đã giảm nhanh, dự kiến niên vụ tới chỉ còn khoảng 3.500 ha mía; phần lớn diện tích mía được bà con nông dân chuyển sang trồng cây con khác có giá trị kinh tế hơn.