Nhiều ý kiến trái chiều đã xuất hiện trước thềm hội nghị thượng đỉnh liên Triều sắp diễn ra ngày 27/4 tới. Có nhiều người đặt niềm tin, nhưng cũng không ít người tỏ ra nghi hoặc.
Tuy nhiên, đối với hàng vạn gia đình bị ly tán vì chiến tranh Triều Tiên, cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước - ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un - sẽ là cơ hội và hy vọng cuối cùng dành cho họ để đoàn tụ với những người thân kể từ sau năm 1953.
Hậu quả đau thương của chiến tranh
Sau nhiều thập kỷ xa cách, giờ đây những người sống tha hương đã ở cái tuổi "gần đất, xa trời". Họ đã dành cả cuộc đời mình để hy vọng được đoàn tụ cùng gia đình bị chiến tranh chia cắt.
Khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra, ông Kwon Moon-kook mới chỉ là cậu thanh niên 19 tuổi. Hiện ông đã 87 tuổi, và trong rất nhiều năm qua, ông chưa hề được gặp lại cha mẹ và hai em trai của mình.
"Trước đây hai miền Nam Bắc từng liên lạc... Tôi thậm chí còn thu gom quần áo cũ, với dự định gửi cho các em tôi ở Triều Tiên, nhưng cuối cùng tôi đành bỏ cuộc", ông Kwon nói với phóng viên CNN.
Không chỉ riêng ông Kwon, rất nhiều người khác trên bán đảo Triều Tiên cũng phải gánh chịu hậu quả đau thương của cuộc chiến giữa hai miền.
Ông Kwon Moon-kook cùng vợ và hai con. Ảnh: CNN
'Tôi không muốn mất mạng'
Chưa đầy 3 tuần sau khi cuộc chiến nổ ra, ông Kwon đã nhận được lệnh triệu tập tòng quân. Sau 1 tuần huấn luyện, ông được xếp vào một đơn vị xe tăng tấn công miền Nam, nhưng đơn vị của ông đã bị quân đội Mỹ hạ gục nhanh chóng.
"Tôi không muốn mất mạng, nhưng vào thời điểm đó, tính mạng của chúng tôi gần như đã được định đoạt khi đơn vị của tôi bị máy bay ném bom Mỹ oanh tạc".
May mắn thoát chết, ông Kwon đã đào ngũ, trở về nhà, sau đó ông quyết định tham gia lực lượng quân đội Liên Hợp Quốc (LHQ) do Mỹ dẫn đầu.
Ông Kwon đã nghĩ rằng Mỹ và LHQ sẽ sớm giành thắng lợi trong cuộc chiến này.
Ông Kwon Moon-kook trong thời chiến. Ảnh: CNN
Tuy nhiên, trái với dự đoán của ông Kwon, quân đội LHQ đã bại trận trước lực lượng Chí nguyện quân Nhân dân Trung Quốc. Sau đó ông Kwon đã theo dòng người tha hương về miền Nam.
Trước khi ra trận, ông Kwon đã hứa sẽ trở về với gia đình trong 1 tuần. Thế nhưng hơn 70 năm sau, ông vẫn chưa thể thực hiện lời hứa ấy, và cũng không nghe được bất cứ thông tin nào từ gia đình mình.
Ông cho biết mình rất hối hận, và nếu biết trước kết cục như hiện tại, ông sẽ không bao giờ rời xa gia đình hay gia nhập quân ngũ.
Dù đã kể câu chuyện này rất nhiều lần trong hơn 70 năm qua, nhưng ông Kwon vẫn không thể cầm được nước mắt khi nhắc lại chuyện cũ. Trái tim ông vẫn đau đáu nghĩ về gia đình, về lời hứa không thể thực hiện được với cha mẹ.
Tuy nhiên, hiện nay những chứng nhân lịch sử như ông Kwon đều không còn nhiều thời gian. Theo số liệu mới nhất của chính phủ Hàn Quốc, kể từ năm 1988, có 131.447 công dân Hàn Quốc nằm trong danh sách những người bị ly tán khỏi gia đình vì chiến tranh. Đến nay, khoảng 73.611 người trong số đó đã qua đời, và khoảng 25% những người còn lại hiện đã hơn 90 tuổi.
Trường hợp may mắn hiếm hoi
Trong những năm qua, các chính trị gia Hàn Quốc đều nhận thức được rằng thời gian không còn nhiều đối với những gia đình bị chiến tranh ly tán. Tuy nhiên, Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in là người thấu hiểu áp lực đó nhất, và đã thực sự biến lời nói thành hành động.
Gia đình Tổng thống Moon là người Triều Tiên tị nạn đến Hàn Quốc nhờ sự giúp đỡ của quân đội Mỹ.
Năm 2004, ông Moon và mẹ đã tham gia một chương trình đoàn tụ hai miền Triều Tiên, và tại đây ông đã được gặp người dì ruột lần đầu tiên trong đời.
Kể từ năm 2000, khoảng 20 chương trình đoàn tụ đã được chính phủ Triều-Hàn tổ chức. Thông thường những sự kiện như vậy chỉ diễn ra khi quan hệ hai miền tốt đẹp. Khoảng 100 người được lựa chọn tham gia mỗi chương trình đoàn tụ, và lần gần đây nhất là năm 2015.
Trong những cuộc đoàn tụ ấy, những người thân chỉ được gặp gỡ vỏn vẹn vài ngày trước khi phải chia xa lần nữa.
Ông Kwon không nghĩ mình đủ điều kiện để tham gia những chương trình đoàn tụ như vậy. Là một người đào ngũ, ông luôn cho rằng cha mẹ đã phải lãnh tội thay mình trong cuộc chiến.
Ông Kwon Moon-kook trong thời chiến. Ảnh: CNN
Ông Kwon hiểu rằng mình khó có cơ hội gặp lại cha mẹ, nhưng vẫn hy vọng có thể đoàn tụ với hai người em trai, tại thời điểm ông Kwon rời Triều Tiên, họ mới chỉ là những thiếu niên 15 và 12 tuổi.
"Tôi cũng không biết tại sao, nhưng càng già, tôi càng nhớ các em trai của mình hơn", ông Kwon nói.
Ông Kwon đã kết hôn với một người đồng hương cũng phải chịu cảnh chia cắt khỏi gia đình sau cuộc nội chiến. Đôi mắt ông lấp lánh tự hào khi kể về những người con, cháu và chắt của mình.
Tuy nhiên, ông vẫn không thôi day dứt về gia đình ở Triều Tiên trong suốt nhiều năm qua.
Ông Kwon Moon-kook giờ đã lên chức cụ, nhưng ông vẫn không thôi day dứt về cha mẹ và các em trai ở Triều Tiên. Ảnh: CNN.
Đau đáu nhớ về cố hương
Không thể tự mình trở về quê cũ, ông Kwon đành nhờ đến công nghệ để tìm về cố hương. Ông thường dùng Google Earth để ngắm nhìn khu vực nhà cũ và trường cũ gần thành phố Wonsan ở bờ Đông Triều Tiên.
Ông Kwon cho biết, các tòa nhà cũ đã biến mất và được thay thế bằng các công trình quân sự và tàu chiến. "Chắc họ không còn ở đó nữa rồi", ông nói.
Ông Kwon Moon-kook sử dụng Google Earth để tìm về cố hương ở phía bên kia biên giới. Ảnh: CNN.
Tại Hàn Quốc, ông Kwon và gia đình sinh sống ở làng Abai, gần khu vực phi quân sự (DMZ), cùng rất nhiều người Triều Tiên tha hương khác ngày ngày mong ngóng cơ hội trở về nhà.
Điều ước đó chưa từng xảy ra.
Tuy nhiên, sau tất cả, ông Kwon vẫn chưa từ bỏ hy vọng hai miền Triều Tiên thống nhất, dù ông biết mình sẽ không được chứng kiến điều đó.
"Tôi không phản đối hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Tôi sẽ lắng nghe điều lãnh đạo hai nước nói, nhưng tôi không đặt kỳ vọng quá cao vào sự kiện này. Sau này sẽ có những hội nghị thượng đỉnh khác, nhưng có lẽ tôi sẽ không chờ được nữa, vì tôi đã già quá rồi".
"Có lẽ từ nay đến lúc tôi qua đời, sẽ chẳng có thay đổi lớn lao nào đâu", ông Kwon kết luận.
Các gia đình ly tán sau cuộc chiến tranh Triều Tiên hy vọng đoàn tụ sau 70 năm