Thực trạng giới trẻ: "Không giờ rồi, anh like cho em đi"

Dũng Phan |

Cách đây không lâu câu chuyện về một cô gái trẻ ở Hà Nội phải vào viện Tâm thần để điều trị vì thường xuyên thức đêm đăng ảnh chờ nút like khiến người ta bàng hoàng, giật mình.

Hồi những năm 90 thế kỷ trước, "ông vua nhạc sến" Vinh Sử có sáng tác một bài hát trữ tình kể câu chuyện về một đôi vợ chồng nghèo, tâm sự với nhau lúc nửa đêm khi cô thấy chồng đang làm việc vất vả. Đấy là bài hát "Không giờ rồi."

"Không giờ rồi anh biết chưa anh?

Sao anh còn thao thức trong đêm"

Và người chồng đáp lại

"Không giờ rồi ta ngủ cho say

Mai đây còn lo kế sinh nhai."

Bài hát được sáng tác cách đây 20 năm, nhưng nếu khẳng định rằng ở Việt Nam không còn những đôi vợ chồng nghèo thao thức nửa đêm, dặn nhau đi ngủ để còn sức sáng mai đi làm, kiếm miếng cơm manh áo thì đó là lạc quan hão. Rất nhiều mảnh đời như câu hát 20 năm trước vẫn hiển hiện ở quanh chúng ta.

Trong những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, hoặc những lần đi chơi về khuya, những người trẻ trong bộ áo quần đẹp đẽ chỉ cần để tâm một chút, nhìn ngang nhìn dọc một chút, sẽ thấy được rất nhiều những phận người lao động đang bươn chải xung quanh bạn. 

Đấy là chú xe ôm đang chờ khách dưới hiên nhà, là cô bán hủ tiếu đang phục vụ khách lúc 2h sáng, là chú bảo vệ trong giấc ngủ chập chờn vì phải lo nhìn cửa hiệu.

Họ là những mảnh đời kiếm sống lúc "Không giờ rồi".

Thực trạng giới trẻ: Không giờ rồi, anh like cho em đi - Ảnh 1.

Trong cuộc sống hiện đại vẫn còn đó những mảnh đời kiếm sống lúc 0 giờ.

Cuộc sống sau 0 giờ của các bạn trẻ

Trong cuộc sống hiện đại bây giờ, người trẻ may mắn sinh ra trong giai đoạn phát triển của đất nước, có điều kiện tiếp xúc với công nghệ thông tin, facebook, và những dịch vụ giải trí về đêm. 

Bởi vậy cuộc sống tinh thần của họ đa dạng hơn và thức khuya hơn. Điều này không ai cấm cản, chẳng có lý do gì cấm một người trẻ tận hưởng cuộc sống của họ chỉ vì có những mảnh đời khác đang bươn chải. 

Nhưng nếu như người trẻ để thời gian đắm mình vào điện thoại, máy tính, sống với những giao tiếp ảo quá nhiều, mà bỏ quên đi thời gian giao tiếp với bên ngoài, thì đấy là có vấn đề.

Bởi vì hãy trả lời xem bạn làm gì lúc 0h? Lướt facebook, đăng ảnh tự sướng, đưa lên những status than vãn?

Sau khi một cô gái đăng ảnh xinh đẹp của mình lên rồi. Cô ngồi đó đếm likes. Rất bất ngờ, khi ở thời gian "cú vọ" ấy, lại có hàng trăm likes đến với cô.

Có nghĩa là sao? Cũng có hàng ngàn người đang đăng status và đếm likes như cô lúc 0h.Cả một xã hội lúc 0h phía sau màn hình nhấp nháy của điện thoại, của facebook. 

Họ quá sướng nếu so với những phận đời khác mưu sinh lúc nửa đêm. Nhưng dùng "cái sướng", "cái may mắn" đó như thế nào cho hợp lý đây?

Thực trạng giới trẻ: Không giờ rồi, anh like cho em đi - Ảnh 2.

Rất nhiều bạn trẻ chỉ chăm chăm đăng status lúc 0 giờ rồi đếm like. (Ảnh minh họa)

Người trẻ có điều kiện, có vật chất, hoặc là sinh viên "tỉ phú thời gian" nhưng ngày qua ngày cứ sống ở thế giới mạng lúc 0h thì đúng hay sai đây?  

Không phải học tập, không phải làm việc thâu đêm, càng không phải đọc những tài liệu tốt để bổ trợ kiến thức và lối sống. Những người trẻ chỉ chăm chăm với việc đếm likes và "biên tút", đã phí phạm tuổi trẻ vào những trạng thái đó rồi.

Những thế giới trắng đêm ở facebook là một thế giới ma mị, đầy quyến rũ nhưng cũng quá nguy hiểm. Người ta rất dễ trầm cảm, và suy nhược khi ngày qua ngày cứ đến "Không giờ rồi, anh like em đi."

Cách đây vài ngày, Bệnh viện Tâm thần Trung ương vừa thông báo đã tiếp nhận bệnh nhân bị tâm thần vì thói quen nghiện facebook. Cô gái 18 tuổi ở Hà Nội thường xuyên thức đêm đăng ảnh để chờ nút "like" trên facebook. 

Cô gái không ăn uống, thức trắng đêm, hay lẩm bẩm một mình, không quan hệ bạn bè. Và cô không phải là người duy nhất phải vào viện để điều trị tâm thần do nghiện internet, facebook…

Thế giới trắng đêm sau màn hình nhấp nháy, những cái bấm chuột và biểu tượng ngón tay trỏ. Đấy là những hình ảnh quen thuộc mà nếu không cẩn thận, nếu không biết sử dụng đúng cái mặt phải của thế giới ảo và facebook, thì chính sự đảo lộn giờ giấc và cái "cắm đầu" vào màn hình sẽ khiến người trẻ trở thành nô lệ của "trí não ảo".

Bạn muốn là người phơi phới trên các cung đường đẹp của đất nước, hay là một con nghiện vật vờ trước màn hình vi tính lúc 0h? Câu trả lời, có lẽ ai cũng có cho mình rồi.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại