Các công ty khai thác vàng gần đây đã ăn mừng khi kim loại quý này đạt được mức giá cao nhất từ trước đến nay. Hiện, họ đang tái đầu tư phần lớn số tiền thu được vào đồng.
Từ miền trung Mexico đến vùng hẻo lánh của Australia, các nhà sản xuất vàng, trong đó dẫn đầu là Newmont và Barrick, đang đặt cược vào đồng thông qua các giao dịch và các khoản đầu tư khác. Các chủ khai thác mỏ vàng hy vọng chúng sẽ mang lại cho họ ảnh hưởng lớn hơn đối với một mặt hàng quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Đồng rất cần thiết để chế tạo xe điện, tua-bin gió và hệ thống năng lượng mặt trời.
Giám đốc điều hành của Barrick là Mark Bristow nói với các nhà đầu tư vào tháng 11 rằng công ty đang đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất đồng lớn bằng cách xây dựng cơ sở sản xuất ở Pakistan và mở rộng mỏ Lumwana ở tỉnh Copperbelt của Zambia. Barrick cho biết dự án ở Pakistan, được gọi là Reko Diq và dự kiến bắt đầu đi vào sản xuất vào năm 2028, sẽ nằm trong số 10 mỏ đồng lớn nhất thế giới.
Newmont có trụ sở tại Colorado đã mở rộng hoạt động kinh doanh đồng của mình bằng cách mua lại Newcrest Mining của Úc với giá khoảng 15 tỷ USD vào tháng 11. Trong khi đó, các công ty khai thác vàng lớn khác bao gồm Evolution Mining và Agnico Eagle Mines của Canada gần đây đã tiến hành những thương vụ lớn liên quan đến các mỏ đồng.
Đồng thường được tìm thấy cùng với vàng. Tuy nhiên, trong nhiều năm, đồng thường bị các nhà khai thác vàng đánh giá thấp. Cổ phiếu vàng trước đây được giao dịch ở mức giá cao hơn đối với các công ty khai thác nhiều loại kim loại.
Điều này đang thay đổi khi các nhà đầu tư thức tỉnh trước cạnh tranh về nguồn cung đồng trong bối cảnh thế giới chuyển sang điện khí hóa và quay lưng dần với nhiên liệu hóa thạch. Nhiều công ty khai thác vàng phải đối mặt với chi phí ngày càng tăng và phản đối của cộng đồng ở nhiều nơi.
Tom Palmer, giám đốc điều hành của Newmont cho biết: “Thế giới sẽ thiếu hụt đồng lớn trong thập kỷ tới.
Theo một số ước tính, nhu cầu về đồng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Xe điện có thể sử dụng đồng nhiều gấp bốn lần so với ô tô chạy bằng xăng. Sản xuất điện gió và mặt trời cũng có thể cần nhiều đồng hơn so với sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch, tính trên mỗi megawatt.
Tuy nhiên, có thể phải mất nhiều năm thì các công ty khai thác mỏ mới có thể gặt hái thành quả từ việc đặt cược vào đồng. Giá đồng đã giảm hơn 20% kể từ khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng 3/2022. Giá một số mặt hàng khác vốn cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng cũng sụt giảm nhiều hơn.
Giá đồng yếu phản ánh tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện ở Mỹ đang chững lại và những lo ngại về triển vọng của nền kinh tế Mỹ. Một số công ty ô tô đang trì hoãn kế hoạch chi tiêu cho xe điện, dẫn đến có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đồng trong tương lai.
Đồng được nhiều người coi là thước đo sức khỏe của nền kinh tế. Mặt khác, vàng thường tăng giá khi triển vọng kinh tế u ám và các nhà đầu tư muốn phòng ngừa lạm phát cũng như các rủi ro tài chính khác.
Beyer của Regis Resources cho biết vàng vẫn là lý do tồn tại của công ty và ông không chịu áp lực đầu tư vào đồng từ các cổ đông.
Tuy nhiên, Beyer không bỏ qua tiềm năng từ đồng. Ông nói: “Mọi người tỏ ra hứng thú với năng lượng tái tạo và những câu chuyện xung quanh – như người ta gọi ngày nay – là những kim loại hướng tới tương lai”.
Niềm khao khát đồng của các công ty khai thác vàng làm gia tăng cạnh tranh đối với các mỏ đã biết. Một số công ty khai thác, bao gồm BHP Group và Rio Tinto, coi đồng là ưu tiên vì vai trò của nó trong quá trình chuyển đổi năng lượng.