Thức thời mùa Tết: Giáo viên Tiếng Anh trổ tài viết thư pháp lên trái cây và vật phẩm trưng bày ngày Tết mang về "bài toán thu nhập" cực thú vị

BÍCH LOAN; ẢNH: MỸ HÂN |

Mùa Tết gọi vui là mùa khởi nghiệp khi hàng chục nghề mới ra đời, hàng trăm 'nhà kinh doanh' xuất hiện.

Mùa Tết Âm lịch luôn là mùa bội thu, vì kì nghỉ này chỉ 5-7 ngày nhưng người Việt đều tập trung sức lực cho nó cả một tháng. Nếu biết nắm bắt thời cơ, bất cứ ai cũng trở thành "nhà cung ứng" tốt các nhu cầu mua sắm, ăn uống, làm đẹp, sửa chữa tân trang của số đông thì sẽ kiếm được một khoản kha khá bỏ túi.

Đây cũng là thời điểm náo nhiệt khi nhiều người tham gia hưởng ứng phong trào "nghề thời vụ" này, trổ tài khéo tay hay làm tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ trang trí, trưng Tết gắn nhãn "handmade".

Chị Thu Nga - Giáo viên dạy tiếng Anh ở Cần Thơ hiểu được nhu cầu thích chữ, trưng bày trái cây đẹp trong phong tục Tết cổ truyền nên những ngày cuối năm, vừa dạy học chị vừa nhận trang trí và viết chữ thư pháp lên trái cây, lon nước ngọt, bao lì xì... để thỏa đam mê. Chị thu hút khá nhiều khách hàng với những sản phẩm tài hoa của mình.

Thức thời mùa Tết: Giáo viên Tiếng Anh trổ tài viết thư pháp lên trái cây và vật phẩm trưng bày ngày Tết mang về bài toán thu nhập cực thú vị - Ảnh 1.

GỌI LÀ VIỆC PHỤ NHƯNG NGỐN THỜI GIAN, CÔNG SỨC KHÔNG THUA NGHỀ CHÍNH

Nhìn những sản phẩm được vẽ chi tiết từ chữ thư pháp kim tuyến, trang trí cành hoa mai, ông Phúc - Lộc - Thọ... hiểu là phải kì công lắm, nhưng khó có ai tưởng tượng ra đằng sau còn mất thời gian và công sức đến cỡ nào!

"Quá trình để hoàn thiện mỗi sản phẩm mất rất nhiều thời gian, nhìn hình vẽ vậy thôi chứ trước đó cần có nhiều công đoạn lắm. Ví dụ trái dừa thì phải rửa thật sạch bề mặt rồi lau khô, sau đó xịt sơn trắng phủ hết trái dừa cho đều rồi đợi khô, tiếp theo lại xịt thêm lớp sơn vàng đợi khô, cuối cùng thì mới vẽ, trang trí, thêm kim tuyến... Nếu hôm nào nắng đẹp thì một ngày mình có thể hoàn thành xong khoảng 2-3 trái dừa chứ không hơn được.

Dù mình tranh thủ thời gian làm cả giờ nghỉ trưa và buổi tối, nhưng mỗi đơn thì phải 2-3 ngày mới trả được. Thông thường trưa mình đi làm về khoảng 11h sẽ bắt đầu xịt lớp phủ rồi phơi khô, trước khi đi dạy cả chiều sẽ xịt phủ lớp tiếp theo rồi phơi. Chiều tối về là bắt tay vào vẽ, bày ra cặm cụi làm đến 1-2h sáng mới nghỉ tay được. Đấy là chưa kể những hôm trời mưa tiến độ sẽ còn chậm hơn..."

Bỏ ra khoảng hơn 8 tiếng đồng hồ một ngày nhưng chỉ hoàn thành được 2-3 trái dừa, dù vẽ lon nước ngọt và bao lì xì thì sẽ nhanh hơn, nhưng tính ra lượng thời gian và công sức bỏ ra cho nghề kiếm thêm này có vẻ "đầu tư" hơn cả nghề chính.

