Thuốc giải độc Botulinum
Ngày 22-3, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng đơn vị Hồi sức chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, 3 trong 5 lọ thuốc BAT (Botulism Antitoxin Heptavalent) cuối cùng của Bệnh viện Chợ Rẫy đã được sử dụng cho bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum nặng do ăn cá muối ủ chua tại tỉnh Quảng Nam.
Hiện 2 lọ chưa sử dụng và lưu tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam dự phòng nếu xuất hiện thêm bệnh nhân ngộ độc Botulinum.
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, lô thuốc BAT được nhập về Bệnh viện Chợ Rẫy vào năm 2021. Loại thuốc có tên BAT (Botulism Antitoxin Heptavalent), chai 50ml, quý hiếm không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu, có giá hơn 8.000 USD/lọ.
Độc tố Botulinum có 7 type gồm A, B, C, D, E, F, G. Thế giới hiện có 3 loại thuốc giải độc tố này. Hai loại có tác dụng với một số type nhất định, riêng thuốc BAT có thể giải độc cho cả 7 type Botulinum. Khi có nạn nhân ngộ độc cấp, nếu chờ tìm ra type vi khuẩn mới chọn thuốc giải phù hợp sẽ rất mất thời gian. Nhiều cơ sở y tế phải chuyển mẫu đến đơn vị có năng lực để thực hiện xét nghiệm.
"Việc chờ đợi có thể ảnh hưởng đến sự sống người bệnh. Vì thế, thuốc BAT rất hữu hiệu với tình huống ngộ độc Botulinum, sử dụng cho bất kỳ type nào. Tuy nhiên, BAT chỉ có một công ty tại Canada sản xuất, thuộc loại quý hiếm và đắt đỏ trên toàn thế giới”, TS-BS Lê Quốc Hùng thông tin.
Trước đó, năm 2020, Việt Nam ghi nhận nhiều ca ngộ độc Botulinum rải rác khắp các địa phương, vùng miền nhưng không có thuốc giải. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ và chuyển 2 lọ thuốc từ Thái Lan về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Sau đó, tiếp tục viện trợ 10 lọ cho nước ta.
Năm 2021, Bệnh viện Chợ Rẫy nhập về 6 lọ BAT từ Canada (trong tổng số 30 lọ được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu). Lô thuốc được vận chuyển kỹ lưỡng, nhiệt độ bảo quản khi về đến bệnh viện là -37°C và bảo quản trong kho với nhiệt độ -20°C. Hai máy đo nhiệt độ theo dõi suốt quá trình vận chuyển thuốc BAT. Riêng thùng lạnh chứa thuốc trị giá khoảng 1.200 USD. 5 lọ điều chuyển ra Quảng Nam vào ngày 18-3 là số thuốc cuối cùng của Bệnh viện Chợ Rẫy và phía Nam.
TS-BS Lê Quốc Hùng cho biết, thực tế, thuốc đến càng muộn, hiệu quả càng thấp. Việc này đã được chứng minh vào năm 2020, bệnh nhân ngộ độc pate chay được truyền thuốc ở tuần thứ 3 nên kết quả không như mong đợi. Khuyến cáo của nhà sản xuất là nên sử dụng thuốc giải trong vòng 3 ngày kể từ thời điểm khởi phát bệnh.
Về chuyên môn, thời điểm phù hợp nhất là khi dự báo người bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn yếu liệt cơ. Vì thế, chủ động nguồn thuốc giải là điều rất cần thiết. Mặc dù vậy, không phải bệnh nhân ngộ độc Botulinum nào cũng cần thuốc BAT. Một số ca nhẹ vẫn có thể tự điều hòa, phục hồi và thoát nguy hiểm. Riêng chùm ca ở Quảng Nam, chỉ có 3/9 bệnh nhân có chỉ định dùng thuốc giải BAT.
Đến trưa 22-3, 3 bệnh nhân được truyền thuốc giải độc Botulinum đã có cải thiện bước đầu, trong đó 2 ca được cai máy thở. Các bệnh nhân được xác định nhiễm độc từ cá muối ủ chua, loại thức ăn truyền thống của người dân tộc Giẻ Triêng. Loại thức ăn này được bỏ vào hộp thủy tinh đóng kín sau 2-3 tuần, có thể tạo điều kiện yếm khí cho vi khuẩn Clostridium Botulinum phát triển.
=> Video tiếp nhận và bảo quản thuốc BAT tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Bảo quản thuốc BAT tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Nguồn: BVCR cung cấp