Thượng đỉnh trực tuyến EU-Trung Quốc tiếp tục nóng với các chủ đề gai góc

Quang Dũng |

Khác với mức độ căng thẳng của cuộc họp cuối tháng 6/2020, hai bên có thể sẽ tìm cách dung hòa các bất đồng trong cuộc họp Thượng đỉnh lần này.

Các lãnh đạo hàng đầu của Liên minh châu Âu gồm Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cùng bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu – EU sẽ có cuộc họp Thượng đỉnh trực tuyến trong ngày 14/9 với lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc là Chủ tịch Tập Cận Bình.

Đây là cuộc họp Thượng đỉnh EU-Trung Quốc lần thứ 2 trong năm nay, sau cuộc họp lần đầu vào cuối tháng 6. Trước đó, theo kế hoạch ban đầu, cuộc họp Thượng đỉnh tháng 9 dự định tổ chức trong 3 ngày ở thành phố Leipzig của Đức nhưng do đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành ở châu Âu, cộng thêm căng thẳng trong quan hệ song phương, chính phủ Đức đã quyết định hủy Thượng đỉnh trực tiếp và tổ chức dưới hình thức trực tuyến và chỉ diễn ra trong 1 ngày.

Cuộc họp lần này được xem là một trong những hoạt động đáng chú ý nhất trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của Đức và được cho là sẽ đưa ra các chỉ dẫn rõ ràng hơn cho mối quan hệ chiến lược có tính sống còn nhưng đang căng thẳng giữa EU và Trung Quốc.

Một loạt các chủ đề gai góc sẽ tiếp tục được hai bên bàn luận, trong đó có những hồ sơ mà trước đây Liên minh châu Âu thường né tránh như vấn đề người Hồi giáo ở Tân Cương, đạo luật an ninh quốc gia Hong Kong. Tuy nhiên, khác với mức độ căng thẳng của cuộc họp cuối tháng 6/2020, hai bên có thể sẽ tìm cách dung hòa các bất đồng trong cuộc họp Thượng đỉnh lần này.

Thương mại-đầu tư sẽ là một trong những trọng tâm thảo luận. Để chuẩn bị cho cuộc họp Thượng đỉnh lần này, cuối tháng 8/2020, Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị đã có chuyến thăm đến một loạt các nước châu Âu như Pháp, Đức, Italy và đã hứa hẹn việc EU-Trung Quốc có thể hoàn tất Hiệp định về đầu tư trước cuối năm 2020.

Hiệp định này đã được hai bên đàm phán từ 6 năm qua nhưng chưa thể kết thúc do phía châu Âu gia tăng sự cảnh giác đối với đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu, đồng thời yêu cầu Trung Quốc phải thực hiện nguyên tắc có đi-có lại, tức mở cửa thị trường nội địa Trung Quốc nhiều hơn cho các doanh nghiệp châu Âu.

Giới quan sát đánh giá, trong bối cảnh căng thẳng và đối đầu với Mỹ gia tăng trên mọi lĩnh vực, Trung Quốc đã hạ nhiệt với châu Âu, cố gắng lôi kéo châu lục này và do đó có thể sẽ đưa ra các nhượng bộ kinh tế. Về phần mình, sau khi đã tỏ thái độ hết sức cứng rắn với Trung Quốc trong thời gian qua, EU cũng muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế nhằm giảm thiểu các tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

Điều này thể hiện rõ qua phát biểu của Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel, khi cho rằng, do mối quan hệ thương mại khổng lồ giữa hai bên, EU và Trung Quốc càng cần phải đối thoại thẳng thắn.

“Liên minh châu Âu và Trung Quốc là hai trong số những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trao đổi thương mại giữa hai bên là 1 tỷ euro mỗi ngày. Đó là con số khổng lồ và cho thấy quan hệ hai bên về kinh tế-thương mại mạnh đến thế nào. Vì thế, chúng tôi muốn thiết lập sự đối thoại và quan hệ đối tác với Trung Quốc dựa trên nguyên tắc có đi-có lại, minh bạch cũng như ý thức về một sự hợp tác mà hai bên cùng có lợi", ông Michel nói.

Ngoài vấn đề đầu tư-thương mại, các lãnh đạo EU và Trung Quốc cũng có thể sẽ thảo luận về vấn đề an ninh, cũng như công nghệ, trong đó có hồ sơ liên quan đến tập đoàn Huawei của Trung Quốc cũng như các dự án xây dựng mạng viễn thông 5G của tập đoàn này tại các nước châu Âu./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại