Người bệnh không nên quá lo
Liên quan tới vụ việc VN Pharma kinh doanh thuốc dỏm, PGS Phạm Duy Hiển - Nguyên Chủ tịch hội đồng khoa học Bệnh viện K Trung ương cho biết đây không phải lần đầu tiên ông nghe tới từ thuốc giả.
Theo PGS Hiển, thuốc giả luôn tồn tại song hành với cuộc chiến chống bệnh tật trong đó có bệnh ung thư. Vấn nạn thuốc giả không phải bây giờ mới đối mặt, với công ty VN Pharma, tòa phán xét cho rằng không phải thuốc giả mà chỉ là giấy tờ giả mạo, PGS Hiển cho rằng thuốc thật thì chẳng cần làm giấy tờ giả mạo.
Việc nhập thuốc đó không khó, hãng thuốc tốt nhất và nghiên cứu thuốc chữa ung thư đó các bác sĩ đều biết.
Lo ngại vì việc thuốc được đưa ra thị trường tiêu thụ, PGS Hiển cho rằng rất khó bởi vì khi thuốc vào viện còn qua một hội đồng khoa học của bệnh viện và qua hàng rào của các bác sĩ chuyên gia chấm thầu chứ không phải thuốc nào cũng vào được viện.
Những ngày qua, theo dõi dư luận, PGS Hiển cho biết bệnh nhân ung thư bức xúc cũng là điều dễ hiểu và không chỉ bệnh nhân ung thư mà bất cứ ai cũng đều bức xúc trước cái giả. Bệnh nhân ung thư lại rất đặc biệt, bản thân đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm tới tính mạng nên người bệnh phẫn nộ hơn.
Nếu xét ở góc độ nguy hiểm, thuốc ung thư giả chưa chắc nguy hiểm hơn các loại các bệnh khác dùng thuốc giả. Ví dụ viêm phổi nếu dùng kháng sinh tốt, kháng sinh thật thì người bệnh sẽ khỏi bệnh còn kháng sinh giả thì bệnh nhẹ cũng thành nặng nhất là viêm phổi trong bệnh viện còn kinh khủng nữa.
Vì thế, viêm phổi gặp kháng sinh giả người bệnh còn chết luôn. Ung thư thuốc giả 1 - 2 ngày chưa thấy gì nhưng với bệnh viêm phổi thì 1 - 2 ngày là bệnh nhân tử vong vì thế là thuốc giả thì thuốc gì cũng cần lên án không riêng gì thuốc ung thư, mà cả thuốc tim mạch, kháng sinh.
Tuy nhiên, về tâm lý, người bệnh ung thư đã mang bị bệnh tật dày vò, niềm hi vọng giảm đi nếu khi biết bệnh của mình như thế còn lại có thể dùng phải thuốc giả thì họ rất lo lắng khiến bệnh tật nặng hơn.
Chi hoa hồng là hối lộ
Liên quan tới việc chi hoa hồng cho bác sĩ lên tới 7,5 tỷ đồng, PGS Hiển cho biết đây là “hối lộ”. PGS Hiển đã tham gia lãnh đạo, quản lý bệnh viện và cho rằng nhận hoa hồng là nhận hối lộ. Trong vụ việc VN Pharma nếu đồng phạm nào đó, cá nhân, kết luận nào đó là chi hoa hồng thì tòa nên xử thêm tội đưa hối lộ.
Bộ Y tế đã đưa ra các quy định về nói không với phong bì không chỉ với người bệnh mà với cả hãng thuốc. Tuy nhiên, PGS Hiển cho biết nếu các công ty dược đến tận nhà bác sĩ để gửi hoa hồng thì không ai có thể kiểm soát nổi.
Một bác sĩ tại bệnh viện công lập ở Hà Nội cho biết chuyện các công ty dược chi hoa hồng cho bác sĩ không phải lạ nhưng ở Việt Nam thì người ta chi bằng tiền còn các hãng dược lớn trên thế giới họ chi hoa hồng bằng các khóa đào tạo cho bác sĩ.
Ví dụ, hãng dược có thể đưa ra khóa đào tạo nước ngoài cho bác sĩ để nâng cao trình độ chuyên môn, học hỏi bạn bè quốc tế. Kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề, bác sĩ này thừa nhận đã từng tham gia các khóa đào tạo nước ngoài do hãng dược tài trợ nhưng tuyệt nhiên không có ràng buộc là phải kê đơn thuốc của hãng đó.
Bác sĩ sẽ kê đơn trên tinh thần bảo vệ người bệnh và làm sao để người bệnh có thể mua được thuốc dùng và thuốc chữa được bệnh chứ không phải cứ nhận hoa hồng rồi kê.
Vị bác sĩ này chia sẻ “khi kê đơn tôi hay hỏi người bệnh ông có tiền không? Ai lạ sẽ thấy mặc cảm nhưng điều đó là tốt cho người bệnh vì có thuốc phải uống lâu dài, tôi sẽ kê thuốc phù hợp với túi tiền của họ để họ có thể uống thuốc theo đúng tư vấn của bác sĩ thay vì dồn vào mua thuốc đắt và chỉ uống được 1/3 yêu cầu của bệnh như thế còn tệ hơn”.
Qua vụ việc “bác sĩ bị mang tiếng nhận hoa hồng”, bác sĩ đều cảm thấy buồn và bị xúc phạm nên mong muốn các cơ quan làm rõ ai nhận hoa hồng để bác sĩ không bị “vơ đũa cả nắm”.