Số phận của một quốc gia hay thậm chí là cả thế giới đang treo lơ lửng: một bước đi sai lầm có thể đẩy nhân loại vào một cuộc chiến tranh thế giới, song một bước đi đúng hướng có thể mang lại hòa bình dài lâu.
Tất cả đang phụ thuộc lớn vào kết quả cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử liên Triều giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra vào ngày mai (27/4) tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, một sự kiện mà chỉ cách đây hơn nửa năm thôi những người lạc quan nhất cũng không thể nghĩ tới.
Dẫu rằng cuộc gặp lịch sử này không thể quyết định mọi chuyện, nhất là khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, một sự kiện còn quan trọng hơn, nếu không muốn nói là có tính quyết định tới hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên còn chưa diễn ra, song cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều này lại như một cây cầu bắc ngang dòng sông chia cắt đôi bờ, dẫn đến con đường còn dài phía trước mà nếu các bên đều cố gắng vượt qua thì người dân hai miền Triều Tiên sẽ được sống trong hòa bình và cùng phát triển thịnh vượng.
Những tín hiệu tích cực
Sau khi phái đoàn cấp cao hai miền Triều Tiên đạt được thỏa thuận sẽ tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vào ngày 27/4, tình hình trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục xuất hiện những tín hiệu tích cực thể hiện ít nhiều thiện chí và quyết tâm của hai bên hướng tới một giải pháp hòa bình lâu dài.
Đầu tiên phải kể đến các cuộc gặp cấp chuyên viên Hàn-Triều để bàn và thống nhất các công tác chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh này. Mọi khâu chuẩn bị cho đến nay đã hoàn tất, từ chương trình nghị sự, thành phần tham gia, nghi lễ ngoại giao, việc đảm bảo an ninh, cung cấp thông tin cho báo chí và người dân, thời gian cụ thể diễn ra cho tới chuyện hai nhà lãnh đạo có dùng cơm tối với nhau hay không đều đã được quyết định.
Hai bên cũng đã thiết lập đường dây nóng giữa các nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước. Bên cạnh hoạt động của các nhà ngoại giao phục vụ cho cuộc gặp là các hoạt động văn hóa thể thao liên tục thể hiện tình hữu nghị giữa nhân dân hai miền. Những hoạt động ngoại giao nhân dân này được các nhà phân tích cho là đã tạo thêm bầu không khí hữu nghị hòa bình trước thềm cuộc gặp lịch sử này.
Một người đàn ông treo lá cờ thống nhất trên cây cầu Thống nhất dẫn tới Bàn Môn Điếm, nơi hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ gặp nhau vào ngày mai. Ảnh: AP
Trước khi bay sang Bình Nhưỡng cùng đoàn nghệ thuật Hàn Quốc hôm 31/3, Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc Do Jong-hwan cũng bày tỏ hy vọng nối lại các dự án hợp tác liên Triều, vốn đang bị trì hoãn. Ông cũng đề xuất tổ chức các hoạt động chung với Triều Tiên tại Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) dự kiến diễn ra tại Indonesia vào tháng 8 tới.
Và mặc dù cuộc tập trận thường niên giữa quân đội Mỹ-Hàn vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch với quy mô như trước, song thời gian, tính chất cũng như mục đích đã thay đổi. Thời gian đã được rút ngắn xuống còn 1 tháng và không có sự tham gia của các khí tài chiến lược của Mỹ như siêu hàng không mẫu hạm, máy bay ném bom chiến lược hay tàu ngầm hạt nhân.
Tính chất và mục đích của cuộc tập trận theo giới chức quân đội Mỹ-Hàn là để phòng vệ chứ không phải tấn công. Việc này được nhìn nhận là một nỗ lực không khiêu khích Triều Tiên và thể hiện ít nhiều thiện chí trước thềm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều.
Không chỉ có thế, ngày 19/4, Triều Tiên đã tuyên bố rút lại một điều kiện tiên quyết mà trước đây họ đặt ra đó là việc không yêu cầu quân đội Mỹ rút khỏi Hàn Quốc trước rồi mới đàm phán. Và một tín hiệu lạc quan đáng chú ý khác là vào ngày 23/4 vừa qua, quân đội 2 nước đã cho dừng hoạt động hệ thống loa phóng thanh mà 2 bên sử dụng để tuyên truyền chống lại nhau.
Nguyên nhân Triều Tiên thay đổi lập trường
Vì sao nhà lãnh đạo Triều Tiên lại thay đổi lập trường nhanh chóng và bất ngờ đến vậy? Có lẽ bởi 2 lý do sau:
Thứ nhất, đó là lý do kinh tế. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như đang chuyển hướng trọng tâm chính sách của ông sang thúc đẩy nền kinh tế ốm yếu của nước này. Trong phiên họp toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền mới đây, ông Kim Jong-un đã cam kết tập trung thúc đẩy nền kinh tế đồng thời ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân, đóng cửa một bãi thử hạt nhân quan trọng.
