Thuế 0%, tức nhập khẩu sẽ là phương án tối ưu, thay vì sản xuất, lắp ráp. Điều đó xảy ra đồng nghĩa với sự thất bại của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam?
Trên thực tế, cách đây 4 năm, ông Lê Dương Quang, khi đó là Thứ trưởng Bộ Công Thương đã lần đầu tiên đề cập đến "thất bại" của ngành này tại Quảng Nam.
Từ đó đến nay, dù thừa nhận sự thất bại cùng những khó khăn, Việt Nam vẫn xác định phải tìm kiếm các chính sách để phát triển ngành công nghiệp ô tô. Quan điểm của Chính phủ là phù hợp, nhưng vấn đề lại ở chỗ: thiếu giải pháp cụ thể.
Dẫn chứng, tờ Diễn đàn Doanh nghiệp trích ý kiến của một doanh nghiệp vẫn đau đáu với câu hỏi: Vậy, giải pháp là gì? Sau khi tham dự cuộc họp về công nghiệp ô tô mới của Bộ Công Thương, câu trả lời là... vẫn phải chờ.
Trong khi chờ câu trả lời, các doanh nghiệp lại tiếp tục ca "bài ca muôn thuở": đề nghị Chính phủ giúp đỡ doanh nghiệp giảm chi phí chênh lệch giữa xe trong nước và xe nhập khẩu thông qua chính sách thuế nhập khẩu linh kiện.
Một số DN tức thời hơn, đưa ra giải pháp trước mắt, như Toyota Việt Nam sẽ thu hẹp số dòng xe lắp ráp trong nước từ 5 còn 4 và đang cân nhắc giảm xuống còn 2 hoặc 3.
Mục đích của việc làm này là tập trung công suất, giảm giá thành. Trong khi đó, Honda Việt Nam chỉ tập trung vào dòng City hay CRV, còn những dòng như Civic hay Accord sẽ nhập khẩu. Ford Việt Nam cũng có chiến lược tương tự.
Theo một số đánh giá, tăng công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy công nghiệp ô tô hay đẩy dung lượng thị trường để đưa công nghiệp ô tô phát triển vẫn là bài toán "con gà - quả trứng".
Cũng vì tình thế "con gà - quả trứng" nên doanh nghiệp chưa có điều kiện giảm giá thành, tức là người tiêu dùng muốn dùng xe ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước sẽ phải hoặctiếp tục mua xe với giá cao, hoặc chờ đợi đến khi doanh nghiệp thích nghi và mức thuế về 0.