Thực tế phũ phàng về cuộc chiến chống Covid-19 từ ổ dịch ở Bắc Kinh

Kiều Anh |

Sự bùng phát dịch bệnh ở Bắc Kinh (Trung Quốc) là lời nhắc nhở phũ phàng nhưng thực tế với thế giới rằng: Covid-19 còn lâu mới trôi qua.

Cuộc sống bình thường từng quay trở lại ở nhiều nơi giống Bắc Kinh

Các nhà hàng mở cửa đón khách, người lao động quay lại làm việc, học sinh được phép đến trường. Đại dịch dường như là điều gì đó đang xảy ra với phần còn lại của thế giới chứ không phải Trung Quốc.

Tuy nhiên, ngày 11/6, Bắc Kinh thông báo ca mắc Covid-19 nội địa đầu tiên sau 55 ngày không có ca mắc mới. Bệnh nhân là một người đàn ông 52 tuổi họ Tang. Ông Tang thông tin với các nhà chức trách rằng ông không rời thành phố trong hơn 2 tuần và không tiếp xúc với bất kỳ ai bên ngoài thành phố.

Ngay sau đó, các nhà chức trách phát hiện thêm nhiều ca mắc Covid-19 mới, hầu hết đều có liên quan đến một khu chợ ở đông nam Bắc Kinh. Ngày 13/6, Bắc Kinh tái áp đặt các biện pháp "thời chiến" nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn làn sóng Covid-19 thứ 2 bùng phát, đồng thời gọi tình trạng hiện nay giống như là hiện tượng deja vu (đã từng xảy ra - ND).

"2 tháng nới lỏng hạn chế và cuộc sống có cảm giác đang quay trở lại bình thường thì đột nhiên chúng tôi quay lại tình trạng giống như hồi tháng 2", Nelson Quan, một người sống tại quận Yuquan nhận định với Al Jazeera.

Mặc dù số ca mắc Covid-19 hiện nay ở Bắc Kinh vẫn ít so với thành phố 22 triệu dân nhưng các nhà chức trách đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp quyết liệt nhất: 1.200 chuyến bay ra và vào 2 sân bay của Bắc Kinh bị hủy bỏ hôm 17/6; các trường học đóng cửa chỉ 1 tháng sau khi mở lại. Kể từ khi ca mắc Covid-19 của ông Tang được công bố, thành phố Bắc Kinh đã xét nghiệm cho hơn 3,5 triệu người.

Trong một vài tuần trước khi dịch bệnh ở Bắc Kinh bùng phát, các nhà chức trách Trung Quốc đã tự hào khẳng định về thành công trong cuộc chiến chống Covid-19 và cho rằng nước này có thể là hình mẫu cho các quốc gia khác noi theo. Tuy nhiên, các ca mắc mới cho thấy hình mẫu này dường như mong manh hơn nhiều so với những nhận định trên.

Các ca mắc mới ở Bắc Kinh cũng làm dấy lên một số câu hỏi đáng lo ngại, không chỉ về việc virus đã xuất hiện ở chợ Tân Phát Địa như thế nào mà còn là việc liệu các loài vật nuôi, thậm chí cá có mang virus hay không. Các nhà chức trách Trung Quốc nhận định, virus SARS-CoV-2 có thể đã xuất hiện ở khu chợ này từ tháng 4.

Rõ ràng một thực tế ảm đạm đang hiện rõ trước mắt chúng ta, đó là đại dịch còn lâu mới trôi qua.

Làn sóng thứ nhất chưa qua, làn sóng thứ hai đã tới

Bắc Kinh đang chiến đấu trước làn sóng Covid-19 lần thứ hai nhưng có những quốc gia thậm chí còn chưa vượt qua làn sóng dịch bệnh lần thứ nhất. Trong khi Trung Quốc đang áp dụng trở lại các biện pháp "thời chiến" để chống lại virus thì một số quốc gia lại đang dỡ bỏ các biện pháp hạn chế để mở cửa trở lại. Đứng trước những điều không chắc chắn cùng với sự mệt mỏi và tổn thất về kinh tế, những quốc gia này đã lựa chọn đầu hàng thay vì hy sinh.

