Ngày 27-28/2 tới đây Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên sẽ được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam. Đây là sự kiện quốc tế quan trọng nhất trong năm 2019 này.
Hãng thông tấn Nhà nước Triều Tiên KCNA đã thông báo, Chủ tịch Kim Jong Un đã lên đường đi tới Việt Nam. Còn Tổng thống Mỹ cũng đã đăng tải trên Twitter cá nhân rằng ông chuẩn bị lên đường tới Hà Nội cho cuộc gặp lịch sử này.
Trung tâm Báo chí phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên được thiết lập trên diện tích khuôn viên rộng hơn 3ha của Cung Văn hóa Hữu nghị tại số 91 đường Trần Hưng Đạo (Ảnh: Hùng Cường/VOV.VN)
Tại Hà Nội, đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị về công tác tổ chức, hậu cần đang được các cơ quan chức năng thực hiện rốt ráo.
Ngày 24/2, đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đi kiểm tra công tác hậu cần ở Trung tâm Báo chí, đến làm việc với Bộ Ngoại giao để quán triệt tinh thần chuẩn bị một cách tốt nhất cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên.
Yêu cầu các cơ quan chức năng phải tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà báo trong nước và quốc tế hoạt động nghề nghiệp, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh về việc “thể hiện tinh thần niềm nở, ân cần, mến khách, lan tỏa hình ảnh đẹp về đất nước và con người Việt Nam với thế giới”.
Được biết, đến Hà Nội để theo dõi đưa tin về sự kiện này có hơn 2.600 nhà báo nước ngoài và hơn 500 phóng viên trong nước. Như vậy, mỗi ngày sẽ có hàng nghìn tin tức, bài, ảnh trên hàng trăm tờ báo nước ngoài nhắc đến tên Hà Nội, Việt Nam.
Đó là những lời quảng bá vô giá về đất nước và con người Việt Nam. Đó cũng là những minh chứng không cần nhiều lý lẽ về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hiếu khách, một điểm đến an toàn, an ninh.
Và đó sẽ lời mời gọi cho các sự kiện quốc tế sau này có thể được tin cậy tổ chức ở Việt Nam.
Thế nhưng, để đạt được điều đó, chúng ta phải nỗ lực rất nhiều và ở nhiều lĩnh vực. Bên lề sự kiện chính là Hội nghị Thượng đỉnh, hàng ngàn phóng viên báo chí quốc tế sẽ có hàng tuần ăn nghỉ, sinh hoạt, tìm hiểu về cuộc sống của con người và đất nước Việt Nam.
Chỉ cần ở đâu đó, một người dân nào đó kinh doanh “bún chửi, cháo mắng”, hay làm ăn chụp giựt, lấy giá “trên trời”, hoặc có những cư xử thiếu đàng hoàng, thì lập tức những thông tin đó cũng sẽ được “tung” lên mạng xã hội, đăng tải trên báo chí ngay.
Nếu như vậy, thì mọi nỗ lực của các nhà lãnh đạo, của các đơn vị tổ chức đều “đổ xuống sông, xuống biển”.
Nhiều người trong chúng ta hằng năm đều có những chuyến đi du lịch trong nước, nước ngoài. Mỗi một chuyến đi về, ấn tượng về chuyến đi, về nơi chúng ta đến có tốt đẹp hay không, có ấn tượng hay không, đều mang dấu ấn của người dân vùng đất đó.
Chúng ta đến một vùng đất mới, bên cạnh những cảnh đẹp, những di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng, chúng ta còn có những câu chuyện thú vị về những con người hiếu khách, thân thiện, có những cử chỉ đẹp.
Chúng ta ngày nay sống trong “thế giới phẳng”, hằng ngày có hàng triệu thông tin được đăng tải trên báo chí và các mạng xã hội.
Những thông tin đó về Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung có tích cực hay không, những câu chuyện về người Việt chúng ta có để lại ấn tượng tốt đẹp hay không, điều đó tùy thuộc vào mỗi người dân chúng ta.
Mỗi người dân chúng ta hãy là một đại sứ thiện chí, để cho những người bạn đến với đất nước chúng ta và ra về với những tình cảm ấm áp./.