Trong chuỗi Diễn đàn Đón sóng thực phẩm sạch do Soha.vn và Bộ NN&PYNT tổ chức, luôn nóng câu chuyện về niềm tin.
Người tiêu dùng hoang mang không biết nên mua thực phẩm an toàn ở đâu khi trên mạng rao bán cả chứng nhận VietGap; khi một chủ cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận VietGap ở Long An lại bị phát hiện bán 80 con heo nhiễm chất cấm salbutamol (tạo nạc, tăng trọng).
Rất nhiều người khởi nghiệp thực phẩm an toàn đành trắng tay rời bỏ trận địa vì không thể tạo dựng niềm tin của khách hàng về chất lượng thực phẩm.
Ngày chủ nhật, 12/4/2009, Domino's Pizza đã vướng phải scandal kinh khủng.
Hai nhân viên thuộc cửa hàng nhượng quyền Domino's Pizza ở Conover N.C. (Mỹ) đăng tải một video lên Youtube, ghi lại những việc làm ghê tởm mà họ làm với chiếc sandwich trước khi nó được giao hàng đi khắp nơi: Nhét bơ vào lỗ mũi của mình trước khi đặt vào bánh sandwich, hắt hơi vào miếng bơ.
Hành động ghê tởm đó ngay lập tức đã làm mất niềm tin của nhiều triệu khách hàng của ông lớn có 8.700 cửa hàng tại hơn 50 quốc gia này.
Domino's Pizza chỉ gượng dậy được sau một thời gian nhờ chiến dịch xử lý khủng hoảng cực kỳ thông minh: Không thanh minh, đổ lỗi, né tránh mà tìm cách khôn ngoan nhất khôi phục niềm tin của khách hàng.
Một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên thành công của các tập đoàn lớn, đa quốc gia, tồn tại hàng trăm năm, chính là việc gây đựng được lòng tin vững chắc của khách hàng vào chất lượng sản phẩm và thái độ ứng xử của họ với sự an toàn của con người.
Có không ít người đã cảm thấy hơi buồn cười vì được yêu cầu phải nắm lấy tay vịn lúc lên xuống cầu thang khi đến thăm các nhà máy của Nestlé ở Việt Nam.
Nhiều người khác, thậm chí còn thấy ngỡ ngàng khi được nhắc rất nhẹ: Làm ơn không nhắn tin, lướt facebook khi di chuyển trong khuôn viên nhà máy.
Trong khuôn viên nhà máy của Nestlé, mọi người đều phải tuân thủ những quy định khắt khe về an toàn lao động.
Đó chỉ là 2 điều trong 12 quy tắc bắt buộc mà nhân viên của tập đoàn này phải tuân thủ về an toàn lao động.
Một người khỏe mạnh đến thế nào cũng có thể bị vấp ngã cầu thang. Một người tinh tường thế nào cũng có thể đâm vào người khác khi vừa đi đường vừa dán mắt vào chiếc điện thoại thông minh nhiều tính năng hấp dẫn.
Nếu những tai nạn lãng xẹt như thế xảy ra với chính nhân viên của mình, cái slogan rất hay "Good food, Good life" của Nestlé sẽ trở thành một khẩu hiệu không có thực.
Mỗi năm, những người ở Nestlé phải đón tiếp rất nhiều "khách không mời". Đó là những chuyên gia độc lập đến văn phòng để đo tiếng ồn, đo không khí, nhiệt độ, ánh sáng.
Nơi nào không đảm bảo những tiêu chuẩn theo quy định của Nestlé, ảnh hưởng đến sức khỏe, hiệu quả làm việc của nhân viên, nơi ấy sẽ sớm nhận được lời chào tạm biệt.
Nestlé có niềm tin rất lớn rằng nếu cuộc sống chính nhân viên của mình không được đảm bảo an toàn, không "good", thì làm sao có thể khiến họ tin tưởng đem hết tâm huyết, sáng tạo sản xuất ra những thực phẩm an toàn cho cộng đồng.
Một người đi taxi sẽ cảm thấy kinh sợ khi đọc khẩu hiệu dán trên xe "An toàn là trên hết" trong khi lái xe mặt đỏ gay, hơi men nồng nặc.
Một thực khách kỹ tính sẽ "say goodbye" nhà hàng nếu phải ngửi những mùi kinh khủng khi đi toilet hoặc nhìn thấy khu bếp bẩn thỉu.
Khi họ không thể làm sạch một nhà vệ sinh, làm sạch những thứ ở xung quanh thực phẩm, thì lấy gì để tin rằng họ sẽ tìm cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe khách hàng?
Đến Việt Nam, Nestlé nêu cao thông điệp thực phẩm an toàn, thứ giúp họ lấy được niềm tin suốt 150 năm qua ở Thụy Sỹ và các quốc gia phát triển.
Ngoài những quy chuẩn sản xuất nghiêm ngặt, hiện đại từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến, sản xuất đã thành danh, thì một trong những việc đầu tiên Nestlé Việt Nam làm triệt để là bữa ăn trưa của nhân viên trong nhà máy phải tuyệt đối an toàn.
Từng khâu trong chuỗi sản xuất đều được Nestlé kiểm soát nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng an toàn trong từng sản phẩm.
Quy trình chế biến thực phẩm, phục vụ bữa ăn cho nhân viên với tiêu chuẩn an toàn rất cao; sự chăm chút đến môi trường làm việc của Nestlé, sẽ là mô hình lý tưởng cho bất cứ công ty Việt Nam nào muốn nhân viên của mình có thêm lý do không nghĩ đến chuyện rời bỏ công ty.
Triết lý kinh doanh là thứ mà nhiều công ty, nhà sản xuất ở Việt Nam hay thiếu.
Nhưng hiện thực hóa triết lý kinh doanh ấy bằng những quy trình ngặt nghèo, những hành động thực tế có thể nhìn thấy, sờ thấy và cảm nhận được, biến nó thành niềm tin cho người tiêu dùng, thì lại càng ít công ty làm được.
Sở hữu tới 440 nhà máy sản xuất trên toàn cầu, với hơn 2000 thương hiệu và 10,000 sản phẩm, cứ mỗi giây trôi qua lại có hàng triệu sản phẩm của Nestlé được tiêu thụ.
Chỉ cần một khâu nhỏ trong chuỗi sản xuất – tiêu thụ này có vấn đề, đã có thể gây tổn hại đến niềm tin khách hàng.
Chính vì vậy, Nestlé phải duy trì một đội ngũ tới hơn 8.000 chuyên gia về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, thực hiện tới hơn 100 triệu cuộc thử nghiệm về chất lượng, để đảm bảo rằng người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm an toàn nhất.
Những quy chuẩn ngặt nghèo trong toàn bộ chuỗi sản xuất của Nestlé để mỗi ly Nescafé đến tay người tiêu dùng phải đảm bảo an toàn và chất lượng nhất.
Nếu những nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn nào cũng tạo được "những tay vịn cầu thang niềm tin" cho người tiêu dùng như thế, cho nhân viên của mình như thế, thì nỗi lo "30 năm nữa 50% người tiêu dùng Việt Nam mới được sử dụng thực phẩm sạch" của MC Phan Anh, sẽ được rút ngắn lại rất nhiều.