Tại Mỹ, Phó Tổng thống Mike Pence viết trong bài bình luận trên trang Wall Street Journal trong tuần này rằng truyền thông đã có các nhận định sai lầm bởi nước Mỹ không đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 2 và quốc gia này đã "chiến thắng trong cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình".

Rất nhiều chuyên gia, trong đó có Tiến sĩ Anthony S. Fauci - chuyên gia dịch tễ học hàng đầu nước Mỹ có quan điểm trái ngược với nhận định trên.

"Tôi không muốn nói về làn sóng thứ 2 ngay lúc này bởi chúng ta vẫn chưa bước ra khỏi làn sóng dịch bệnh đầu tiên".

Giữa bối cảnh các doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ mở cửa trở lại, nhiều bang đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 mới tăng vọt, trong khi ở Bắc Kinh, mỗi ngày các nhà chức trách lại phát hiện thêm các trường hợp mới.

Số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu vẫn tăng lên từng ngày. Mỹ vẫn là điểm nóng số một và theo sau nước này là những nước lớn như Nga và Ấn Độ. Tại Brazil, quốc gia có số ca mắc trong ngày thường ở mức cao nhất thế giới từ cuối tháng 5, Tổng thống Jair Bolsonaro và các quan chức khác đã phớt lờ các cảnh báo phong tỏa.

Một số quốc gia ban đầu tự tin vì đã khống chế hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh cũng bắt đầu theo dõi liệu vận may có đến với họ hay không. Thậm chí ngay cả khi Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sissi ca ngợi thành công của nước này trong cuộc chiến chống Covid-19 thì các bác sĩ đã cảnh báo rằng bất kỳ sự gia tăng các ca mắc nào đều có thể khiến hệ thống nước này bị quá tải.

"Thậm chí sức ép nhỏ nhất cũng có thể khiến hệ thống y tế Ai Cập sụp đổ", một bác sĩ tại một trong những bệnh viện ở thủ đô Cairo nhận định.

Khi virus quay lại, cuộc sống không còn "bình thường"

Tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 cũng như những điều chúng ta chưa biết về chủng virus này đồng nghĩa với việc sự thận trọng luôn là ưu tiên.

Những dấu hiệu lo ngại đang ngày càng gia tăng ở một số quốc gia. Singapore và Hàn Quốc, cả hai đều từng xử lý tốt làn sóng dịch bệnh đầu tiên, đang ngày càng lo ngại sự bùng phát dịch Covid-19 có thể khiến các nước này phải tái áp đặt một số biện pháp phong tỏa.

New Zealand, quốc gia vừa công bố không còn ca mắc Covid-19 nào ngày 6/8 thì một vài ngày sau đó lại chứng kiến virus SARS-CoV-2 quay trở lại từ những người ở Anh trở về.

Một số nhà chức trách công khai thừa nhận rằng chúng ta sẽ chơi trò "mèo vờn chuột" với đại dịch Covid-19 trong một vài tháng, nếu không muốn nói là một vài năm.

"Cá nhân tôi tin rằng qua năm tới hoặc một vài năm nữa, virus này sẽ bám rễ vào xã hội của chúng ta", Hitoshi Oshitani, một nhà virus học Nhật Bản và là cố vấn chính phủ cho biết, đồng thời nhận định rằng ông nghi ngờ về khả năng sẽ có một loại vaccine hiệu quả, cũng như chiến lược chờ đợi miễn dịch cộng đồng là hoàn toàn "vô nghĩa".

Bất kỳ sự bùng phát mới nào, đặc biệt là sự bùng phát không xác định được nguồn lây nhiễm đều là điều đáng lo ngại ở Trung Quốc.

Trên thực tế, ca mắc Covid-19 tại chợ Tân Phát Địa được phát hiện không phải qua sự giám sát của chính phủ mà là sự thận trọng của người dân. Bệnh nhân Tang chỉ có các triệu chứng nhẹ nhưng ông đã chủ động tới một trung tâm xét nghiệm để xác định mình có mắc Covid-19 hay không. Ông dường như hiểu rằng vào thời điểm này, chúng ta chưa thể quay trở lại cuộc sống bình thường./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại