Hội nghị Thượng đỉnh G7 2019 khai mạc ngày hôm nay (24/8), tại thành phố Biarritz miền Nam nước Pháp được dự báo sẽ là một trong những Thượng đỉnh G7 khó khăn nhất trong nhiều năm qua.
Đúng 13h chiều ngày 24/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có bài diễn văn gửi đến toàn bộ dân chúng Pháp, trong đó nói lên vai trò và ưu tiên của nước Pháp khi đảm nhiệm vai trò nước chủ nhà luân phiên của Thượng đỉnh G7.
Tiếp đó, vào 19h30 theo giờ địa phương, lễ đón chính thức các nguyên thủ quốc gia G7 sẽ được tổ chức tại Cung hội nghị nằm sát bờ biển của thành phố Biarritz. Sau lễ đón, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tiến hành chiêu đãi toàn thể các phái đoàn cấp cao.
Trước giờ khai mạc, toàn thể khu vực thành phố Biarritz đã được biến thành một pháo đài bất khả xâm phạm. Hơn 13 ngàn cảnh sát, hiến binh cùng các lực lượng an ninh đã được chính quyền Pháp huy động để thiết lập các hàng rào kiểm soát nhiều lớp.
Toàn bộ nhà ga và sân bay Biarritz bị cấm cho đến hết ngày 26/8. Vùng lõi của thành phố Biarritz, nơi diễn ra Hội nghị và là nơi ở của các phái đoàn, được xếp là vùng 1, với sự kiểm soát ngặt nghèo. Toàn bộ các cá nhân và phương tiện giao thông muốn đi vào khu vực này đều phải có thẻ an ninh đặc biệt. Ngay cả giới báo chí cũng chỉ được tự do đi lại ở vùng 2 bên ngoài.
An ninh đang trở thành mối lo hàng đầu của các nhà tổ chức. Trong tối ngày 23/8, các cuộc biểu tình phản đối G7, chống chủ nghĩa tư bản… đã bắt đầu diễn biến căng thẳng. Tại thành phố nhỏ Irrissarry, cách Biarritz khoảng 20km, nơi tập trung bản doanh của các nhóm phản đối G7, các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh đã diễn ra, khiến nhiều người bị thương. Cảnh sát Pháp đã bắt giữ 17 người.
Các cuộc biểu tình dự đoán sẽ tiếp tục trở nên bạo lực hơn trong những ngày diễn ra Thượng đỉnh G7 khi các lời kêu gọi bất tuân dân sự đang lan rộng trên mạng.
Toàn bộ các cá nhân và phương tiện giao thông muốn đi vào khu vực Hội nghị đều phải có thẻ an ninh đặc biệt.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗi lo an ninh, một lo ngại khác cũng có thể khiến Thượng đỉnh G7 lần này thất bại, đó là mâu thuẫn lớn giữa các nước thành viên G7 về nhiều chủ đề quan trọng. Thượng đỉnh G7 năm nay được nước Pháp lấy chủ đề chính là “đấu tranh chống bất bình đẳng”, với các phiên làm việc chính thức tập trung vào các chủ đề như bình đẳng giới, sáng kiến hợp tác phát triển châu Phi, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học…
Giới quan sát nhận định, chủ đề này có thể bị nhiều vấn đề lớn khác lấn át, như căng thẳng với Iran ở vùng Vịnh, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và nguy cơ Mỹ khai chiến thương mại với châu Âu. Một chủ đề khác là việc đánh thuế các tập đoàn công nghệ toàn cầu cũng đang tạo ra mâu thuẫn lớn giữa Mỹ với các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp.
Vấn đề Brexit cũng có thể tạo nên nhiều trở ngại khi các tiếp xúc đầu tiên giữa tân Thủ tướng Anh Boris Johnson với các nhà lãnh đạo Đức và Pháp vẫn chưa mang lại tín hiệu tích cực. Cuối cùng, giới ngoại giao nhận định, bất trắc lớn nhất vẫn đến từ thái độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump bởi từ khi lên làm Tổng thống Mỹ, ông Trump luôn coi nhẹ G7 và trong Thượng đỉnh G7 năm ngoái tại Canada, Tổng thống Mỹ đã từ chối ký vào Tuyên bố chung, đồng thời chỉ trích nước chủ nhà Canada.
Vì thế, trong cuộc họp báo 3 ngày trước khi khai mạc Thượng đỉnh G7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã để ngỏ khả năng có một Tuyên bố chung được thông qua tại Thượng đỉnh G7 năm nay. Ông Macron tuyên bố đã đến lúc không thể coi việc thành bại của một Hội nghị G7 phụ thuộc hết vào một văn bản mà gần như không có ai đọc.
Thượng đỉnh G7 năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 24 đến 26/8 và kết thúc bằng buổi họp báo của Tổng thống Pháp Macron trong chiều ngày 26/8./.