Hàng nghìn loài thực vật đã biến mất trong 2000 năm qua do chúng bị thu hoạch quá nhiều. Đây là những loài thực vật hoang dã cần một môi trường sống rất tự nhiên để phát triển, và đó cũng là lý do tại sao chúng đang ngày càng khan hiếm.
Một trong những loài thực vật được tìm kiếm nhiều nhất là Fritillaria Delavayi đã được sử dụng hàng ngàn năm để tạo ra y học cổ truyền. Vị trí chủ yếu nhất của nó là ở dãy núi Hengduan của Đông Á. Cách đây vài trăm năm, loài thực vật này đã mọc ở khắp chân núi, nhưng khi bắt đầu bị con người thu hoạch ngày càng nhiều, loài cây này đã di chuyển vị trí của nó lên cao hơn, về phía các đỉnh núi. Điều khiến loài cây này trở nên quý hiếm là nó chỉ ra hoa 5 năm một lần và đó là thứ được sử dụng để sản xuất các loại thuốc khác nhau.
Việc đưa Fritillaria Delavayi vào sử dụng thương mại đã khiến cho loài thực vật này trở nên kham hiếm và đang ở mức sắp tuyệt chủng. Tuy nhiên, có vẻ như bà mẹ thiên nhiên không muốn điều này xảy ra và loài thực vật này đã trải qua một số biến đổi khi nó chuyển màu từ xanh lục sang nâu xám, có tác dụng ngụy trang với môi trường xung quanh. Sự thay đổi màu sắc khiến cho loại cây này rất hòa hợp với những tảng đá xung quanh nó, đến nỗi nó gần như không thể nhìn thấy được.
Theo Live Science, các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu Fritillaria delavayi, một loài thực vật có màu nâu xám, ra hoa màu xanh lá cây 5 năm một lần, họ đã phát hiện ra rằng nó đang dần mất đi màu sắc tươi sáng khi trưởng thành để "ngụy trang". Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là một cơ chế tự vệ mà loài thực vật này đã phát triển để trốn khỏi bàn tay của con người.
Sự thay đổi này không chỉ được quan sát bởi những người hái lượm mà cả các nhà sinh vật học. Một nghiên cứu đã được thực hiện về hiện tượng này đã chỉ ra lý do thực sự của sự tiến hóa này.
"Giống như các loài thực vật ngụy trang khác mà chúng tôi đã nghiên cứu, chúng tôi nghĩ rằng sự tiến hóa ngụy trang của loài cây này là do động vật ăn cỏ thúc đẩy, nhưng chúng tôi đã không tìm thấy những con vật như vậy trong khu vực phân bố của loài cây này", trích lời của tiến sĩ Yang Niu.
Các nhà nghiên cứu đã điều tra sự thay đổi màu sắc của cây bằng cách phỏng vấn người dân địa phương về những khu vực nào được thu hoạch nhiều nhất. Sau đó, họ kiểm tra hồ sơ đếm trọng lượng hàng năm của củ được thu hoạch trong 5 năm qua.
Một thí nghiệm dựa trên máy tính đã xác nhận rằng những cây có màu xanh lá cây dễ được những người thu hoạch phát hiện hơn rất nhiều so với những giống màu nâu xám, đặc biệt là khi chúng mọc trên nền đá. Nghiên cứu cho thấy những cây có màu sẫm cũng nằm ở những khu vực trước đây được thu hoạch nhiều nhất, cho thấy mối tương quan trực tiếp giữa màu sắc của cây và sự can thiệp của con người.
Tiến sĩ Yang Niu, thuộc Viện Thực vật học Côn Minh, đồng thời là đồng tác giả của nghiên cứu trên tạp chí Current Biology đã đề cập rằng con người dường như là nguyên nhân hàng đầu của sự tiến hóa sinh học này. Tiến sĩ Niu cũng nói thêm rằng ngày càng có nhiều thực vật trải qua quá trình tiến hóa tương tự. Nhu cầu về loại cây này tăng cao cũng như giá cả cao đã khiến nhiều người đổ xô đi hái mà không nghĩ đến hậu quả.
Cần 3.500 bông hoa riêng lẻ để tạo ra một pound (450 gram) bột thuốc làm từ cây, vì vậy, nó là một loại cây được thu hoạch nhiều. Nó cũng có giá trị, có giá khoảng 218 USD mỗi pound.
Giáo sư Martin Stevens, Trung tâm Sinh thái và Bảo tồn tại Đại học Exeter cho biết: "Thật đáng chú ý khi thấy con người có thể có tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến màu sắc của các sinh vật hoang dã, không chỉ đến sự tồn tại của chúng mà còn tác động đến sự tiến hóa của chúng".
"Nhiều loài thực vật thường sử dụng biện pháp ngụy trang để che giấu những loài động vật ăn cỏ, nhưng ở đây chúng ta thấy loài thảo mộc này đang ngụy trang để phản ứng với những người thu gom", Giáo sư Martin Stevens nói.
"Có thể con người đã thúc đẩy sự tiến hóa để phòng thủ ở các loài thực vật khác, nhưng đáng ngạc nhiên là có rất ít nghiên cứu để kiểm chứng điều này", ông cho biết.
2000 năm trước đây hoa Fritillaria delavayi rất phong phú do chỉ có một số ít người săn lùng nó và cũng do giá cả của thời điểm đó khá thấp. Như Giáo sư Stevens và Tiến sĩ Niu mô tả trong bài báo nghiên cứu của họ, việc khai thác và thu hoạch vì mục đích thương mại đang hủy hoại hệ sinh thái nhiều hơn là sự tàn phá mà những thay đổi khí hậu đang gây ra đối với môi trường sống tự nhiên. Nghiên cứu của họ cũng chỉ ra rằng trong vòng 10 năm qua, mọi thứ đang dần trở nên tồi tệ hơn với sự gia tăng dân số thế giới tương đương với sự gia tăng nhu cầu đối với những loại cây này.