Các động thái này đánh dấu sự điều chỉnh chiến lược sau khi các lệnh trừng phạt nặng nề của cộng đồng thế giới gây tổn thất lớn cho nền kinh tế Triều Tiên và gây mâu thuẫn ngoại giao với Trung Quốc, nước bảo trợ kinh tế chủ chốt của Triều Tiên. Nền kinh tế Triều Tiên đã tiếp tục suy yếu khi nước này sa vào các chương trình tên lửa và hạt nhân, điều dẫn đến các lệnh trừng phạt cứng rắn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như các lệnh trừng phạt riêng của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác.
Nhà máy dệt may thuộc đặc khu kinh tế Rason, Triều Tiên. Ảnh: AP
Đặc biệt, việc Bắc Kinh thực thi tích cực các lệnh trừng phạt của HĐBA đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Triều Tiên, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên. Các lệnh trừng phạt được cho là dẫn tới sự suy giảm mạnh kim ngạch thương mại cũng như nguồn kiều hối từ xuất khẩu lao động khi các công nhân Triều Tiên không được phép gia hạn thời gian làm việc ở nước ngoài.
Ông Kim Jong-un có thể tìm cách đưa chính mình trở thành người khởi xướng công cuộc mở cửa và cải cách ở Triều Tiên – kiểu như Đặng Tiểu Bình, người đi tiên phong trong cải cách kinh tế ở Trung Quốc hồi cuối những năm 70 thế kỷ trước.
Lý do thứ hai là việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân xuất phát từ mối lo ngại về an ninh. Triều Tiên không muốn mình trở thành một Iraq hay Lybia thứ hai. Và sau khi sở hữu vũ khí hạt nhân có thể vươn tới Mỹ, nước này đã có quân át chủ bài trong tay để đem ra mặc cả với Hàn Quốc, Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Triều Tiên giờ đây có thể tự tin bước vào các cuộc đàm phán với Hàn Quốc và Mỹ. Và nếu Hàn Quốc và Mỹ đền đáp xứng đáng, đảm bảo an ninh cho Triều Tiên thì Triều Tiên không có lý do gì để giữ lại kho vũ khí hạt nhân của mình nữa.
Quyết tâm của Hàn Quốc
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 23/4 đã thể hiện quyết tâm đàm phán nhằm kiến tạo hòa bình của ông qua việc kêu gọi ngừng hoàn toàn các tranh cãi chính trị trong nước ít nhất cho đến khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ông cho rằng cả thế giới đang theo dõi và hy vọng sự thành công của hội nghị này nên các đảng phái chính trị ở Hàn Quốc nên ngừng các tranh cãi chính trị ít nhất cho đến khi kết thúc hội nghị.
Tổng thống Hàn Quốc dường như đã nhận thấy được những trở ngại phía trước, theo đó kêu gọi sự ủng hộ của các đảng (đối lập và cầm quyền) cũng như sự ủng hộ của công chúng đối với các hội nghị thượng đỉnh sắp tới.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp với bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng trước. Ảnh: KCNA.
Chương trình nghị sự và dự đoán kết quả cuộc gặp Hội đàm thượng đỉnh liên Triều lần này mang tính chất là cuộc họp "dẫn đường" cho Hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới. Dĩ nhiên, vấn đề hàng đầu trong cuộc gặp lần này sẽ là việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, cách thức thực hiện việc này và những sự đền đáp mà phía Triều Tiên sẽ nhận được. Đi kèm với đó là những vấn đề có liên quan khác như giảm căng thẳng ở khu vực biên giới, nối lại các dự án hợp tác song phương.
Đây đều là những vấn đề hóc búa, khó giải quyết được ngay trong một cuộc gặp thượng đỉnh nên có nhiều ý kiến cho rằng Tuyên bố chung trong cuộc họp trên sẽ không có nhiều nội dung cụ thể như Tuyên bố chung liên Triều ngày 4/10/2007.
Có thể hai bên sẽ đề cập một cách bao quát về các vấn đề nổi cộm chính, như khẳng định quyết tâm phi hạt nhân hóa, giải tỏa căng thẳng quân sự liên Triều, giải quyết vấn đề các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953).
Sau cuộc gặp này, nhiều khả năng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sẽ thông báo các biện pháp làm giảm căng thẳng quân sự ở biên giới 2 miền như giảm các vũ khí hạng nặng, số quân đồn trú tại các trạm biên phòng và quân đội 2 nước có thể sẽ tổ chức đối thoại ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh.
Triển vọng đàm phán liên Triều là khá sáng sủa. Hai bên có thể đạt được một thỏa thuận nào đó, mở đường cho các động thái tiếp theo. Song con đường đi tới hòa bình lâu dài vẫn còn lắm chông gai phía trước vì còn phụ thuộc vào các bên khác như Mỹ và Nhật Bản, những nước vẫn rất lo ngại Triều Tiên không giữ lời cam kết của mình. Mọi việc sẽ sáng tỏ hơn sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều./.