Myanmar "đi trên dây" khi Mỹ - Trung căng thẳng
Bằng động thái này, chính phủ Myanmar đang tiến gần hơn đến việc cho phép các công ty khác tham gia đấu thầu cùng với CCCC trong dự án xây dựng siêu dự án Thành phố New Yangon.
Hành động này, còn được gọi "Swiss challenge" - một hình thức mua sắm công được vận hành ở một số khu vực tài phán, đòi hỏi một cơ quan công quyền đã nhận được giá thầu không mong muốn cho một dự án công hoặc cung cấp dịch vụ cho chính phủ, để xuất bản giá thầu và mời các bên thứ ba khớp hoặc tốt hơn.
Điều này sẽ mang đến cho quốc gia Đông Nam Á cơ hội thể hiện sự minh bạch trong hoạt động mua sắm công của chính phủ, một tín hiệu quan trọng đối với các nhà đầu tư.
Các nhà phân tích và các chuyên gia tư vấn cho biết, động thái này cũng sẽ chứng kiến Myanmar "đi trên dây" cố gắng một mặt cân bằng các mối quan hệ với 2 siêu cường trong bối cảnh căng thẳng Trung - Mỹ leo thang; mặt khác vẫn đáp ứng nhu cầu nhận đầu tư nước ngoài mà vẫn kiểm soát được những rủi ro khi hợp tác với CCCC, vốn gần đây đã bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt vì hỗ trợ chính phủ Trung Quốc các hoạt động xây dựng phi pháp ở Biển Đông.
Năm 2018, Myanmar đã cho phép CCCC đưa ra đề xuất xây dựng giai đoạn đầu của dự án Thành phố New Yangon trị giá 1,5 tỷ USD, xây dựng một thành phố mới gần thủ đô trong đó có các cơ sở hạ tầng như nhà máy điện, cầu, đường bộ và nhà máy xử lý nước.
Nhưng với động thái mới này, các nhà thầu khác sẽ được mời tham gia thầu cùng với tập đoàn xây dựng Trung Quốc.
Có đủ sức "loại" công ty Trung Quốc khỏi dự án?
Ngay sau khi kế hoạch ban đầu của CCCC được công bố, thành phố New Yangon đã được nhận định là một phần quan trọng của Hành lang kinh tế Trung Quốc-Myanmar (CMEC) dài 1700 km, chạy từ Côn Minh ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đến các thành phố bao gồm Mandalay và Yangon (Myanmar).
Dự án này là một trong những "viên ngọc" trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, nhằm kết nối cơ sở hạ tầng của châu Á, Trung Đông, Châu Phi và Châu Âu.
Năm ngoái, New Yangon Development Company (NYDC), cơ quan phụ trách dự án, đã bắt đầu mời các công ty tham gia đấu thầu trong gói thầu mua sắm.
"Hôm nay là dấu mốc quan trọng. Chúng tôi đang thực hiện những bước đầu tiên để hiện thực hóa tầm nhìn về một thành phố mới hiện đại bên kia sông Yangon", trích phát biểu của ông U Thaung Tun, Bộ trưởng Bộ Đầu tư và Kinh tế Đối ngoại Myanmar.
"Để phù hợp với thời đại và nhu cầu tạo ra nhiều việc làm chất lượng hơn để giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, chúng tôi đã quyết định tập trung đầu tiên vào việc thiết lập khu công nghiệp. Việc chia tách các dự án phát triển, trong khi vẫn đảm bảo tính thương mại, sẽ giúp chúng ta tuân thủ các thông lệ quốc tế tốt nhất của thế giới, bao gồm hình thức đấu thầu quốc tế công khai", ông U Thaung Tun nói thêm.
Hãng tư vấn Roland Berger đã hợp tác với chính phủ Myanmar trong các dự án cải cách kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu kể từ năm 2012.
Hãng tư vấn này sẽ có nhiệm vụ trao đổi với các cổ đông chính và chỉ định nhà thầu trúng thầu. Theo NYDC, bất kỳ nhà thầu nghiêm túc nào cũng cần phải chuẩn bị đầu tư một lượng vốn lớn, vì chính phủ chỉ có kế hoạch đóng góp khoảng 7 triệu USD. Dự án thành phố New Yangon có diện tích 8.830 ha sẽ được phát triển trên vùng đất nông nghiệp ở phía tây sông Yangon và dự kiến bao gồm 163.000 ngôi nhà mới và tạo ra gần 1 triệu việc làm mới.
Trong chuyến công du đầu tiên tới Myanmar hồi tháng Giêng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ cho dự án và ký 33 thỏa thuận hợp tác kinh tế với chính phủ Myanmar, trong số này có 13 sự án liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ông Kaho Yu, nhà phân tích rủi ro cấp cao về châu Á tại Verisk Maplecroft, cho biết ý nghĩa quan trọng của dự án đầy tham vọng đối với cả quy hoạch Vành đai và con đường cũng như đối với chính phủ Trung Quốc.
"Myanmar luôn được ưu tiên trong [kế hoạch vành đai và con đường] và chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đã gửi đi một tín hiệu chính trị mạnh mẽ" ông Yu nói. "Nhưng do đại dịch Covid-19 nên Myanmar cũng đã thay đổi các chính sách đầu tư. Giới chức nước này không muốn chỉ đơn giản thu hút tiền đầu tư mà họ cũng muốn đảm bảo khả năng thương mại của dự án".
Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung 24 công ty quốc doanh Trung Quốc vào danh sách trừng phạt vì đã giúp đỡ chính phủ xây dựng trái phép và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông.
Luật sư thương mại quốc tế Julien Chaisse cho biết quyết định cấm này của Mỹ là một động thái cảnh báo nhẹ nhàng cho các quốc gia như Myanmar không nên có hoạt động hợp tác làm ăn với công ty Trung Quốc trong danh sách đen, nhưng có thể gián tiếp gây thiệt hại cho CCCC trong dự án New Yangon.
Ông Simon Tay, Chủ tịch Viện các vấn đề quốc tế Singapore, cho biết vấn đề phụ thuộc vào mức độ từ chối của giới chức Myanmar đối với những đề xuất từ CCCC đến mức nào.
"Myanmar rất cần nguồn vốn đầu tư. Thành phố Yangon mới là một dự án rất tham vọng", ông Tay nói. "Đây không phải là một kế hoạch quốc gia và chủ yếu do giới chức Yangon thúc đẩy. Vì vậy, họ phải tìm một nhà đầu tư có năng lực và khả năng tài chính dồi dào. Phương Tây có thể không đáp ứng hiệu quả những nhu cầu phát triển của châu Á do họ không hiểu những thách thức ở đây"
"Trung Quốc có tầm ảnh hưởng lớn nhất vì họ có thế mạnh khi chung biên giới với Myanmar. Mỹ cũng quan trọng đối với Myanmar nhưng Trung Quốc lại giữ vị trí cực kỳ quan trọng"
Ông Andrew Tan, làm việc tại Công ty tư vấn đầu tư Consult-Myanmar có trụ sở tại Yangon, cho biết việc tách dự án phát triển thành các dự án thành phần có nghĩa là "các bên đều có cơ hội trúng thầu và CCCC sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn nếu muốn nhận được toàn bộ dự án".
Theo ông Nicholas Turner, luật sư của hãng luật Steptoe & Johnson và một chuyên gia về các biện pháp trừng phạt kinh tế, với cam kết chính trị mà cả hai nước Myanmar - Trung đã tạo dựng nên, việc Mỹ đưa CCCC vào danh sách đen chưa đủ "sức nặng" để loại "ông lớn" này ra khỏi dự án New Yangon.