Năm 2021, thương hiệu đồ nội thất Thụy Điển IKEA đã cho ra mắt một bộ sưu tập lấy cảm hứng từ... rác thải và đặt tên nó là "The Trash Collection 2021". Cụ thể, rác thải ở đây chính là những món đồ nội thất đã bị hư hỏng một hoặc vài phần.
Đó có thể là chiếc bàn bị gãy chân, chiếc ghế bị mục lưng tựa hay chiếc tủ bị hỏng cánh. Tất cả chúng đều có thể sửa chữa và tái sử dụng, thay vì vứt bỏ la liệt ở những bãi rác. Các nhân viên của IKEA đã tự mình đi đến các trạm tái chế hoặc những nơi tập trung nhiều rác thải đồ nội thất cũ và thu gom lại rồi mang về sửa chữa.
Những vật dụng được sửa chữa đó sau đó được ra mắt dưới một diện mạo mới và được bày bán cũng bởi chính thương hiệu IKEA. Theo thông tin từ nhãn hàng, bộ sưu tập rác thải không những bán chạy mà đã bán hết toàn bộ.
The Trash Collection 2021. (Video IKEA)
Chiến dịch về bộ sưu tập đặc biệt này còn nhận được giải Bạc của Clio Award ở hạng mục Chiến dịch mang thông điệp rõ ràng (Integrated Campaign).
Rác thải đồ nội thất đang tăng lên từng năm
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), lượng rác thải đồ nội thất tăng lên theo từng năm. Năm 2009, con số này là 9,8 triệu tấn ở Mỹ (tương đương 4,1% rác thải sinh họat). Đến năm 2017, nó tăng lên là 12,2 triệu tấn/năm.
Trên các con phố ở Mỹ, không khó để bắt gặp các khu vực ngập tràn đồ nội thất cũ. Chúng được xếp chồng lên nhau, hoặc vứt la liệt bên cạnh các thùng rác hoặc trước cửa nhà, đợi được thu gom đi.
Có những món vẫn còn khá mới, bị gãy chân, gãy cánh cửa hay đơn giản chỉ là trầy sơn, trông có phần cũ kỹ.
Theo Reuters, rác thải nội thất dù có thể tái chế song lại được tái chế ít nhất ở Mỹ. Số liệu của EPA cho thấy có tới hơn 80% số đồ nội thất cũ bị bỏ đi thì sẽ được chôn lấp hoàn toàn. Đến năm 2015, ước tính rằng con người tốn khoảng 121,7 tỷ đô cho việc mua lại những đồ nội thất mới, thay vì sửa chữa, tái chế đồ nội thất cũ.
Ảnh Pinterest.
Việc lượng lớn rác thải đồ nội thất đổ ra gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như sự lãng phí lớn không đáng có.
Ví dụ như đối với những đồ bằng gỗ, bên cạnh các kiểu đồ sử dụng gỗ nguyên khối, một số loại cũng được tạo nên từ các mảnh gỗ nhỏ, được dán với nhau bằng keo chứa hóa chất độc hại, hay ép bằng nhựa. Chất thải từ chúng sẽ ảnh hưởng tới môi trường một cách nghiêm trọng.
Xu hướng tái chế đồ nội thất cũ
Nhận biết được tác hại của việc lượng lớn rác thải đồ nội thất cũ ra ngoài môi trường, nhiều tổ chức, thương hiệu trên thế giới đã bắt đầu lên ý tưởng và thực hiện các chiến dịch tái chế đồ cũ của mình. Và IKEA chính là một trong số đó.
Bên cạnh bộ sưu tập rác thải ra mắt vào năm 2021 và nhận được thành công nhất định, thương hiệu này còn có dịch vụ thu mua lại những món đồ nội thất cũ của chính mình. Theo đó, bạn chỉ cần kiểm tra món đồ IKEA của mình xem có nằm trong danh mục phù hợp để hãng thu mua hay không, sau đó đem ra cửa hàng IKEA gần nhất để định giá, và bán lại.
Danh mục đồ phù hợp để thu mua được đưa ra bởi IKEA bao gồm:
- Nội thất văn phòng
- Tủ và kệ sách
- Bàn và ghế
- Các loại ngăn kéo
- Bàn, tủ đầu giường
- Giường
- Phụ kiện cửa ra vào
Bộ sưu tập rác thải từ đồ nội thất cũ của IKEA nhận được sự hưởng ứng lớn. (Ảnh IKEA)
Không chỉ có những thương hiệu lớn như IKEA, nhiều người dùng trên khắp thế giới cũng đã ý thức được vấn đề về rác thải đồ nội thất, từ đó dấy lên xu hướng tái chế chúng thành những món đồ với phiên bản mới mẻ hơn.
Nó có thể là sửa chữa một vài chi tiết nhỏ trên đồ dùng, hoặc "thay" hẳn một "tấm áo mới" cho chúng, biến nó thành một vật dụng hoàn toàn khác, có mục đích sử dụng hoàn toàn khác.
Dưới đây là một số ý tưởng tái chế các đồ dùng nội thất cũ được gợi ý bởi chuyên trang IdeaHome. Cùng tham khảo và làm mới những vật dụng cũ nhà mình, đem lại cho chúng hơi thở và ngoại hình hoàn toàn mới nhé.
1. Tạo kệ để đồ từ những chiếc thùng
Những chiếc thùng gỗ thông thường có thể biến hóa thành những kệ để đồ chỉ bằng thao tác lật lại, sau đó xếp thùng này chồng lên thùng kia.
Các kệ như thế này có thể giúp bạn lưu trữ mọi thứ một cách tiện lợi, dễ dàng. Bạn có thể đặt các loại chai lọ, bình hoa hay đèn ngủ lên các kệ này. Bổ sung hoa văn cho chúng bằng các loại giấy hay hình dán.
Nếu muốn dễ dàng di chuyển các kệ này từ vị trí này sang vị trí khác, gắn thêm bánh xe là một lựa chọn tốt.
Ảnh IdeaHome.
2. Tận dụng chiếc bàn cũ để làm kệ bồn rửa mặt
Nếu bạn có một chiếc bàn đã cũ thì đừng vội bỏ nó đi, đặc biệt là các loại bàn bằng kim loại. Hãy tận dụng chiếc bàn để làm kệ bồn rửa mặt trong nhà vệ sinh. Việc này không chỉ giúp hạn chế rác thải đồ nội thất mà còn giúp bạn tiết kiệm chi phí xây sửa nhà tắm của mình.
Lưu ý, chiếc bàn cần có độ chịu lực tốt và cần phải thi công thêm phần cố định và đường ống từ bồn rửa lên nó. Bàn kim loại cũng sẽ được khuyến khích hơn bàn gỗ bởi khả năng chống thấm nước tốt hơn.
Ảnh IdeaHome.
3. Tái sử dụng thang thành giá treo
Một chiếc thang cũ không còn chắc chắn, bị nứt gãy một số phần nhỏ thường sẽ bị bỏ đi. Tuy nhiên, đừng vội làm như thế vì sẽ có những ý tưởng khác để tái chế chúng.Ví dụ như việc biến chúng thành giá để treo những chiếc khăn như thế này.
Bạn sẽ chẳng phải mất thêm thêm chi phí để mua những chiếc chiếc giá treo gắn tường thông thường nữa. Chiếc thang cũ này có thể đặt trong nhà tắm hoặc nhà bếp tùy vào nhu cầu sử dụng. Cũng đừng quên làm sạch và sơn lại để chúng có diện bạo bắt mắt hơn.
Ảnh IdeaHome.
4. Tạo kệ lưu trữ từ tấm pallet giường
Tương tự như chiếc thang gỗ, những tấm pallet cũ trở nên cọt kẹt, không chắc chắn cũng có thể tái sử dụng, trở thành một vật dụng có ích trong nhà.
Hãy cưa nhỏ chúng ra, ghép nối các mảnh lại và chế tạo thành những chiếc kệ, giá treo tường.
Ứng dụng từ pallet gỗ đặc biệt phù hợp với kệ treo tường phòng tắm bởi nó có những ô, lỗ nhỏ, phù hợp cho việc ráo nước. Tuy nhiên, bạn cũng nên sơn thêm 1 lớp bảo vệ gỗ để chúng được bền và đẹp hơn.
Ảnh IdeaHome.
5. Ghép những mảnh gỗ để thành chiếc bàn
Nhiều miếng, mảnh gỗ riêng lẻ khi được ghép lại với nhau có thể tạo nên một thành phẩm ngoài sự mong đợi của bạn. Đó là chúng có thể tạo thành một chiếc bành trà nhỏ xinh, để bạn đặt trong vườn nhà mình.
Tuy nhiên, việc này tốn thời gian và công sức hơn vì bạn sẽ phải dùng keo dính hoặc đóng đinh để kết nối chúng lại.
Ảnh IdeaHome.