Thực phẩm Việt bị đại gia thâu tóm?

Tú Uyên |

Đại gia Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật đang xem thị trường thực phẩm với gạo, thịt, cá, rau… Việt Nam là mảnh đất màu mỡ.

Tập đoàn CJ Cheil Jedang (viết tắt là CJ) của Hàn Quốc vừa chính thức nắm gần 50% cổ phần của Công ty Chế biến hàng xuất nhập khẩu Cầu Tre.

Trước đó Tập đoàn thực phẩm Daesang Corp của Hàn Quốc cũng rót 33 triệu USD để mua lại 13 triệu cổ phiếu của Công ty Thực phẩm Đức Việt.

Một số tập đoàn Nhật Bản cũng đã đầu tư “khủng” để sản xuất thực phẩm tại Việt Nam. Đặc biệt Tập đoàn C.P của Thái Lan đang gia tăng với tốc độ cực nhanh trong lĩnh vực này.

Đầu tư đón đầu

Lý giải về việc chọn Cầu Tre để rót vốn, ông Roh Woong Ho, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á của CJ, nói thu nhập bình quân của người Việt Nam đang gia tăng. Mặt khác, an toàn thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày được người Việt rất quan tâm.

“Chúng tôi muốn 10 năm hay 20 năm nữa khi thế hệ trẻ trưởng thành, thấy thương hiệu của chúng tôi thì họ sẽ nhận biết đó là thực phẩm an toàn.

Đây cũng là lý do vì sao chúng tôi đầu tư đến 500 triệu USD để thâm nhập thị trường thực phẩm Việt Nam. Khoản đầu tư này không chỉ cho hiện tại mà còn đón đầu cả tương lai” - ông Ho chia sẻ.

Bình luận về thương vụ hoành tráng trên, Tổng Giám đốc Công ty Saigon Food Lê Thị Thanh Lâm phân tích kinh tế khó khăn nhưng ngành thực phẩm luôn phát triển khá mạnh - hiện nay tốc độ tăng trưởng ngành thực phẩm chế biến lên tới 10%-15% năm.

Hơn nữa, Việt Nam với dân số hơn 90 triệu người, lại có tiếng tốt trên thế giới về ẩm thực truyền thống ngon và tốt cho sức khỏe. Đây là cơ hội tốt cho việc kinh doanh.

Thực phẩm Việt bị đại gia thâu tóm? - Ảnh 1.

Người dân chọn mua thực phẩm sạch tại hệ thống siêu thị Co.op mart Lý Thường Kiệt, quận.10, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Một số ý kiến cho rằng số đông các công ty Việt nhượng cổ phần cho đại gia nước ngoài là do suy yếu và bế tắc trong kinh doanh. Song ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, có cái nhìn khác.

Ông Mười lập luận: “Việc các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (DN) Việt là rất bình thường. Điều này không thể hiện DN Việt yếu đi.

Đơn giản là khi còn yếu về tài chính, quản trị, nhân lực… thì việc tìm kiếm đối tác ngoại để bổ sung cho những khiếm khuyết của mình nhằm tăng thêm sức mạnh là cần thiết”.

Trong khi đó, bà Lê Thị Thanh Lâm nhìn nhận vấn đề là các công ty Việt chưa nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường để đáp ứng; hoặc có đơn vị hiểu thị hiếu của người dùng nhưng lại chưa mạnh dạn đầu tư, đầu tư chưa tới vì thiếu nguồn lực.

Đây chính là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào chiếm lĩnh thị trường.

Đừng ngồi một chỗ than thở

Trước làn sóng đầu tư vào thực phẩm của các đại gia ngoại, người tiêu dùng Việt sẽ có thêm nhiều lựa chọn.

Đặc biệt là các sản phẩm như thịt nguội, xúc xích, thịt xông khói, thịt muối; các loại thịt tươi và đông lạnh. Tuy nhiên, người chăn nuôi và DN trong nước phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà.

Tuy vậy, Tổng Giám đốc Công ty Vissan Văn Đức Mười tự tin: “Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn nhưng chính điều đó đòi hỏi DN muốn tồn tại thì phải nâng cao năng lực.

Các công ty Việt không nên lo sợ. Ngay cả Vissan dù đang được người dùng tín nhiệm nhưng chúng tôi vẫn luôn tìm cách củng cố vị thế của mình. Ví dụ chúng tôi xây dựng cụm công nghiệp thực phẩm ở Long An.

Đây là cụm công nghiệp chế biến thực phẩm đầu tiên của Việt Nam xây dựng khép kín từ khâu giết mổ, pha lóc thịt tươi sống đến chế biến”.

Ông Mười cũng đánh giá các DN ngoại mạnh về tài chính, quản trị, thị trường. Do đó DN Việt cần chủ động tìm hiểu đối thủ để tìm ra lợi thế cạnh tranh của mình. Bởi nếu ngồi một chỗ mà than thở sẽ không giải quyết được vấn đề.

Tương tự, bà Lê Thị Thanh Lâm nhìn nhận áp lực về cạnh tranh từ đối thủ ngoại mạnh là không tránh khỏi.

Tuy nhiên, bà Lâm lạc quan: “Là công ty xuất khẩu hàng cao cấp cho thị trường khó tính Nhật Bản nên chúng tôi có điều kiện tiếp cận với công nghệ mới.

Chúng tôi còn có lợi thế là một DN Việt nên hiểu rõ nguyên liệu Việt Nam, thị hiếu của người Việt; lợi thế của DN nhỏ là linh động, nhạy bén và dễ thay đổi trước sự chuyển biến của thị trường”.

Nói thêm về vấn đề này, ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch HĐQT Tri Tri Group, gợi ý: “Ẩm thực dù cũng giao thoa và quốc tế hóa trong quá trình hội nhập nhưng luôn có tính địa phương.

Do vậy các DN nội có được ưu thế tự nhiên về mặt địa phương nếu biết khai phá và có chiến lược tốt thì sẽ không sợ bị thất thủ trên sân nhà”.

Miếng bánh thực phẩm 30 tỉ USD

Theo dự báo từ các cơ quan chức năng, năm nay tổng số lượng giao dịch các thương vụ mua bán và sáp nhập tại Việt Nam có thể đạt 600 giao dịch với tổng trị giá khoảng 6 tỉ USD.

Đi đầu các thương vụ trong năm 2016 là ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng chiếm 36,4% tổng trị giá. Trong đó, ngành sản xuất thực phẩm và bán lẻ có những thương vụ tỉ đô với sự tham gia của DN ngoại.

Còn Tổ chức Giám sát kinh doanh Quốc tế (BMI) dự báo tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam giai đoạn 2011-2016 tiếp tục tăng 5,1%/năm, tương đương 29,5 tỉ USD. Mức tiêu thụ bình quân theo đầu người tính đến năm 2016 tăng ấn tượng 4,3%/năm.

Thôn tính là khó tránh khỏi

Việc mua bán, sáp nhập là con đường ngắn nhất để đại gia ngoại nắm lấy thị trường Việt Nam.

Trong quá trình đó không tránh khỏi sự thôn tính của DN ngoại đối với DN Việt. Nhất là đại gia nước ngoài với tiềm lực, năng lực, bản lĩnh thương trường cao và mạnh hơn DN Việt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại