Chia sẻ với PV Tiền Phong, đại diện thông tấn xã Đức (DPA) tại Hà Nội (đề nghị giấu tên vì liên quan đến quy chế phát ngôn) cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử gần 20 năm mở văn phòng tại Hà Nội, hãng mới huy động đông phóng viên đến Việt Nam như vậy.
Anh cho biết, với những sự kiện quốc tế lớn trước đây, DPA chỉ cử 1 phóng viên đến tăng cường.
Nhưng đợt này, DPA cử thêm 7 phóng viên từ Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Đức đến đưa tin về hội nghị thượng đỉnh và về Việt Nam, với hy vọng hội nghị này sẽ đạt được đột phá, sau khi hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên nhất trí được đường hướng chung trong hội nghị lần thứ nhất tại Singapore.
Nếu tại hội nghị lần này, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đạt được kết quả cụ thể để đi đến hòa bình, Việt Nam sẽ được biết đến như một nơi kiến tạo hòa bình.
Anh cho biết, hãng tin của anh trong những ngày qua đã chạy một loại 7-8 tin bài về Việt Nam. Ngoài thông tin về hội nghị thượng đỉnh, DPA còn đưa các tin bài về đất nước, con người Việt Nam, về vị thế, vai trò của Việt Nam khi Hà Nội được chọn là nơi tổ chức hội nghị.
Trước đây, khi nói đến Việt Nam, người ta thường nói đến chiến tranh, đến số phận của một đất nước được quyết định ở những hội nghị hòa bình ở Paris, ở Geneva.
Nhưng nay, vai trò của Việt Nam đã được đảo ngược khi đóng góp cho hòa bình của khu vực và trên thế giới. Đây là một trong những ý nghĩa được DPA nhấn mạnh.
Hãng tin này đã đăng một bài về quán bún chả Hương Liên, nơi Tổng thống Mỹ Barack Obama từng dùng bữa với đầu bếp Anthony Bourdain nhân dịp ông Obama có chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5/2016.
Chủ quán bún chả nói với DPA: “Chúng tôi mong ông Trump và ông Kim sẽ đến đây ăn bún chả và nói chuyện về hòa bình”.
Đại diện của DPA cho biết độc giả của họ rất thích những câu chuyện đời sống như vậy, hay chuyện về người thợ cắt tóc đang cắt tóc miễn phí cho những người muốn có kiểu đầu của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, chuyện về trường mầm non hữu nghị Việt Nam - Triều Tiên.
Nếu Chủ tịch Kim đến Việt Nam bằng tàu hỏa, DPA sẽ chạy một bài về hệ thống đường sắt, về cơ sở hạ tầng của Việt Nam, nhà báo của hãng tiết lộ.
Ngoài Hà Nội, DPA còn có bài về Đà Nẵng. Dù Đà Nẵng không được chọn là nơi tổ chức sự kiện, nhưng các độc giả của DPA cũng hứng thú với câu chuyện về thành phố xinh đẹp từng là nơi Mỹ đổ quân.
Đại diện DPA đánh giá hội nghị thượng đỉnh lần này là cơ hội lớn cho Việt Nam, đem lại nhiều lợi ích, trong đó có lợi ích kinh tế.
Anh cho biết, chỉ riêng tiền khách sạn, mỗi phóng viên DPA đến Việt Nam ở Việt Nam trong 5 ngày sẽ chi phí 150-200 USD/ngày. Với khoảng 3.000 phóng viên quốc tế đến lần này, Việt Nam sẽ thu được khoản tiền đáng kể, anh nói.
Một phóng viên hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã cho biết, anh đến Hà Nội hôm 20/2, thuộc nhóm phóng viên đầu tiên của hãng đến Việt Nam để đưa tin về hội nghị thượng đỉnh.
Anh cho biết, ngoài 3 phóng viên thường trú ở phân xã Hà Nội, Tân Hoa Xã tăng cường hàng chục phóng viên đến từ Bắc Kinh, Hong Kong và các phân xã khác khắp thế giới, chia thành nhiều nhóm đến Việt Nam.
“Chúng tôi không chỉ đưa thông tin mà cả các hình ảnh, video clip. Chúng tôi sẽ quay hình ảnh nền về những địa điểm nổi bật của Hà Nội như Hồ Gươm, Hồ Tây, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà khách Chính phủ, các khách sạn lớn....”, anh nói.
Nhà báo này nói rằng, hội nghị thượng đỉnh lần này là sự kiện chính trị hàng đầu thế giới. “Tôi nghĩ kết quả hội nghị sẽ tác động đến nhiều nước, như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam...
Tôi hy vọng hội nghị sẽ tiếp thêm động lực cho việc thực hiện phi hạt nhân hóa và tạo nên hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên”, anh nói.