Đọc phần 1: Lầm tưởng vĩ đại đằng sau cuộc đổ bộ Mặt Trăng của Mỹ: Lịch sử "chôn giấu" bí mật gì?
Đầu thập niên 1950, khi Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chưa ra đời, bộ ba bộ quân chủng của Quân đội Mỹ là Bộ Lục quân, Bộ Không quân và Bộ Hải quân chịu trách nhiệm hoàn toàn cho chương trình không gian Mỹ.
Tướng Homer Boushey - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển không quân Mỹ. Ảnh: U.S. Air Force.
Năm 1958, nhằm đối phó với tiềm lực kỹ nghệ vũ trụ của Liên Xô sau khi nước này phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới (Sputnik 1) cách đó 1 năm, Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower (tại nhiệm 1953-1961) thành lập Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Tiên tiến (ARPA) trực thuộc Bộ Quốc phòng với kỳ vọng ARPA mau chóng triển khai các sứ mệnh không gian nhằm tránh cho Mỹ rơi vào thế bị động về công nghệ trong tương lai.
Lo ngại trước nguy cơ Moskva chạy đua vũ khí ngoài không gian, ARPA lập tức phác thảo các kế hoạch đưa phi hành gia quân sự đổ bộ Mặt Trăng. Đây được xem là động thái "nhất cử lượng tiện" vừa nhằm củng cố kho vũ khí tên lửa chiến lược Mỹ, đồng thời tạo đà phát triển cho chương trình vũ trụ còn non trẻ của nước này.
Tháng 1/1958, 3 tháng sau khi Sputnik 1 được phóng lên quỹ đạo Trái Đất, Chuẩn tướng Homer Boushey (phi công tiên phong Mỹ bay trên máy bay phản lực thập niên 1940, đồng thời là nhân vật chủ chốt trong các chương trình nghiên cứu và phát triển không quân Mỹ) tuyên bố: Không quân Mỹ đang lên kế hoạch thiết lập căn cứ quân sự trên bề mặt Mặt Trăng.
Sau khi 2 sứ mệnh Project Luman (đặt mục tiêu đưa phi hành gia quân sự Mỹ đổ bộ Mặt Trăng vào năm 1964) và Project Horizon (xây dựng tiền đồn khoa học/quân sự trên Mặt Trăng vào năm 1966) đổ bể, ARPA tiếp tục trình các phác thảo sứ mệnh liên quan đến Mặt Trăng lên Tổng thống Dwight Eisenhower xem xét.
Liệu rằng, 2 kế hoạch tiếp theo của Quân đội Mỹ có "chết yểu" như Luman và Horizon hay không?
Trong những ngày đầu mới thành lập, NASA bắt tay ngay vào thực hiện Dự án Mercury (1958-1963) - Chương trình đưa người vào không gian đầu tiên trong lịch sử Mỹ.
Khi đó, tại các cuộc họp kín đầy căng thẳng ở Lầu Năm Góc (trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ), các dự án liên quan đến Mặt Trăng vẫn không ngừng được các quan chức ban luận kể cả khi Project Luman và Project Horizon bị Tổng thống từ chối liên tiếp.
Lúc bấy giờ, Quân đội Mỹ tiếp tục nhận sự trợ giúp của các công ty vũ trụ tư nhân Mỹ. Khi Boeing đang dồn sức cho Chương trình Boeing X-20 Dyna-Soar (phát triển tàu vũ trụ, phục vụ các nhiệm vụ quân sự của Không quân như trinh sát trên không, cứu hộ không gian, đánh chặn không gian chống lại các vệ tinh của kẻ thù...) thì hãng Chance Vought (trụ sở tại thành phố Dallas, bang Texas) cho ra đời dự án Project MALLAR.
Với mục tiêu đưa người đổ bộ Mặt Trăng và trở về Trái Đất an toàn, Project MALLAR do kỹ sư không gian gốc Á Conrad “Connie” Lau (người thiết kế tiêm kích F8U Crusader 1 động cơ năm 1955) làm trưởng nhóm nghiên cứu.
Project MALLAR của hãng Chance Vought chính là nền tảng Chương trình Apollo mà NASA triển khai sau này. Ảnh: Air Space Magazine
Tháng 12/1959, Conrad “Connie” Lau trình bày kế hoạch này trước Quốc hội. Theo đó, dự án MALLAR kế hoạch phóng tàu vũ trụ lên quỹ đạo Mặt Trăng. Sau đó, cho một mô-đun sức chứa 2 phi hành gia đổ bộ trực tiếp xuống bề mặt Mặt Trăng.
Ngày 15/2/1960, kỹ sư Abe Silverstein - nhân vật chủ chốt trong các chương trình không gian của NASA - lên tiếng ủng hộ Project MALLAR của hãng Chance Vought. Ông yêu cầu nhóm các nhà khoa học Space Task Group (thuộc NASA, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Langley, bang Virginia) lấy MALLAR làm mẫu.
18 tháng sau, kỹ sư hàng không John Houbolt (Space Task Group) xây dựng chương trình MALLIR (Đưa người đổ bộ tại điểm hẹn xác định trên Mặt Trăng). Chương trình này có nhiều nét tương đồng với Project MALLAR.
Chưa đầy một năm sau, MALLIR được Tổng thống Mỹ J.F. Kennedy ủng hộ và chính thức đổi tên thành Chương trình Apollo.
Dù không được triển khai, nhưng nhờ có những ý tưởng đột phá của Project MALLAR từ hãng Chance Vought mà nền tảng Chương trình Apollo (đưa người đổ bộ Mặt Trăng của Mỹ) có cơ hội phát triển rực rỡ về sau.
4 ngày sau lời hiệu triệu hùng hồn mà Tổng thống J.F. Kennedy phát biểu trước Quốc hội Mỹ năm 1961 về tham vọng đưa người đổ bộ Mặt Trăng và trở về Trái Đất an toàn bằng được trước khi thập niên 1960 khép lại, Sư đoàn tên lửa đạn đạo Không quân Mỹ công bố kế hoạch thám hiểm Mặt Trăng có tên Project LUNEX.
Theo kế hoạch, một hệ thống tên lửa vũ trụ có lực đẩy 3.000 tấn sẽ đưa phi hành đoàn quân sự gồm 3 người tiến thẳng lên bề mặt Mặt Trăng. Sứ mệnh này dự kiến kéo dài 10 ngày trên Mặt Trăng.
Project LUNEX là sự kế thừa hoàn hảo của chương trình Dyna-Soar và sứ mệnh MISSOPH III. Ảnh: Air Space Magazine
Cho đến thời điểm đó, Project LUNEX là sự kế thừa hoàn hảo của chương trình Dyna-Soar và sứ mệnh MISSOPH III. Tuy nhiên, cũng như Luman và Horizon, LUNEX nhanh chóng "chết yểu" trước khi nó kịp bắt đầu.
Đại tá Harry Lee Evans (người trình kế hoạch Project LUMAN năm 1958 lên Tổng thống Dwight D. Eisenhower xem xét) nhanh chóng thay thế LUNEX bằng chương trình Phòng thí nghiệm có người lái trên quỹ đạo của Không quân, một kế hoạch đầy tham vọng nhằm mục đích phóng một trạm vũ trụ quân sự lên quỹ đạo Trái Đất, lên giới lãnh đạo. Tuy nhiên, đến cuối thập kỷ 1960, chương trình này cũng bị từ chối.
Về phần Tiến sĩ Wernher Von Braun, sau khi chuyển công tác từ Cơ quan tên lửa đạn đạo quân đội (ABMA) sang NASA theo đề nghị của Tổng thống Dwight D. Eisenhower, đội của ông đã thành công ngoài sức tưởng tượng.
Không chỉ tạo nên hệ thống tên lửa đẩy Saturn V mạnh nhất trong lịch sử tính cho đến nay, Tiến sĩ Wernher Von Braun còn đóng vai trò cốt lõi trong thành công của người Mỹ năm 1969: Mỹ đưa người đổ bộ Mặt Trăng trên phi thuyền Apollo 11.
Bài viết sử dụng nguồn: NASA, Air Space Magazine
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.