Trước khi kỳ họp diễn ra, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TP.HCM cùng các lãnh đạo thành phố đã thăm quan mô hình xe chở rác thải, thùng xử lý rác và qui hoạch khu xử lý rác thải được trưng bày trước sảnh nơi diễn ra kỳ họp.
Bí thư TP.HCM đánh giá cao các phương tiện kỹ thuật được cải tiến để phát huy hiệu quả trong việc thu gom, xử lý rác thải.
Phát biểu tại kỳ họp sau đó, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận định, ô nhiễm vượt chuẩn với nhiều mức độ khác nhau trên tất cả các lĩnh vực như nước mặt, nước ngầm, kênh rạch, nước thải, không khí, tiếng ồn, chất thải rắn, bùn thải...đang diễn ra tại TP.HCM.
Nhiều khu vực tình hình ô nhiễm môi trường còn phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân TP. Trong đó môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn đang là vấn đề bất cập trong quản lý nhà nước.
Không thể xả nhiều mới quản lý
Báo cáo tại kỳ họp, ông Nguyễn Toàn Thắng, GĐ Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) TP.HCM cho biết, mỗi ngày TP thải ra môi trường 1.500 tấn chất thải rắn, 374 tấn chất thải nguy hại và 8.300 tấn chất thải sinh hoạt.
Về xử lý, hiện bãi rác Đa Phước (Bình Chánh) chôn lấp khoảng 5.500 tấn/ngày, số còn lại được chôn lấp, tái chế và làm phân compost tại các đơn vị thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc - Củ Chi.
Theo ông Thắng, để xảy ra tình trạng ô nhiễm một phần do quản lý nhà nước quản lý chưa tốt, chưa quản lý được thu gom rác công lập; thiết bị thu gom lạc hậu, tần suất thu gom thấp, mỗi địa bàn thu gom nhiều cách khác nhau.
Một số phương tiện vận chuyển chất thải rác sinh hoạt đã cũ, việc kết nối giữa thu gom và vận chuyển không đồng bộ.
Nhiều đại biểu kiến nghị cần có chế tài xử phạt nặng hơn, công tác tuyên truyền ý thức giữ gìn vệ sinh tới người dân cần đẩy mạnh, tình trạng vận chuyển rác đang gây bức xúc trong nhân dân.
Đại biểu Võ Văn Tân cho rằng, các biện pháp xử lý hành chính về vấn đề gây ôn nhiễm môi trường cần phải nghiêm hơn.
“Ở nước ngoài mức phạt việc vứt tàn thuốc ra đường rất cao, nên không ai dám vi phạm”, ông Tân ví dụi.
Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cho rằng khâu ý thức người dân cần được nâng cao.
"Chúng ta không thể xả thải nhiều rồi mới đi quản lý. Tôi rất bức xúc khi ra đường thấy người ta hút thuốc lá rồi vứt xuống đường, cần lập kế hoạch ngắn hạn và trung hạn trong tuyên truyền ý thức, bên cạnh biện pháp xử phạt nghiêm”.
ĐB Vương Đức Hoàng Quân: Không thể xả thải nhiều rồi mới đi quản lý
Đại biểu Vũ Thanh Lưu đề nghị có chế tài xử lý đối với các đơn vị thu gom rác không thực hiện đúng qui trình và những hộ cá nhân gây ô nhiễm.
Đại biểu Cao Anh Minh cho rằng, cần xây dựng quy hoạch xử lý chất thải trên địa bàn TP đến năm 2025.
"Chúng ta hiện chưa có năng lực qui hoạch xử lý rác", ông Minh nhấn mạnh.
Xử phạt Khu xử lý rác thải Đa Phước 1,5 tỷ đồng
Tại kỳ họp, HĐND TP cũng chất vấn Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng thông tin cho các đại biểu về việc bãi rác Đa Phước bị xử phạt hơn 1,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Toàn Thắng báo cáo và trả lời HĐND tại kỳ họp
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, việc thanh tra không phải diễn ra mới đây mà diễn ra từ khoảng tháng 10, tháng 11 năm 2016 theo thẩm quyền thanh tra của Bộ TN&MT.
Có 5 nội dung bị xử phạt, trong đó chủ yếu xử phạt liên quan đến việc xử lý nước thải từ khu xử lý rác Đa Phước của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam.
Sau đó, Thanh tra Bộ TN&MT cho đơn vị bị kiểm tra một thời gian để giải trình những vấn đề bị kiểm tra.
"Vừa rồi, Bộ TN&MT có mời đơn vị ra để chốt lại các nội dung vi phạm, sau khi chốt lại hàng loạt nội dung và ghi nhận những khắc phục của Đa Phước, đã ban hành quyết định xử phạt theo thẩm quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường khoảng 1,5 tỷ đồng cho các nội dung vi phạm"- ông Thắng nói tiếp.
Ông Thắng cho rằng, thực tế trong công tác kiểm tra giám sát, những nội dung vi phạm của bãi rác Đa Phước, Sở có kiểm tra, giám sát và chỉ đạo khắc phục.
Không chỉ dừng ở 5 nội dung bị xử phạt, Sở cũng thường xuyên kiểm tra, đặc biệt là những chỉ đạo của UBND TP đã đề nghị Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam phải thực hiện 10 giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường.