Thủng tử cung, thủng ruột vì 'thủ phạm' không ngờ

Ngọc Minh |

Một nữ bệnh nhân 69 tuổi vừa được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai do thủng tử cung, thủng ruột.

Thạc sĩ, BSCK2 Triệu Văn Trường, Phó trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân nữ 69 tuổi vào viện vì đau bụng dưới rốn kèm ra dịch hồng ở âm đạo. Khám lâm sàng cho thấy bệnh nhân có bụng chướng, ấn đau và có phản ứng thành bụng.

Theo bệnh nhân, cách đây 30 năm, bệnh nhân có đặt vòng (dụng cụ tử cung), gần đây thấy ra dịch nhầy hồng âm đạo. Bệnh nhân đến bệnh viện tháo vòng nhưng thất bại. Bốn ngày sau, bệnh nhân đau hạ vị liên tục kèm nôn, ra dịch máu âm đạo, không trung tiện được, không sốt.

Bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng bụng có biểu hiện của viêm phúc mạc như bụng chướng, ấn đau khắp bụng. Siêu âm ổ bụng cho thấy các quai ruột ứ đọng dịch, giảm nhu động, ít dịch tự do ổ bụng.

Chụp cắt lớp vi tính thấy hình ảnh dịch khí tự do trong ổ bụng, tắc ruột cơ năng, dày thành ruột vị trí hố chậu phải và dị vật xuyên thủng đáy tử cung.

Thủng tử cung, thủng ruột vì thủ phạm không ngờ - Ảnh 1.

Hình ảnh chụp CT của bệnh nhân thủng tử cung, ảnh: BVCC.

Bác sĩ Triệu Văn Trường đã mổ mở cấp cứu cắt tử cung bán phần, khâu lỗ thủng ruột non, rửa sạch ổ bụng. Tuy nhiên, sau mổ 6 ngày, bệnh nhân phải mổ lại lần thứ hai để đưa hai đầu ruột non ra ngoài tạm thời do bục lỗ khâu ruột non. Quá trình hậu phẫu ổn định, người bệnh được xuất viện. Người bệnh được hẹn tái khám sau 3 tháng để đóng dẫn lưu hồi tràng.

Lưu ý khi đặt vòng

Đặt vòng là phương pháp tránh thai phổ biến với gần 160 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trên thế giới sử dụng. Vật liệu để thiết kế có thể bằng nhựa, đồng, bạc hoặc thép.

Bác sĩ Trường cho biết thủng tử cung do dụng cụ tử cung là một biến chứng không phổ biến nên nhiều khi khó chẩn đoán, dấu hiệu thủng tử cung chỉ có thể được phát hiện khi theo dõi định kỳ hoặc mang thai ngoài ý muốn.

Các triệu chứng lâm sàng có thể gặp do thủng tử cung bao gồm chảy máu bất thường và đau bụng. Dụng cụ tử cung có thể được nhìn thấy khi làm siêu âm đầu dò âm đạo, nhưng cũng có thể sử dụng chụp cắt lớp vi tính để xác định vị trí.

Đa số dụng cụ tử cung sau khi xuyên thủng sẽ nằm ở khoang phúc mạc, sau đó xâm lấn vào các cơ quan lân cận gây biến chứng thủng ruột. Do đặc điểm lỗ thủng ruột thường là nhỏ nên tình trạng viêm phúc mạc có thể ở mức độ nhẹ, khu trú, thậm chí không có triệu chứng. Ngược lại, nếu dịch tiêu hóa lan rộng gây viêm phúc mạc toàn thể với lâm sàng cấp tính, đau bụng, nhiễm trùng thì thường bệnh nhân phải nhập viện.

Bác sĩ Trường đưa ra lời khuyên: "Phụ nữ đã mãn kinh nên lấy dụng cụ tử cung ra khỏi cơ thể để phòng tránh các biến chứng. Theo y văn, rất ít các bài báo liên quan đến tai biến thủng tử cung kèm theo thủng ruột do thất bại của thủ thuật tháo vòng tránh thai".

Phụ nữ khi đặt dụng cụ tử cung thì cần tuân thủ tháo dụng cụ tử cung mỗi 5 năm/lần hoặc khi hết tuổi sinh sản. Các can thiệp thông thường có thể khiến vòng tránh thai bị vỡ, thủng thành tử cung và gây tổn thương các cơ quan xung quanh. Trong trường hợp không thể loại bỏ dụng cụ tử cung bằng thủ thuật thì nên theo dõi lâm sàng chặt chẽ, nội soi buồng tử cung hoặc cắt tử cung chủ động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại