Kathy Xu là một trong những nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu Trung Quốc và sở hữu những khoản đầu tư vào các doanh nghiệp sở hữu hệ thống cửa hàng tạp hoá lớn như Meituan, Yonghui Superstores Co. và DingDong Maicai. Chị đã phải tìm đến một nhóm trò chuyện trên WeChat để mua bánh mì và sữa, theo một bài đăng trên mạng xã hội. Trong khi đó, công ty mà Xu sáng lập và quản lý là Capital Today với khối tài sản 2,5 tỷ USD không trả lời yêu cầu bình luận.
Tình thế khó khăn của Xu phản ánh tình trạng thiếu lương thực đang ảnh hưởng đến cả những người có thu nhập cao ở Thượng Hải, sau khi nhóm người dân thuộc tầng lập trung lưu cũng phải chật vật trong nhiều tuần.
Thượng Hải đang là "tâm chấn" của đợt bùng dịch tồi tệ nhất ở Trung Quốc kể từ những ngày đầu ở Vũ Hán. Giới chức hiện đã thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch, áp dụng xét nghiệm diện rộng và phong toả để kiểm soát những ổ dịch.
Song, chiến lược này của Trung Quốc lại biến thành cơn ác mộng đối với hệ thống logistics của thành phố 25 triệu dân. Hoạt động giao hàng hoá cơ bản đang bị gián đoạn nghiêm trọng khi.
Giới chức Trung Quốc đã nỗ lực hỗ trợ người dân trong những ngày gần đây, khi một số hộ gia đình nhận được trứng, sữa, rau và thịt. Tuy nhiên, những gói thực phẩm thiết yếu vẫn chưa đến tay người dân ở một số khu vực khác.
Trong khi đó, các ứng dụng giao hàng cũng không thể bắt kịp số lượng đặt hàng tăng đột biến, ngay cả tài xế cũng phải ở yên trong nhà. Bởi vậy, người dân phải tìm đến những nhóm trò chuyện thường là trên WeChat để cùng đặt hàng, trong đó một khu dân cư điều phối việc mua và phân phối sản phẩm số lượng lớn.
David Fishman - một nhà tư vấn ngành năng lượng 32 tuổi, vừa mua 4.200 NDT (660 USD) bánh mì cho mình và hơn 60 người hàng xóm. Họ hy vọng đơn hàng này sẽ được giao vào ngày 9/4. Anh cũng ở trong 3 nhóm mua chung thực phẩm khác và vẫn đang chờ đợi các đơn đặt hàng riêng, cũng như sữa từ địa phương hỗ trợ.
Theo Vivian Feng - nhóm trưởng của một số nhóm mua chung thực phẩm, việc có được đơn hàng lớn với các nhà bán buôn không phải là vấn đề, miễn là giá đáp ứng mức tối thiểu của người mua. Tuy nhiên, một số người vẫn e ngại vì chi phí cao hoặc từ chối đơn đặt hàng vì những lý do khác. Theo Feng, điều này có thể gây khó khăn cho hoạt động quản lý.
Dù các nhóm mua chung hàng hoá đã hoạt động hiệu quả trong việc cung cấp thực phẩm cho người dân, nhưng họ lại đang chứng kiến nhu cầu ở mức quá cao.
Miranda Zheng - sống ở phía đông Thượng Hải và đã cách ly gần 10 ngày, chia sẻ: "Tôi chỉ được tham gia các nhóm mua hàng trong khu dân cư của mình 1 lần. Tôi tìm được một shipper của Meituan và trả cho cả trăm NDT mỗi ngày để anh ta giao đồ ăn cho tôi."
Giới chức Thượng Hải cho biết tin đồn về việc thành phố này cấm các nhóm mua chung hoạt động là sai sự thật. Ngoài ra, họ cũng cam kết đẩy mạnh việc hỗ trợ thực phẩm cho người dân.
Mao Fang - phó Chủ tịch Meituan cho biết, công ty này sẽ điều động 1.000 công nhân phân loại thực phẩm từ địa điểm khác ngoài thành phố để tăng tốc độ giao hàng. Trong khi đó, Phó Thị trưởng Thượng Hải - Chen Tong, cũng nói rằng thành phố đang thảo luận với các nền tảng trực tuyến và siêu thị để thiết lập các kênh khẩn cấp nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
Tham gia các nhóm mua chung thực phẩm là một trong số ít cách mà các gia đình ở Thượng Hải có thể nhận được đủ thực phẩm trong thời gian phong toả. Việc phụ thuộc vào những tin nhắn có tốc độ đến/đi nhanh khiến một số người dùng gặp khó khăn.
Fishman cho hay: "Người cao tuổi rất khó để sử dụng vì việc này hoàn toàn phụ thuộc vào các tin nhắn trên WeChat, nơi 200 người cùng nói chuyện với tốc độ 20 tin nhắn/giây. Đối với những người này, làm thế nào để họ có thể lấy thực phẩm trong thời gian này?"