Trong vòng vài ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ sớm áp thuế 10% lên số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc còn lại, tức toàn bộ hàng hóa của cường quốc châu Á này đều bị Mỹ đánh thuế khi nhập vào Mỹ, vì trước đó Washington đã đánh thuế 250 tỷ USD hàng Trung Quốc.
Về phần mình, Bắc Kinh đã điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) xuống mức thấp kỷ lục của 11 năm – động thái khiến Washington cáo buộc Bắc Kinh là nước “thao túng tiền tệ”. Giới đầu tư vì thế ồ ạt bỏ thị trường chứng khoán, đổ xô tìm đến vàng và các tài sản trú ẩn an toàn khác.
Theo tờ Washington Post, nếu thương chiến kéo dài, ví tiền của người lao động ở Mỹ sẽ chịu tác động trực tiếp, trong đó có tiền tiết kiệm, tiền nợ và sức chi tiêu của họ.
Giá cả leo thang
Người tiêu dùng có thể chưa thật sự cảm nhận được những vòng thuế quan đầu tiên áp lên hàng nhập khẩu Trung Quốc bởi vì chúng tập trung vào các vật liệu trong ngành công nghiệp nên không hiện hữu trên phần lớn danh sách mua sắm. Nhưng 10% thuế đối với số hàng 300 tỷ USD có hiệu lực từ 1/9 tới sẽ làm tăng giá hầu hết mọi thứ mà người Mỹ mua. Chẳng hạn như điện thoại thông minh, đồ chơi, giày dép, đồ nội thất.
Mức thuế mới sẽ khiến trung bình một hộ gia đình tại Mỹ mất thêm 650 USD mỗi năm, theo ước tính của bà Kathy Bostjancic, nhà kinh tế tài chính tại Oxford Economics. Giá tiêu dùng tăng cao có thể khiến người dân phải cắt giảm chi tiêu hoặc chật vật thanh toán hóa đơn.
Gánh nặng đè lên người tiêu dùng chỉ có thể được trút bỏ khi Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận thương mại để ngăn vòng áp thuế mới có hiệu lực từ 1/9 như công bố. Ông Paul Christopher, người đứng đầu mảng nghiên cứu chiến lược thị trường toàn cầu của Viện đầu tư Wells Fargo cho biết một số công ty có thể kìm hãm việc tăng giá, đồng thời tự gánh chịu một số chi phí.
Các tàu chở hàng bốc dỡ hàng hóa tại một bến cảng ở Nantong, Trung Quốc. Trung Quốc đã bán 539 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ trong năm 2018. Ảnh: AP
Thị trường chứng khoán "dậy sóng"
Động thái leo thang mới nhất của thương chiến Mỹ-Trung đã làm các nhà đầu tư hoảng sợ, khiến cả ba mã cổ phiếu lớn của Mỹ lao dốc thê thảm trong phiên giao dịch ngày 5/8. Chỉ số công nghiệp Down Jones giảm 767,27 điểm, tương đương 2,9%, xuống còn 25.717,74 điểm và đây là mức giảm sâu nhất trong ngày kể từ tháng 12/2018. Chỉ số S&P 500 mất 3% xuống còn 2.844,74 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite "trượt" 3,5% và đóng cửa ở mức 7.726,04 điểm.
Mặc dù thị trường Phố Wall đã phục hồi sau cú sốc lớn trên, các chuyên gia dự đoán vẫn còn nhiều biến động xảy đến cho đến khi Washington và Bắc Kinh giải quyết được những bất đồng trong hoạt động thương mại.
Ông Paul Christopher nhận xét: “Những gì chúng ta đang thấy là cả hai bên đang xây dựng đòn bẩy. Biến động sẽ còn xuất hiện cho đến khi, một là các thị trường quen được với những cú sốc, hoặc hai là chúng ta nhận thấy chút tiến triển trong quá trình đàm phán thương mại”.
Biến động của thị trường chứng khoán sẽ tác động đến chương trình quỹ hưu trí tư nhân 401(k) cùng những chương trình hưu bổng khác, mặc dù các nhà đầu tư thường được khuyên tránh thay đổi cho đến khi thị trường bình ổn trở lại. Bán cổ phiếu khi thị trường đang chao đảo đồng nghĩa với mất mát. Theo ông Christopher, những người muốn mua thêm cổ phiếu cũng nên chờ đợi đến khi thị trường bớt rung chấn hơn. Vòng đàm phán thương mại tiếp theo, dự kiến trong tháng 9 tới, có thể mang lại sự rõ ràng hơn cho giới đầu tư, lạc quan hoặc bi quan hơn.
Chạy đua hạ lãi suất
Khi Ngân hàng Dữ trự Liên bang (FED) hạ lãi suất cơ bản của đồng USD ngày 31/7, các quan chức Mỹ đã viện dẫn căng thẳng thương mại gia tăng là một trong những rủi ro chính đối với nền kinh tế, đồng thời tuyên bố động thái này không phải là khởi đầu của một chuỗi cắt giảm lãi suất dài hạn. Nhưng chắc chắn, quan hệ xấu đi giữa Washington và Beijing gần đây có thể tác động đến những quyết sách tiếp theo của FED.
“Nếu tình hình thương mại thêm tồi tệ, FED sẽ cắt giảm lãi suất hơn nữa nhằm hạn chế thiệt hại cho nền kinh tế”, nhà kinh tế học Brian Rose tại Ngân hàng quản lý tài sản lớn nhất thế giới UBS nhận định. Nếu lãi suất thấp hơn, một mặt, các khoản thế chấp và vay tự động trở nên dễ chi trả hơn. Nhưng mặt khác, mọi người sẽ nhận được ít lãi từ tiền tiết kiệm của họ.
Thêm lo ngại về kinh tế
Cuộc chiến tranh thương mại kéo dài sẽ là tin xấu đối với toàn bộ nền kinh tế Mỹ. Các doanh nghiệp có thể ngừng đầu tư vào các nhà máy mới hoặc thuê nhân công cho đến khi một thỏa thuận thương mại được thực hiện. Việc trì hoãn như vậy có thể dẫn đến tăng trưởng việc làm chậm hơn, sau đó ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng – vốn là động lực lớn nhất của nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhu cầu thay đổi trước khi nền kinh tế Mỹ thực sự chuyển biến xấu hơn. Cuộc chiến thương mại vẫn có cơ hội được giải quyết tương đối sớm, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư và thuyết phục người dân chi tiêu. “Cho đến nay, dường như có đủ sự hồi phục trong nước và chúng ta sẽ không gặp suy thoái kinh tế hay khủng hoảng”, bà Bostjancic nói.
Ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang ảnh hưởng đến sự tăng trưởng toàn cầu. Tháng trước, định chế cho vay hàng đầu thế giới này cho biết cuộc xung đột khiến dự báo tăng trưởng bị cắt giảm 0,1 điểm phần trăm trong năm 2019 và 2020 so với dự báo tháng 4, ở mức 3,2% và 3,5%.
Cùng với đó, tăng trưởng thương mại quốc tế đã bị đình trệ trong khi hoạt động đầu tư kinh doanh bị giảm tốc vì những biến động về thương mại. Sản lượng của các nhà máy đã giậm chân tại chỗ ở một số quốc gia, trong đó có Anh, Đức và Italy. Các ngân hàng trung ương trong đó có FED và Ngân hàng Trung ương châu Âu thì đang chịu áp lực cắt giảm lãi suất. Theo giới chuyên gia kinh tế, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không chỉ khiến cả hai nước này tổn thương, mà tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng về dài hạn.
Độc giả đọc tin gốc tại đây