Cũng như bất cứ gia đình nào trên dải đất hình chữ S này, dịch bệnh Covid-19 đã gây một sự xáo trộn và ảnh hưởng sâu sắc đến gia đình chúng tôi.
Gia đình chúng tôi có rất nhiều anh chị em làm trong rất nhiều ngành nghề khác nhau, có cả chủ doanh nghiệp, nhân viên văn phòng và có cả người lao động tự do.
Đứng trước dịch bệnh làm mỗi con người phải đối phó theo cách khác nhau nhưng không ai khoanh tay đứng chờ.
Nhân viên tốt cũng có thể bị sa thải và câu hỏi: "Làm gì để thoát khủng hoảng?"
Anh họ tôi là một nhân viên mẫn cán làm việc tại một công ty vốn nước ngoài, anh phụ trách bộ phận thu gom các mẫu hàng từ các nhà cung cấp.
Khi dịch bệnh xảy ra, đại bản doanh của hãng tại nước ngoài tuyên bố tinh giản biên chế và cắt giảm 30 % số việc làm của công ty trên toàn thế giới. Và anh tôi là một trong những người bị cắt giảm mặc dù anh đã có kinh nghiệm làm việc khá lâu.
Việc sống qua ngày đối với anh không phải là một vấn đề, thậm chí anh không làm việc cả năm thì phần tiền dự trữ cũng giúp anh đủ sống. Nhưng anh rất băn khoăn tại sao mình lại là người bị cắt giảm.
Tại sao mình lại là người bị cắt giảm? Ảnh: Internet
Trong cuộc phỏng vấn mới đây, một nữ giám đốc điều hành của một công ty trong ngành tổ chức sự kiện và du lịch nói rằng thời điểm dịch bệnh diễn ra cũng là thời điểm rất tốt cho những công ty như công ty của chị cơ cấu lại bộ máy, tinh giản biên chế, loại bỏ những bộ phận hoặc những nhân viên làm việc không hiệu quả.
Nhưng ngay cả khi bạn là một người có kĩ năng, làm việc có hiệu quả mà công ty của bạn nằm trong số những công ty bị đóng cửa vì dịch bệnh thì bạn cũng sẽ bị mất việc làm.
Sẽ có những sự dịch chuyển của các ngành nghề và các doanh nghiệp. Đó là do sự dịch chuyển của nhu cầu và việc hình thành thói quen mới của người tiêu dùng do dịch bệnh.
Theo các chuyên gia, dịch bệnh sẽ có ảnh hưởng lớn nhất đến năm ngành bao gồm du lịch, khách sạn/ lưu trú, giao thông vận tải, hàng không, dịch vụ ăn uống và bán lẻ.
Rất nhiều các doanh nghiệp trong các ngành nghề nói trên sẽ bị phá sản, số còn lại sẽ tự cơ cấu lại để hoạt động hiệu quả hơn. Vì thế số lao động trong các ngành nghề trên sẽ phải chuyển đổi sang các ngành nghề khác.
Rất nhiều lao động có tay nghề thấp như nhân viên khách sạn mini, nhân viên phục vụ quán ăn, phục vụ nơi lưu trú, các nhân viên của các cửa hàng mặt phố sẽ mất việc làm.
Ngay cả những nhân sự có chất lượng tốt, được đào tạo bài bản của ngành du lịch khách sạn, bán lẻ cũng có nguy cơ mất việc. Vậy họ phải làm gì?
Ảnh: Internet
Cậu em tôi là người cung cấp dịch vụ lưu trú cho khách du lịch trên tàu trên vịnh Hạ Long, khi dịch bệnh xảy ra khách du lịch nước ngoài hoàn toàn không còn nữa, khách du lịch trong nước cũng không có.
Cậu liền quyết định trả lại tàu cho chủ theo điều khoản bất khả kháng, cho nhân viên nghỉ việc hưởng 50% lương, còn bản thân cậu thì nghiên cứu chuyển sang bán mỹ phẩm dưỡng da có nguồn gốc thiên nhiên được cung cấp từ Việt Nam.
Nếu công việc kinh doanh mỹ phẩm có triển vọng có thể cậu sẽ chuyển toàn bộ số nhân viên ít ỏi của mình sang lĩnh vực này.