Thức thời mùa Tết: Giáo viên Tiếng Anh trổ tài viết thư pháp lên trái cây và vật phẩm trưng bày ngày Tết mang về bài toán thu nhập cực thú vị - Ảnh 3.

Rắc rối nằm ở chỗ là mình phải vẽ theo ý khách, chẳng hạn năm nay là năm Quý Mão nên có khách sẽ yêu cầu vẽ con mèo, hoặc có khách muốn mình vẽ con công trên trái dừa. Nhưng không phải mình cứ vẽ lên trên bề mặt là được mà mình phải tính toán làm sao khi vẽ thì hình vẽ phải kết hợp được với chữ thư pháp, ví dụ con công thì dáng con công sẽ nâng chữ thư pháp lên, bố cục trang trí xung quanh phải phù hợp, hài hòa. Có một khách muốn trưng trái cây vào ngày vía Thần Tài nên muốn mình vẽ Thần Tài, mà vẽ Thần Tài trên trái dừa sẽ khác phối màu trên tờ giấy trắng, mình vẽ trên nền vàng nên phải điều chỉnh, thay đổi màu sao cho không trùng với màu nền, làm cho nổi bật hình... mọi thứ rất phức tạp."

Nhìn có lẽ công đoạn vẽ hình, viết chữ sẽ là khó nhất, ngốn thời gian nhiều nhất nhưng thực chất chị Thu Nga cho biết: "Công đoạn khó nhất là sơn phủ. Sơn phủ rất quan trọng, xịt gần sẽ bị vón cục mà xịt xa sẽ không đều, mình phải sơn 2 -3 lớp, làm sao xịt cho toàn bộ trái dừa đều màu, tươi để khi vẽ mới dễ, mới đẹp."

Thức thời mùa Tết: Giáo viên Tiếng Anh trổ tài viết thư pháp lên trái cây và vật phẩm trưng bày ngày Tết mang về bài toán thu nhập cực thú vị - Ảnh 5.

NHẬN ĐƠN HÀNG KHÔNG CÂN NHẮC VỐN VÀ LÃI

Theo chị Thu Nga chia sẻ, mỗi ngày nhận có khi 5-6 đơn, có ngày chỉ 1-2 đơn vì không có thời gian nên không dám nhận nhiều. Giá mỗi thành phẩm nghe cũng hấp dẫn khi trái dừa khoảng 200.000đ - 250.000đ/trái, bưởi khách sẽ mang đến và thù lao vẽ lên trái bưởi khoảng 70.000đ - 100.000đ/trái, lon nước ngọt 50.000đ... Vậy ra tính từ lúc nhận các đơn vẽ bưởi, dừa, lon nước ngọt và bao lì xì đến nay khoảng chừng nửa tháng, doanh thu "nghề vẽ" của chị đã dao động hơn chục triệu.

Thức thời mùa Tết: Giáo viên Tiếng Anh trổ tài viết thư pháp lên trái cây và vật phẩm trưng bày ngày Tết mang về bài toán thu nhập cực thú vị - Ảnh 6.
Thức thời mùa Tết: Giáo viên Tiếng Anh trổ tài viết thư pháp lên trái cây và vật phẩm trưng bày ngày Tết mang về bài toán thu nhập cực thú vị - Ảnh 7.

Nhưng đây chưa phải là con số thù lao thực sự mà chị Thu Nga nhận được: "Mình đầu tư sơn Thái chứ không phải sơn Việt Nam, nên mỗi chai 80.000đ, mà phải 2 trái mới xịt đủ một trái dừa, tính ra không không lãi được nhiều. Chưa kể thành phẩm mình bán ra còn kèm đế trưng dừa, nơ, giấy gói... Và dừa mình cũng không nhập sỉ mà mua lẻ, vì không ước lượng được số lượng đơn hàng và thời gian mình có thể làm được bao nhiêu, nên nếu mua sỉ về ngộ nhỡ mình phải ôm hết thì ăn không xuể (chị cười)."

