Thủng dạ dày do thần dược trị dạ dày
Bà H.T.L (76 tuổi, ở Lục Yên, Yên Bái) tới khám tại Bệnh viện đa khoa Phú Thọ với triệu chứng đau bụng đặc biệt là vùng thượng vị.
Bà L kể cách đây vài tháng bà cũng có xuất hiện những cơn đau âm ỉ ở vùng thượng vị. Nghi dạ dày có vấn đề, bà L đã đi khám tại bệnh viện huyện nhưng không phát hiện ra bệnh gì.
Sau đó, về nhà bà L đã lấy bột nghệ nấu canh ăn vì nghĩ bột nghệ tốt cho dạ dày. Suốt mấy tháng sử dụng bột nghệ nấu canh gần đây bà L càng đau bụng hơn nên đi khám lại. Kết quả, nội soi bác sĩ phát hiện cả khối thức ăn đóng chắc, cứng rắn không thể cắt rời kẹt lại trong dạ dày người bệnh gây chảy máu, loét thủng dạ dày.
Bột nghệ kết với thức ăn thành u bã thức ăn
Qua nội soi bác sĩ phát hiện không chỉ vết loét thủng bằng đầu ngón tay mà niêm mạc dạ dày vùng hang vị phù nề, nhiều chấm xung huyết. Bác sĩ đã phải cắt khối bã thức ăn để cho tiêu hóa qua đường ruột. Sau hai tuần, khối bã thức ăn không tự tiêu hóa được bệnh nhân sẽ được nội soi gắp bã thức ăn này ra khỏi dạ dày tránh viêm loét nặng dạ dày.
Hay như trường hợp của chị Lê Lan A (37 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) vào khám tại Bệnh viện Đại học Y trong tình trạng đau thượng vị, đau nhiều thành cơn. Bác sĩ nội soi phát hiện vết thủng loét to ở bờ cong dạ dày kèm theo vi khuẩn HP hoạt động mạnh.
Chị Lan A kể hai năm trước chị đi khám cũng được chẩn đoán viêm dạ dày cấp và bác sĩ kê thuốc về uống. Tuy nhiên, sau một thời gian uống thuốc đỡ nhưng bệnh lại tái phát và chị Lan A thấy quảng cáo tinh bột nghệ có thể trị viêm dạ dày nên mẹ chị đã mua nghệ về phơi khô và xay làm tinh nghệ cho chị uống với mật ong.
Sáng nào thức dậy, chị Lan A. cũng uống cốc to tinh nghệ mật ong. Tuy nhiên tình trạng viêm vẫn dai dẳng, cảm giác khó chịu, thi thoảng xuất hiện trào ngược, ợ nóng, đầy hơi.
Gần đây nhất là đau vùng thượng vị, đau thành cơn nên chị mới đến nội soi kiểm tra.
Lúc này, chị kể về việc uống nghệ mật ong trị đau dạ dày, các bác sĩ đã giật mình vì viêm dạ dày của chị là có hoạt động của vi khuẩn HP nếu chỉ uống nghệ thì không thể điều trị được dứt bệnh.
Hay như trường hợp ông Nguyễn Văn H (71 tuổi, Hà Nội) cắt ung thư dạ dày cách đây 3 tháng và sau cắt dạ dày, ông H đã chuyển sang uống tinh nghệ. Ông H được gia đình đưa vào Bệnh viện Đại học Y cấp cứu vì đau bụng vùng dạ dày.
Giáo sư Đào Văn Long – nguyên Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cho biết khi nội soi bác sĩ phát hiện dạ dày có một khối bã thức ăn kết dính rất lớn choán gần như toàn bộ phần dạ dày còn lại.
Giáo sư Long cho rằng khối bã thức ăn nhiều khả năng là do bệnh nhân dùng tinh bột nghệ trộn với mật ong nên dễ kết dính với xơ của thức ăn tạo thành khối bã. Bác sĩ phải cắt bỏ khối bã thức ăn cho bệnh nhân bằng nội soi can thiệp.
Nghệ có tác dụng như thế nào?
Theo giáo sư Phạm Xuân Sinh – Nguyên trưởng bộ môn đông dược Trường đại học Dược Hà Nội cho biết nghệ được sử dụng hàng ngày như một loại gia vị không có nghĩa là nó an toàn khi được sử dụng ở liều lượng cao.
Ngoài ra, việc sử dụng nghệ trong điều trị viêm loét dạ dày đã được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Gần đây, từ curcumin hay còn gọi là tinh nghệ càng nổi hơn được coi như thần dược, chữa bách bệnh, từ dạ dày, nám da cho đến HIV, ung thư giai đoạn cuối.
GS Sinh cho rằng nghệ hay chế phẩm của nó không phải là thần dược.
Tuy nhiên, theo GS Sinh việc sử dụng và chế biến nghệ phải rất cẩn thận. Nếu bột nghệ vẫn còn tinh dầu thì người bệnh sử dụng sẽ bị kích ứng dạ dày, không tốt cho việc điều trị bệnh dạ dày còn làm bệnh nặng thêm.
Đặc biệt trong nghệ tươi, một số hợp chất trong nghệ nếu tiêu thụ vào cơ thể quá nhiều có thể làm chậm quá trình đông máu, vì vậy nó có thể dẫn đến chảy máu. Nếu những người mà đang dùng thuốc chống đông máu hoặc thuốc liên quan đến tiểu cầu thì nên lưu ý khi dùng nghệ. Nếu phụ nữ bị bệnh rong kinh sử dụng tinh bột nghệ càng làm cho tình trạng phức tạp hơn.
Theo giáo sư Sinh không nên xem nghệ hay tinh nghệ là thần dược vì nó chỉ có tác dụng khi sử dụng vừa phải. Chất curcumin mặc dù được biết đến với khả năng giảm viêm, chống oxy hóa nhưng nếu sử dụng quá nhiều cùng có thể gây ra tác dụng phụ là buồn nôn, tiêu chảy, rối loạn chuyển hóa sắt, chặn protein hepcidin, gây ra thiếu sắt ở bệnh nhân mẫn cảm.
GS Sinh khẳng định đến nay không một bằng chứng nào chứng minh hoạt chất curcumine có tác dụng điều trị một loại bệnh cụ thể nào đó nên cần điều trị bệnh theo nguyên nhân của nó đặc biệt là bệnh lý viêm loét dạ dày ở nước ta có liên quan nhiều tới yếu tố vi khuẩn HP.