Hình ảnh tăm tre đâm xuyên ruột non bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân N.V.M. (52 tuổi), tiền sử không có bệnh lý gì bất thường. Cách nhập viện 1 tuần, sau khi ăn trưa và ngủ trưa dậy, bệnh nhân thấy đau nhói vùng quanh rốn nên đi khám ở bệnh viện địa phương, được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa và cho về uống thuốc. Bệnh nhân uống thuốc 5 ngày nhưng không thấy đỡ đau.
Cách nhập viện 2 ngày, bệnh nhân đau bụng nhiều, đặc biệt là khi thay đổi tư thế. Vì vậy, bệnh nhân đến khám và nhập viện Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp.
Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân sốt cao 39 độ, ấn đau và phản ứng thành bụng rõ, co cứng cơ thành bụng vùng hố chậu phải và hạ vị, ngoài ra không ghi nhận bất thường khác.
Bệnh nhân được thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, siêu âm ổ bụng cho thấy: Dịch vẩn âm vùng Douglar, quanh hố chậu phải. Hình ảnh dị vật vùng hạ vị kích thước 1 x 10 mm, ruột thừa kích thước 5 mm thành mỏng, chứa khí, ấn xẹp.
Bệnh nhân được chẩn đoán: Viêm phúc mạc ổ bụng, dị vật trong ổ bụng chưa rõ nguyên nhân.
Các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp phẫu thuật mở bụng thấy ổ bụng toàn dịch đục mủ loãng số lượng nhiều, ruột thừa nằm đúng vị trí giải phẫu xung huyết nhẹ. Kiểm tra kỹ vùng hạ vị, phát hiện dị vật giống que tăm tre dài 10 mm, đường kính 1 mm, xuyên thủng thành quai ruột non. Sau đó, bác sĩ khâu lỗ thủng ruột non tiến hành rửa bụng và đặt dẫn lưu.
Sau phẫu thuật, sinh hiệu bệnh nhân ổn, không còn sốt, vết mổ khô. Khi đã hoàn toàn tỉnh táo và được bác sĩ cho biết dị vật được lấy ra là một tăm tre thì bệnh nhân cũng không nhớ là mình đã nuốt tăm.
Theo các bác sĩ, sử dụng tăm là thói quen của nhiều người, trong đó một số người còn có thói quen ngậm tăm khi nằm nghỉ, khi đi dạo, thậm chí cả khi nói chuyện, vừa mất thẩm mỹ vừa có thể gây nguy hiểm cho bản thân nếu không may nuốt phải. Nuốt tăm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, thường là tăm đâm xuyên thủng ống tiêu hóa. Nhiều trường hợp tăm có thể xuyên thủng dạ dày, xuyên gan, xuyên tim.
Người dân cần lưu ý không nên ngậm tăm khi nằm nghỉ, ngủ, đi dạo hoặc khi nói chuyện vì có thể vô tình nuốt phải. Nếu lỡ nuốt phải tăm, người dân cần nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra, nội soi đường tiêu hóa lấy tăm ra càng sớm càng tốt hoặc được phẫu thuật khi có chỉ định.