Cuối tuần vừa qua, Thế giới Di động đã thông báo thưởng 7,33 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên của công ty. Đây là chương trình thưởng vẫn diễn ra hàng năm của Thế Giới Di Động cho các cán bộ quản lý chủ chốt.
Tính theo mức giá hơn 154.000 đồng trên sàn chứng khoán hiện nay, mức thưởng này của Thế Giới Di Động có giá trị lên tới gần 1.130 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do thưởng bằng cổ phiếu chứ không phải tiền mặt, nhân viên Thế Giới Di Động sẽ phải đợi 1 năm để bán 50% số cổ phiếu và đợi thêm 1 năm nữa để được bán 50% còn lại.
Vậy, thưởng bằng cổ phiếu có lợi như thế nào so với thưởng bằng tiền mặt?
Đối với các doanh nghiệp nói chung, thưởng bằng cổ phiếu giúp công ty không phải sử dụng tới tiền mặt. Đối với doanh nghiệp bán lẻ, có tốc độ quay vòng vốn nhanh như Thế Giới Di Động, tiền mặt lại càng có ý nghĩa trong thanh khoản.
Ngoài ra, thưởng bằng cổ phiếu có tác dụng giúp nhân viên gắn bó với công ty. Nếu áp dụng chính sách thưởng bằng tiền mặt, nhân viên vẫn sẽ có động lực làm tốt để nhận tiền thưởng.
Nhưng với thưởng bằng cổ phiếu, nhân viên còn có động lực góp sức cho sự phát triển của công ty, với mục tiêu giá trị của doanh nghiệp tăng, giá cổ phiếu tăng và bản thân thu được nhiều lợi nhuận hơn.
Quan trọng hơn cả, thưởng bằng cổ phiếu còn giúp nhân viên tránh được các khoản thuế thu nhập cá nhân khổng lồ.
Lấy ví dụ, nếu số tiền 1.130 tỷ đồng nói trên được thưởng bằng tiền cho 1.000 nhân viên, trung bình mỗi nhân viên sẽ nhận được 1,13 tỷ đồng.
Trừ đi các khoản giảm trừ gia cảnh thông thường, số tiền thuế phải nộp vào ngân sách Nhà nước cho khoản thu nhập này là trên dưới 100 triệu đồng.
Trong khi đó, nếu Thế Giới Di Động thưởng bằng cổ phiếu, nhân viên công ty sẽ chỉ phải nộp thuế 0,1% khi bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán, tương đương số tiền khoảng 1,13 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với phương án thưởng bằng tiền mặt.
Tuy nhiên, việc bán cổ phiếu sẽ phải chờ đợi 1-2 năm và đây chính là động lực để nhân viên cống hiến cho công ty.
Năm 2014, Thế Giới Di Động phát hành 5,33 triệu cổ phiếu ESOP, sang năm 2015 là 6,98 triệu cổ phiếu và năm 2016 là 7,33 triệu cổ phiếu. Tổng cộng sau 3 năm, nếu nhân viên Thế Giới Di Động vẫn còn giữ cổ phiếu thì giá trị lượng cổ phiếu ESOP này đã lên tới hơn 3.000 tỷ đồng.
Không chỉ Thế Giới Di Động, nhiều doanh nghiệp lớn khác trên sàn chứng khoán cũng rất ưa chuộng hình thức thưởng này cho nhân viên.
Tuy nhiên, có người được lợi thì cũng có những người phải chịu bất lợi. Trong trường hợp này, do "tránh thuế" hợp lý, nên cơ quan thuế sẽ thất thu khoản thuế thu nhập cá nhân không nhỏ.
Mặc dù vậy, đứng trên góc độ doanh nghiệp, dù là Việt Nam hay nước ngoài, không có một người làm kinh doanh nào lại muốn nộp thuế nhiều hơn, vì vậy họ đều tìm cách "né thuế" hợp pháp.
Bên cạnh đó, do đây là khoản "thưởng" cho nhân viên, được lấy từ túi tiền của các ông chủ, nên các cổ đông của Thế Giới Di Động cũng giảm bớt một phần lợi nhuận lẽ ra thuộc về mình. Tuy nhiên, đổi lại cho các cổ đông là sự cống hiến hết mình của nhân viên và tiềm năng tăng trưởng lớn cho tương lai.
Tại một cuộc gặp nhà đầu tư, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động cho biết, trong mắt ông, khách hàng là số 1 và nhân viên là số 2, sau đó là cổ đông, đối tác, nhà cung cấp đứng chung bên dưới. Chính vì vậy, ông luôn ưu tiên những gì có lợi cho nhân viên hơn so với cổ đông.
Ông Tài cũng từng khẳng định, người ta có thể dễ dàng lấy đi nhân sự các công ty khác, nhưng rất khó để lấy được area manager (giám đốc khu vực) của Thế Giới Di Động.