Ông Trump sẽ được lợi từ cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin?
Mỹ và Nga đã bắt đầu công khai dần chuyện chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Vì trong tháng 7 tới này, ông Trump sẽ có chuyến công du châu Âu để tham dự hội nghị cấp cao của NATO, nên mọi phỏng đoán đều tập trung vào hai thời điểm là trước hoặc sau hội nghị cấp cao này sẽ có cuộc thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ và Nga sau khá nhiều năm. Áo, Phần Lan, Iceland và Slovenia hiện được coi là những địa điểm tiềm năng để tổ chức sự kiện nói trên.
Hơn nữa, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng sắp công du Nga trong thời gian tới. Mọi dấu hiệu đều cho thấy cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin không chỉ chắc chắn, mà thậm chí sẽ sớm được tổ chức trong thời gian tới.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga hiện không được tốt đẹp và suôn sẻ. Tính đến nay, ông Trump đã lãnh đạo nước Mỹ hơn 500 ngày mà vẫn chưa thể "khởi động lại" được mối quan hệ song phương này, mặc dù ông không hề giấu giếm ý muốn ấy.
Nhưng từ sau khi ông Trump gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore ngày 12/6 vừa qua, thì việc ông Trump và ông Putin gặp nhau trong bối cảnh quan hệ song phương tồi tệ là chuyện luôn có thể xảy ra.
Đối với ông Trump, quan hệ song phương của Mỹ với đối phương hiện đang trong tình trạng xấu hay tốt không quyết định cuộc thượng đỉnh song phương sẽ diễn ra hay không, mà điều quyết định là ông Trump sẽ giành về được kết quả gì từ cuộc thượng đỉnh song phương ấy.
NATO hay nhóm G7 đã phải nếm trải và thấm thía điều ấy. Triều Tiên đã được lợi từ điều ấy. Và sắp tới đây là cả Nga nữa.
Bạn thua, thù thắng
Quan điểm và thái độ của ông Trump đối với Nga khiến các đồng minh chiến lược của Mỹ bực bội, hoang mang và nghi ngại.
Họ chủ trương cô lập Nga trong khuôn khổ nhóm G7, thì vừa qua ông Trump lại đưa ra đề nghị mời Nga tham gia trở lại.
Họ phòng ngừa tối đa việc Nga phân hóa nội bộ khối Phương Tây và giữa Mỹ với các đồng minh của Mỹ, thì việc ông Trump đưa ra đề nghị nói trên, với việc mời ông Putin sang thăm Mỹ và với ý định gặp ông Putin trong thời gian tới chẳng khác gì ông này đang tiếp tay cho Nga.
Quan điểm và thái độ của ông Trump đối với Nga khiến các đồng minh chiến lược của Mỹ hồ nghi. Ảnh: Twitter.
Trong khi NATO, EU và một số đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Âu, như Ba Lan hay Ukraine thù địch và đối địch với Nga, thì ông Trump làm găng với cả EU lẫn NATO và bất chấp mọi quan ngại của các đồng minh kia.
Ông Trump đòi hỏi các thành viên NATO phải tăng chi phí quân sự hàng năm, còn với EU là xung đột thương mại. Đối với ông Trump, lợi ích chung của EU và NATO cũng như quan hệ của Mỹ với các đồng minh kia hoàn toàn không chi phối chính sách của Mỹ đối với Nga.
Có 5 lý do có thể biện giải cho thực tế này:
Thứ nhất, ông Trump đã chứng tỏ ham muốn đến mức cuồng tín không chỉ làm ngược lại những gì người tiền nhiệm trực tiếp là ông Barack Obama đã làm, mà còn làm những gì ông Obama đã không làm được hoặc không muốn làm, trong đó có chuyện khởi động lại quan hệ của Mỹ với Nga.
Thứ hai, ông Trump nhận thức một cách rất thực tế và thực dụng rằng phải hợp tác với Nga chứ không đối địch Nga thì mới giải quyết được nhiều vấn đề theo hướng có lợi nhất cho Mỹ, như Ukraine, Syria, Iran, Triều Tiên... Cho nên về lâu dài, nước Mỹ không thể vì các đồng minh và đối tác khác mà cứ làm găng hay đối đầu Nga.
Thứ ba, ông Trump đã bộc lộ sự thích thú khi "làm việc" với những vị lãnh đạo quốc gia có vị thế quyền lực vững vàng và phong cách cầm quyền giống mình, hơn là các vị lãnh đạo quốc gia yếu thế và luôn phải dung hòa trong nội bộ bởi vị thế quyền lực không vững chắc.
Ông Kim Jong-un ở Triều Tiên, ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc, ông Vladimir Putin ở Nga, hay ông Rodrigo Duterte ở Philipines là một số nhà lãnh đạo có vị thế quyền lực vững vàng như đã nói ở trên.
Thứ tư, ông Trump dùng việc khởi động lại quan hệ của Mỹ với Nga để gia tăng áp lực với EU và NATO, cũng như để phân rẽ Nga với Trung Quốc, qua đó làm tăng cả vị thế của Mỹ và vai trò của cá nhân ông Trump trong chính sách của những đối tác này.
Thứ năm, chính sách và quan hệ của ông Trump với Nga hiện nay ở Mỹ được coi là một mối hiểm nguy đối với ông Trump, bởi một cuộc điều tra về vai trò của Nga đối với sự đắc cử Tổng thống của ông Trump vẫn đang được tiến hành.
Ông Trump đang dùng chính chủ ý thúc đẩy quan hệ của Mỹ với Nga để tạo cảm nhận bản thân "không liên quan nên không phải lo ngại", dùng cả phương cách "lấy độc trị độc" và "tấn công là cách phòng thủ tốt nhất".
Chưa biết khi nào cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin diễn ra, nhưng chỉ như hiện tại thôi cũng đã đủ để các đồng minh của Mỹ thua, và đối địch của họ - là Nga - chiến thắng.
Cử chỉ thân thiết của Tổng thống Trump và Tổng thống Putin tại hội nghị thượng đỉnh APEC 2017
*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.