Thuốc bảo vệ thực vật nano thảo mộc từ củ nghệ phòng bệnh thán thư trên cây vải là sản phẩm của các nhà khoa học Trung tâm Phát triển Công nghệ cao và Viện Kỹ thuật nhiệt đới.
Bảo vệ cây vải khỏi sâu bệnh
Cây vải là cây ăn quả lâu năm và đã trở thành cây đặc sản chủ lực ở nhiều vùng, miền trong cả nước như Bắc Giang. Tuy nhiên, tình trạng sâu bệnh tăng cao đặc biệt là bệnh thán thư, dẫn đến việc gia tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), đôi khi còn lạm dụng quá mức, có nguy cơ tạo ra những rủi ro cho con người và môi trường khu vực canh tác.
Với mục tiêu nghiên cứu chế phẩm BVTV nano thảo mộc có nguồn gốc từ nhựa dầu nghệ của củ nghệ vàng, có tác dụng phòng trừ bệnh thán thư trên cây vải, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Phát triển Công nghệ cao và Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tiến hành nhiệm vụ: “Nghiên cứu, ứng dụng chế phẩm nano thảo mộc (từ củ nghệ) phòng bệnh thán thư trên cây vải tại tỉnh Bắc Giang”. GS.TS Trần Đại Lâm là chủ nhiệm đề tài.
GS.TS Trần Đại Lâm cho biết, bệnh thán thư hại vải do nấm C.gloeosporioides (Penz) Sacc. Thuộc họ Melanconiaceae, bộ Menaconiales, lớp Nấm bất toàn. Trên bộ phận bị bệnh của cây xuất hiện các vết đốm lớn màu nâu sẫm, có viền nâu đỏ. Vết đốm sẽ lan rộng và có thể tạo ra vết hoại tử.
Vết bệnh trên lá ban đầu có dạng giọt dầu màu vàng, sau chuyển thành màu xám tro. Vết bệnh lan từ mép lá vào, gây đốm lá. Bệnh nặng lá bị cháy từ mép vào làm cho lá bị cháy khô. Trên vết bệnh thường thấy các chấm đen nhỏ. Đây là bệnh dễ lây lan, có sức phá hoại rất lớn nên người nông dân thường phải sử dụng thuốc BVTV hóa học liều cao để diệt.
Làm thế nào để xử lý triệt để bệnh này trên cây vải, nhóm nghiên cứu đã tìm ra chế phẩm nano thảo mộc từ củ nghệ để diệt loài nấm gây bệnh thán thư. Ở quy mô pilot, chế phẩm nano thảo mộc có dạng sánh, màu nâu sậm, có mùi đặc trưng của củ nghệ, tan tốt trong nước tỉ lệ 1:100, không xuất hiện hiện tượng lắng cặn sau 24 giờ phân tán. Kích thước hạt nano chủ yếu dao động từ 200 - 250 nm.
Sản phẩm tạo ra là chế phẩm BVTV thảo mộc, nano thân thiện môi trường và có hiệu lực trừ nấm bệnh trên cây vải. Các đối tượng phòng trừ là nấm gây bệnh thán thư, sương mai và sém mép lá là các loại bệnh gây hại cây vải thường gặp khi cây bắt đầu ra hoa và quả non… Kết quả thử nghiệm ban đầu cho thấy rất khả quan, nhiều tiềm năng phát triển.
“Việc tạo ra sản phẩm mới thay thế phần nào thuốc hóa học độc hại khi sử dụng và giảm dư lượng thuốc hóa học trên sản phẩm, góp phần tăng giá trị cho quả vải thành phẩm, tạo ra chuỗi giá trị vải sạch và an toàn cho khu vực tỉnh Bắc Giang”, GS.TS Trần Đại Lâm cho hay.
Chuyển giao để đưa ngay vào ứng dụng
Sản phẩm thuốc BVTV thảo mộc (sinh học) mới được tạo ra giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV gây ra trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Mặt khác giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Để đưa sản phẩm vào ứng dụng, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện quy trình công nghệ và chuyển giao cho Công ty TNHH Việt Thắng là công ty thuốc BVTV tại Bắc Giang. Nhóm nghiên cứu hy vọng điều này giúp tạo ra sản phẩm mới, mở rộng thị trường thuốc BVTV sinh học, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động trong khu công nghiệp sản xuất. Đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV nói chung.
GS Lâm cho biết, trong thời gian tới, định hướng của các cơ quan quản lý về nông nghiệp cũng như các hiệp hội (trong đó Hiệp hội Sản xuất kinh doanh thuốc BVTV đóng vai trò quan trọng) là sẽ triển khai thay thế và giảm thiểu thuốc hóa học bằng các loại thuốc sinh học lên tỷ lệ 20 - 25% đối với các vùng trồng trọt để đảm bảo chất lượng sản phẩm nông sản có thể xuất khẩu và không còn lo ngại về dư lượng thuốc hóa học.
Vì vậy, việc nghiên cứu sản xuất thành công thuốc BVTV nano thảo mộc từ củ nghệ phòng bệnh thán thư trên cây vải có ý nghĩa quan trọng, mở ra triển vọng trong việc phát triển và ứng dụng hiệu quả thuốc BVTV thế hệ mới tại Việt Nam.
Ngoài ra, nghiên cứu của đề tài giúp nâng cao trình độ chuyên môn của các cán bộ, đào tạo đội ngũ nhân lực khoa học có trình độ cao trong lĩnh vực hóa học các hợp chất thiên nhiên, hóa nano và công nghệ sinh học cũng như trong lĩnh vực thuốc BVTV.
Các kết quả nghiên cứu về thành phần hoạt chất, dạng vật liệu và hoạt tính sinh học đóng góp vào các dữ liệu kiến thức chuyên ngành hóa vật liệu, hóa thực vật, thảo mộc, hóa chất bảo vệ thực vật.
Nhóm nghiên cứu đang bàn với Hiệp hội Hồ tiêu và Hiệp hội sản xuất kinh doanh thuốc BVTV về phương hướng triển khai thay thế và giảm thiểu thuốc hóa học bằng các loại thuốc nano thảo mộc đối với các vùng trồng hồ tiêu.