Cô em út trong gia đình chú tôi vốn là một nhân viên bán hàng thời trang cho một cửa hàng trên phố trung tâm Hà Nội, giờ đây cửa hàng đóng cửa, không có việc làm em lập tức đăng ký học một lớp tiếng Anh online để tăng cường thêm vốn tiếng Anh.
Cùng lúc đó em cũng đăng ký học một lớp quản trị sản xuất hàng thời trang, xác định lại một cách nghiêm túc ngành nghề mà mình theo đuổi, ngành thời trang, để khi dịch bệnh lắng xuống là lúc em có đầy đủ hành trang, kiến thức, để bước vào một chặng đường mới.
Còn ông anh họ của tôi, sau một hồi bất mãn với bản thân và xã hội thì cũng đã tìm được ra con đường của mình.
Anh đã đi nói chuyện với tất cả những nhà cung cấp cũ, những người anh đã quen và làm việc với họ trong suốt những năm qua với dự định sẽ xây dựng một công ty nho nhỏ chuyên cung cấp các mặt hàng quà tặng từ hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam.
Trước mắt anh sẽ cung cấp cho thị trường nội địa, anh cũng có ý định kết nối với những người bạn khác ở nước ngoài để xuất khẩu sau này.
Kịch bản sống sót của em họ, chị dâu
Cậu em họ tôi làm việc cho một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm dệt may xuất khẩu đi châu Âu. Dịch bệnh xảy ra, vật liệu từ Trung Quốc bị đứt mạch cung cấp, khách hàng của công ty tại châu Âu bị ảnh hưởng không thể tiếp tục hợp đồng, nhà máy tạm đóng cửa, vậy là cậu chính thức thất nghiệp.
Đứng trước một đống hoá đơn tiền nhà, tiền nước, tiền điện và các sinh hoạt phí khác trong khi việc làm không còn, đầu óc cậu choáng váng choáng váng.
Nhưng sau một hồi suy nghĩ, định thần lại cậu quyết định mình phải chuyển đổi nếu không muốn phải ngửa tay xin tiền viện trợ từ gia đình hoặc là về quê cho bố mẹ nuôi. Cậu cũng đã nghĩ đến việc đăng ký làm shipper cho một hãng vận chuyển.
Nhưng qua tìm hiểu cậu biết được gần chỗ cậu ở có một trang trại trồng rau, vậy là đeo khẩu trang đến nơi xin việc. May mắn cậu được nhận vào làm.
Việc của của cậu là dậy từ tờ mờ sáng, đóng gói rau củ đã thu hoạch và để sẵn trong lán, chuyển đến các cửa hàng bán lẻ, chỉ cần để trước cửa, không tiếp xúc. Khó khăn duy nhất với cậu là dậy quá sớm nhưng do trước đây luôn dậy sớm tập chạy nên cũng quen dần. Thu nhập cũng tốt làm các áp lực của cuộc sống giảm hẳn.
Ảnh: Internet
Chị dâu tôi vốn làm việc cho một quán ăn ở một trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội. Khi cửa hàng khó khăn buộc phải đóng cửa, chị quay trở về nhà. Tưởng như mọi sự đã sụp đổ, không thu nhập, không lối thoát, nhưng chị chợt nghĩ tại sao mình không thử làm những gì mình đã từng làm trước đây.
Nghĩ là làm, chị tự mở một bếp ăn nho nhỏ tại nhà mang tên Bếp bà Xuân, phục vụ cho hàng xóm và những người quen biết thông qua mạng xã hội. Chị không làm những món ăn quá đặc biệt nhưng làm món nào là phải ngon và tinh tế món ấy, từ việc tuyển chọn nguyên vật liệu đến phương pháp nấu chậm để giữ đủ hương vị và các loại acid amin.
Những món nổi tiếng nhất của chị được mọi người mến mộ là món ruốc nấm, nem hải sản, patê và nhiều món hầm... Các món ăn thường làm đến đâu là hết đến đấy. Chỉ thời gian ngắn trong thời kỳ dịch bệnh, bếp của chị đã trở thành nơi thân thuộc của rất nhiều bà nội trợ.
Khi dịch bệnh xảy ra, thị trường không mất đi, nó vẫn còn đó. Có thể những nhu cầu xa xỉ sẽ giảm bớt, những nhu cầu thiết yếu sẽ lên ngôi, nhưng thị trường sẽ chuyển đổi sang hình thái mới, chỉ có cái là ta đáp ứng nó bằng cách nào mà thôi.
Vấn đề căng thẳng nhất và kịch bản sống sót
Tôi làm việc tại một công ty phân phối mỹ phẩm, ngay từ khi dịch bệnh mới xảy ra, công ty tôi đã phải lên các kịch bản khác nhau cho việc duy trì kinh doanh liên tục, trợ giúp nhân viên và giữ vững mối liên hệ với khách hàng và nhà cung cấp.
Hiện tại chúng tôi có hai kịch bản. Kịch bản thứ nhất là dịch bệnh có thể kết thúc vào mùa hè do virus là cúm theo mùa, kinh tế sẽ chậm lại.
Kịch bản thứ hai là dịch bệnh sẽ được hạn chế nhưng vẫn tồn tại đến tận khi có vắc-xin, kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào khủng hoảng.
Mỗi một kịch bản đều có kế hoạch hành động bao gồm:
Kế hoạch kinh doanh liên tục, bám sát thị trường, có những chính sách kịp thời theo mỗi giai đoạn và tình hình, giữ doanh số.
Kế hoạch tài chính, tiết giảm chi phí, duy trì doanh thu, duy trì luồng tiền mặt, dự trữ tiền mặt từ 3 đến 6 tháng, giãn thời gian thực hiện các nghĩa vụ tài chính và chủ động vốn vay với ngân hàng.
Kế hoạch nhân sự, ai làm việc tại công ty, ai làm việc từ xa, trong kịch bản khủng hoảng thì duy trì bộ phận nào, tiết giảm bộ phận nào.
Khi phải bàn đến kế hoạch cắt giảm nhân sự nếu dịch bệnh kéo dài cả năm, mọi người đều rất căng thẳng.
Thực sự là rất khó để cắt giảm bất kỳ một ai hoặc một bộ phận nào đó trong công ty vì công ty chúng tôi được thiết kế và vận hành theo nguyên tắc tối giản, mỗi con người mỗi bộ phận đều rất cần thiết cho việc vận hành chung.
Thêm nữa mỗi con người trong công ty đều như anh em trong nhà đối với chúng tôi, chúng tôi đã cùng nhau trải qua bao khó khăn, thăng trầm thì không có lý gì để chia tay những lúc như thế này.
Và dường như anh em cũng rất hiểu điều đó, mọi người đều rất chịu khó bám sát thị trường bám sát công việc.
Nhưng nếu tình hình quá tệ, chúng tôi sẽ mang việc này ra bàn công khai để lấy ý kiến tất cả anh em, chắc chắn là có lối thoát.
Các kế hoạch khác cũng được tính toán chi tiết. Kế hoạch phục vụ và kết nối khách hàng, duy trì các kênh liên lạc với khách hàng, giúp đỡ các nhà bán lẻ của công ty có chương trình khuyến mại tốt, vận chuyển miễn phí đến người tiêu dùng.
Kế hoạch nhập và trữ hàng hoá khi đối tác phía nước ngoài cũng bị khủng hoảng. Và cuối cùng là kế hoạch thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng bao gồm các chương trình hỗ trợ thiết thực cho cộng đồng.
Tất cả các kịch bản và kế hoạch trên nhằm để chuẩn bị sẵn tinh thần và nguồn lực đi qua cơn khủng hoảng, nhưng điều quan trọng là đảm bảo một xuất phát điểm cao và sự sẵn sàng của doanh nghiệp khi khủng hoảng đi qua.
Dịch bệnh hay khủng hoảng chính là lúc người lao động có cơ hội để nhìn lại việc lựa chọn ngành nghề của mình một cách kỹ lưỡng hơn, cho họ có thời gian để bổ túc nâng cao trình độ và kiến thức.
Đó cũng là thời gian giúp họ nhìn nhận lại toàn bộ công việc mình đã làm trước đây để có sự đánh giá tổng thể và giúp mình định hướng được trên con đường sắp tới.
Khủng hoảng mang tới sự đổ vỡ, những khó khăn nhưng cũng mang tới những cơ hội miễn là chúng ta nhìn ra nó, có kế hoạch cụ thể để đối phó, đi xuyên qua những khó khăn và chuẩn bị cho việc cất cánh ngay sau khi khủng hoảng kết thúc.
Cũng vì thế mà người ta nói khủng hoảng chính là khoảng lặng để cho những người biết nắm lấy những cơ hội rẽ sang một con đường hoàn toàn mới khi thị trường mới đã được định hình và những nhu cầu mới đang phát sinh.