Ngày 13/1, cơ quan chức năng huyện Cát Tiên cho biết đang rộ lên tình trạng nông dân địa phương gom nhặt lá măng cụt bán cho thương lái với giá từ 20.000đ-25.000đ/kg.
Thời điểm này cây măng cụt chuẩn bị ra hoa quả của niên vụ 2022 nên rất cần lá để quang hợp, hấp thụ, chuyển hóa dinh dưỡng nuôi cây, phân hóa mầm hoa, nuôi hoa, quả.
UBND huyện Cát Tiên đã cấp tốc ra văn bản gửi Phòng NN&PTNT, Hội Nông dân, Trung tâm nông nghiệp và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn yêu cầu khẩn trương tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không được chặt cành măng cụt để lấy lá bán cho thương lái.
Huyện này cho rằng, quả măng cụt là nguồn thu nhập chính bền vững, do đó nông dân không nên chạy theo lợi ích trước mắt (chặt cành lấy lá bán cho thương lái) mà làm hỏng cả vụ.
Các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo nông dân chỉ thực hiện việc tỉa cành, tạo tán cây măng cụt sau khi kết thúc niên vụ thu hoạch năm 2022 và chỉ cắt tỉa những cành vô hiệu; không lạm dụng cắt tỉa những cành hữu hiệu vì sẽ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây trong những năm tiếp theo.
Một số người dân ở Cát Tiên cho hay, một nhóm người lạ mặt từ địa phương khác tới thu mua lá cây măng cụt với giá từ 20.000đ-25.000đ/kg. Từ trước tới nay, lá măng cụt không có tác dụng gì, chẳng ai mua nên rụng đầy gốc và tự phân hủy.
Thời gian gần đây có người tới thu mua lá măng cụt với giá tương đối cao khiến ai nấy đều ngạc nhiên. Nhiều hộ trồng măng cụt đã thu gom lá đem bán.
Nông dân đã gom sạch lá rụng dưới gốc để bán, chính quyền cảnh báo không nên chặt cành, hái lá
Theo lãnh đạo huyện Cát Tiên, vì nông dân vận chuyển lá măng cụt ra khỏi địa phương để bán nên ban ngành chức năng chưa biết người mua là ai, có phải thương lái Trung Quốc hay không.
UBND huyện Cát Tiên yêu cầu ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện các thương lái đến địa phương để thu mua lá măng cụt, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có); theo dõi những bất cập phát sinh của việc thu mua lá măng cụt để có biện pháp xử lý kịp thời.
Lâm Đồng hiện có hàng trăm héc ta măng cụt, được trồng chủ yếu ở các huyện phía Nam, bao gồm Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên.
Cũng cần nói thêm, thương lái Trung Quốc đã có nhiều vụ thu mua những thứ lạ đời như đỉa, móng trâu, ốc bươu vàng, rễ tiêu, lá điều khô… Không ai biết họ mua những thứ đó để làm gì và thị trường tiêu thụ ra sao.
Chiêu bài phổ biến của họ là thu mua với giá cao ngất ngưởng, tung tin mua với số lượng lớn và bỗng dưng biến mất làm nông dân điêu đứng. Thông qua thương lái Việt Nam, họ tạo cung cầu ảo và cuối cùng người dân và thương lái nước ta lại mua hàng chính mình đã bán ra trước đó.