Đây là nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Viện Hóa học.
Chữa sốt xuất huyết bằng thực vật
PGS.TS Trần Thị Phương Thảo, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, sốt xuất huyết là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue (một loại virus thuộc chi Flavivirus, họ Flaviviridae) gây ra.
Vật truyền bệnh trung gian là muỗi vằn Aedes aegypti. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, số ca bệnh nhân sốt xuất huyết không ngừng gia tăng và diễn biến phức tạp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và thuốc phòng ngừa.
Trong các thập kỷ gần đây, các nhà khoa học trên thế giới đang tập trung tìm kiếm, sàng lọc các hợp chất có tác dụng điều trị bệnh sốt xuất huyết từ thiên nhiên, đặc biệt là từ nguồn thực vật ít gây độc hại, an toàn và tiết kiệm chi phí.
PGS.TS Trần Thị Phương Thảo cho biết, nguồn cây cỏ thực vật nước ta vô cùng phong phú và đã được dân gian sử dụng hiệu quả trong việc điều trị bệnh sốt xuất huyết.
PGS.TS Trần Thị Phương Thảo và cộng sự đã điều tra, đánh giá khả năng kháng virus Dengue của các loài thực vật ở một số tỉnh miền Bắc Việt Nam, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu ứng dụng để điều trị bệnh sốt xuất huyết.
Virus Dengue là virus có màng bao là lipo-protein, bên trong có chứa mã di truyền là chuỗi xoắn RNA đơn mang điện tích dương. Sự xâm nhập của virus Dengue vào tế bào bắt đầu bằng việc liên kết với bề mặt tế bào của vật chủ. Virus Dengue sẽ tự tạo thành một túi nội bào để xâm nhập qua màng tế bào, đánh lừa hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Bằng việc kết hợp kinh nghiệm dân gian và các công trình khoa học đã công bố, nhóm đã tiến hành thu thập, xử lý mẫu và định danh, đưa ra được bộ dữ liệu về đặc điểm thực vật, phân bố và tiêu bản của 14 loài thực vật ở miền Bắc Việt Nam để nghiên cứu đánh giá hoạt tính kháng virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết. Hoạt tính của 19 dịch chiết tổng được tạo bởi các bộ phận khác nhau của 14 loài thực vật cũng đã được nghiên cứu đánh giá trên cả 4 chủng virus Dengue.
Tìm ra 4 loài có hoạt chất kháng virus Dengue tốt nhất
PGS.TS Trần Thị Phương Thảo cho biết, nhóm đã đưa ra kết luận dịch chiết n-hexane của cây đu đủ, dịch chiết ethyl acetate của cây nhót, cây cỏ sữa lá to và cây huyết dụ thể hiện hoạt tính tốt nhất trên các chủng virus Dengue thử nghiệm. Trong 26 chất sạch phân lập được từ 3 loài trên, nhóm đã đánh giá hoạt tính kháng virus Dengue (DENV1-4) của 10 chất.
Kết quả cho thấy, hợp chất N3 phân lập từ cây nhót (2-O-trans-p-coumaroyl alphitolic acid) thể hiện hoạt tính tiềm năng nhất trên các chủng 3 chủng virus Dengue. Nhóm cũng đã nghiên cứu cơ chế tác động lên virus Dengue của 9 hợp chất phân lập được từ loài nhót (Elaeagnus latifolia).
Kết quả, các hợp chất thể hiện tương tác tốt nhất với protein của virus Dengue. Các kết quả tính toán lý thuyết cũng cho thấy sự tương đồng với thực nghiệm.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu của dự án, nhóm đã tổng hợp, xây dựng bộ dữ liệu về đặc điểm thực vật, phân bố, hoạt tính chống sốt xuất huyết và đề xuất việc khai thác, sử dụng hiệu quả bốn loài thực vật nhót (Elaeagnus latifolia), đu đủ (Carica papaya), cỏ sữa lá to (Euphorbia hirta) và huyết dụ (Cordyline fruticosa).
Đối với các loài có hoạt tính tốt như loài nhót (lá), đu đủ (cành và lá) và huyết dụ (cả cây), nhóm nghiên cứu kiến nghị cần quy hoạch các loài này thành các khu vườn dược liệu, vườn sinh thái phù hợp với từng địa phương để phát triển, nhân trồng rộng rãi nhằm sử dụng làm nguồn nguyên liệu điều chế thuốc hỗ trợ, điều trị bệnh sốt xuất huyết. Đây đều là các loài dễ nhân giống bằng chiết cành, ghép cành cho năng suất cao, phù hợp với đất phù sa, độ ẩm cao ở miền Bắc Việt Nam.
Theo PGS.TS Trần Thị Phương Thảo, cần nghiên cứu sâu hơn về quy trình chiết tách quy mô pylot, điều chế các chế phẩm có hoạt tính kháng virus dengue phân lập từ bốn loài thực vật này, tạo cơ sở để ứng dụng trong y dược học nhằm hỗ trợ điều trị bệnh sốt xuất huyết.
Đặc biệt, cần nghiên cứu quy trình chiết tách chế phẩm giàu hợp chất N3 (2-O-trans-p-coumaroyl alphitolic acid) được phân lập từ lá cây nhót. Đây là một hợp chất có hoạt tính chống sốt xuất huyết tốt trên các chủng virus Dengue.