Ngày 11/9, ông Trần Văn Nghĩa, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai cho biết, sau khi có văn bản cảnh báo thì người dân đã không còn bắt, mua bán sâu ban miêu (bọ 3 sọc) bán cho thương lái nữa.
Trước đó, người dân tại xã Hà Đông và Đắk Sơ Mei, huyện Đắk Đoa đi bắt loại bọ 3 sọc để bán cho các cửa hàng tạp hóa với giá từ 1,5-1,7 triệu đồng/kg. Đã có một số trường hợp bị phỏng da do quá trình bắt, mua bán.
Sau đó, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Đắk Đoa có văn bản cảnh báo bọ 3 sọc là loại sâu có cánh cứng, sinh sống chủ yếu ở cây lúa, khoai lang, đậu, bầu, bí…từ tháng 5 đến tháng 11, đây là loại có độc tố gây phồng da. Nếu dính vào tay rồi lỡ bôi vào mắt hay dụi mắt sẽ làm bỏng rát, tổn thương giác mạc.
Nếu chất độc từ bọ 3 sọc đi vào người theo đường tiêu hóa thì sẽ gây ngộ đôc nặng, tổn thương dạ dày và ruột, đau bụng nôn mửa, chảy máu đường tiêu hóa, hoại tử ruột và tử vong.
Theo ông Nghĩa, sau khi phát đi cảnh báo, vào chiều 10/9, ông cùng lực lượng công an xã đi nắm tình hình thực tế thì người dân đã không còn đi bắt và mua bán loại bọ 3 sọc này nữa. Có 2 trường hợp bị phỏng do dính phải chất độc từ loại bọ 3 sọc này gây ra.
Nhiều trẻ em cũng đi lùng bắt bọ 3 sọc để bán.
Thành quả sau một buổi đi bắt bọ 3 sọc
Còn ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết mới chỉ ghi nhận việc người dân đi bắt, mua bán bọ 3 sọc diễn ra cục bộ tại huyện Đắk Đoa. Các địa phương khác trong tỉnh không có tình trạng này.
Cũng chưa ghi nhận việc phá hoại của loại bọ này trên diện tích rộng, nguy hại. Ông Uyển cũng đã nghe phản ánh việc mua bán bất thường, nhưng không rõ mục đích họ mua để làm gì.
Thời quan qua người dân tại tỉnh Kon Tum cũng săn lùng loại bọ 3 sọc bán cho các thương lái với giá từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng. Trên các trang mạng xã hội, nhiều người tìm mua loại bọ này với giá từ 1,2 đến 1,7 triệu đồng. Nhiều trường hợp đi bắt loài bọ này đã bị phỏng rộp phải điều trị tại các cơ sở y tế.
Một nữ thương lái trực tiếp thu mua loại bọ 3 sọc này tại huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum nói, chỉ thấy có người đến đặt hàng mua và bà đặt hàng lại những người dân trong làng đi bắt để hưởng chênh lệch. Mục đích của người mua để làm gì thì bà không nắm được.
Sở NN-PTNN Kon Tum cũng phát đi văn bản cảnh báo người dân không đi bắt loài bọ 3 sọc này vì nguy hại.
Chứng kiến nguy hại từ việc bắt bọ 3 sọc, nhiều người lên facebook cảnh báo