Khoản thu nhập của chị ngoài "lấy công làm lời" còn đến từ uy tín riêng của cá nhân. "Thông thường mình nhận đơn cho khách quen, đồng nghiệp, bạn bè, phụ huynh của học sinh... nên mọi người cũng hiểu được sự đầu tư của mình trong từng sản phẩm. Mọi người sẽ không căn cứ giá thành mà muốn gửi bao nhiêu thì gửi, nên thù lao cũng thoáng hơn."

Thức thời mùa Tết: Giáo viên Tiếng Anh trổ tài viết thư pháp lên trái cây và vật phẩm trưng bày ngày Tết mang về bài toán thu nhập cực thú vị - Ảnh 9.

VẼ CHỮ "KIẾM THÊM" THỰC CHẤT LÀ KIẾM NIỀM VUI

Nói là nhận làm thêm ngày Tết, nhưng chị Thu Nga tâm sự rằng mình không quá quan tâm thu nhập nhiều hay ít, chủ yếu chị nhận các đơn hàng này trong ngày Tết, là nắm bắt cơ hội để thỏa đam mê.

"Mình học viết chữ thư pháp nên mình muốn ứng dụng nét chữ thư pháp vào đời sống hàng ngày, để mình có thể nhắc nhở mọi người ôn lại truyền thống, viết vài chữ thư pháp để ghi lại dấu ấn Tết ngày xưa, còn là rèn luyện cho mình tính kiên trì.

Khi nhìn những thành phẩm của mình được mọi người sử dụng để trưng vào dịp lễ lớn như Tết - lễ cần đầu tư chỉn chu thì mình cảm thấy rất vui và cũng có chút tự hào. Vì vậy khi làm mình cũng phải tỉ mẩn, bỏ công bỏ sức, quan trọng kết quả hơn cả thu nhập để giữ uy tín của bản thân vì mình là một nhà giáo."

Thức thời mùa Tết: Giáo viên Tiếng Anh trổ tài viết thư pháp lên trái cây và vật phẩm trưng bày ngày Tết mang về bài toán thu nhập cực thú vị - Ảnh 10.

Tết cổ truyền của Việt Nam mang nhiều giá trị. Ngoài là cơ hội đoàn viên, thời điểm "chạy nước rút" kiếm thêm thu nhập, "đòn bẩy" để mỗi người bắt đầu lại vào năm mới... còn là thời điểm phát huy văn hoá truyền thống. Mà mỗi người, có thể là kinh doanh các sản phẩm trưng bàn thờ Tết, có thể là tập gói và bán bánh chưng bánh tét, có thể là cho chữ thư pháp lên trái cây... bằng cách này hay cách khác, vô tình hay cố ý, đều đang gắng giữ gìn.

Muốn kinh doanh vật phẩm trưng trang trí thì cần những điều gì?

- Những người phù hợp với công việc này: Chị em nội trợ, dân văn phòng khéo tay, có thời gian và sự kiên nhẫn.

- Cách thức làm: Đòi hỏi độ khó cao, khéo tay, có tính thẩm mỹ.

- Cách bán: Bán online hoặc bày bán tại các vỉa hè, con phố thường bán cây hoa, các vật phẩm trưng bày Tết.

- Vốn bỏ ra: Nếu chỉ nhận viết thuê thì vốn cần có dao động khoảng 1 - 2 triệu đồng tiền bút vẽ và mực. Nhưng nếu vừa kết hợp viết chữ và bán kèm các loại quả, giỏ quà thì cần chi phí cao hơn tuỳ mặt hàng bạn chọn.

- Nhu cầu: Là sản phẩm bán chạy vào các dịp Tết. Có thể linh hoạt thay đổi hình vẽ trang trí để phù hợp cho các ngày lễ khác trong năm sau Tết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại