Việc sử dụng điện thoại trong khi vẫn cắm sạc có thể gây nguy hiểm là một trong những câu chuyện mà có lẽ bạn đã ít nhất được nghe tới dù chỉ một lần. Rất nhiều người cũng tin vào điều này nhưng thật sự đây là một niềm tin không thật sự chính xác.
Tại sao chúng ta lại có niềm tin như vậy? Phải chăng đã có rất nhiều trường hợp tai nạn cháy nổ nguy hiểm khi vừa sử dụng điện thoại vừa sạc pin điện thoại đã làm mọi người tin vào điều này. Thực hư về sự thật này sẽ được làm sáng tỏ phần nào qua bài viết dưới đây:
Niềm tin này bắt đầu từ đâu?
Quay trở lại năm 2013, trường hợp đầu tiên và cũng khiến cho "lời đồn" về việc sử dụng điện thoại khi sạc có thể gây nguy hiểm được lan truyền trên internet.
Đó là câu chuyện về chiếc điện thoại iPhone 5 của một nữ tiếp viên hàng không (của hãng China Southern Airlines) người Trung Quốc. Ma Ailun (23 tuổi) gặp nạn khi cô sử dụng cùng lúc với sạc.
Không nên vừa sạc vừa sử dụng điện thoại. Ảnh: Pinterest
Chị của nạn nhân chính là người đăng tải câu chuyện trên internet với lời cảnh báo: "Tôi muốn cảnh báo mọi người khác rằng không nên gọi điện khi vẫn còn cắm sạc", cô viết trên Weibo.
Báo South China Morning Post đưa tin rằng gã khổng lồ công nghệ Apple đã ngay lập tức mở một cuộc điều tra để xác minh rõ nguyên nhân vụ việc. Theo đó, nạn nhân tử vong khi vừa nghe một cuộc điện thoại mà vẫn cắm sạc.
Nguyên nhân cuối cùng cũng được tiết lộ, theo báo Fortune chiếc điện thoại gây tử vong là do nạn nhân đã sử dụng bộ sạc pin của bên thứ 3 chứ không phải của hãng Apple.
Tuy nguyên do đã được làm sáng tỏ nhưng niềm tin về việc không nên sử dụng điện thoại lúc sạc vì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đã lan truyền rộng rãi trong cộng đồng mạng.
Vậy liệu sử dụng điện thoại khi sạc có thực sự nguy hiểm?
Mặc dù có rất nhiều vụ nổ liên quan đến thói quen vừa sử dụng điện thoại trong khi sạc, tuy nhiên nguyên nhân đều bắt nguồn từ những sai lầm của người sử dụng như sử dụng bộ sạc hay pin không tương thích với dòng điện thoại của mình.
Thậm chí, nếu sử dụng đúng pin hay bộ sạc của nhà sản xuất (do bạn nghĩ vậy!), vấn đề vẫn có thể phát sinh khi bộ sạc và pin được sản xuất là không đạt chuẩn (hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng).
Một nghiên cứu được công bố bởi cơ quan Tiêu chuẩn Giao dịch (Trading Standards) của Anh cho thấy một sự thật giật mình: có tới 99% bộ sạc không đạt tiêu chuẩn của Apple được mua bán công khai trên internet đã không vượt qua bài kiểm tra độ an toàn cơ bản.
Lord Toby Harris - chủ tịch của cơ quan Tiêu chuẩn Giao dịch trong một bài phát biểu cho hay:
"Tội ác xuyên toàn cầu là việc sử dụng các nền tảng online để "nhử" người dùng với giá rẻ cho một sản phẩm giả, nhiều trong số đó có nguy cơ gây nguy hiểm như bị quá nóng và gây ra hỏa hoạn".
Thậm chí gã khổng lồ công nghệ Apple từng đâm đơn kiện chống lại những người bán hàng online sau khi tiết lộ có tới 90% bộ sạc iPhone bán trên trang Amazon là giả mạo.
Không sử dụng sạc hay pin giả mạo. Ảnh: Electronic Products Magazine
Trao đổi trên báo Zing.vn, Tiến sĩ Phùng Anh Tuấn, Phó trưởng bộ môn Thiết bị điện – điện tử Viện Điện Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết nếu sử dụng pin hay bộ sạc điện thoại không chuẩn thì theo thời gian pin sẽ bị phồng lên.
Đến một thời điểm nào đó, sự căng phồng sẽ vượt qua giới hạn bền của vật liệu bọc pin, sẽ làm cho viên pin bị nổ. Chất lithium tiếp xúc trực tiếp với không khí sẽ gây cháy, nếu đang sử dụng điện thoại thì nguy cơ tai nạn càng tăng cao do tiếp xúc quá gần.
Johnny Sin Kin-on - giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông còn cho hay bộ sạc tiêu chuẩn sẽ làm biến áp từ nguồn điện dân dụng 220V thành điện áp từ 3 đến 5V ở đầu cắm sạc (tiếp xúc lỗ cắm sạc của điện thoại).
Trong đó, giới hạn điện áp có thể gây nguy hiểm cho con người là 36V nên bạn sẽ được an toàn với bộ sạc tiêu chuẩn. Trái lại, khi sử dụng hàng nhái, hàng kém chất lượng thì đầu ra này có thể có điện áp lên tới 220V và vô cùng nguy hiểm cho người dùng.
*Lưu ý: Điều đó cũng không có nghĩa là bạn bắt buộc phải mua một bộ sạc hay pin thay thế của nhà sản xuất, thực tế có một số pin hay bộ sạc được nhà sản xuất chấp nhận để thay thế sản phẩm của mình.
Làm thế nào để tránh các vấn đề nguy hiểm nảy sinh khi sạc điện thoại và sử dụng đồng thời?
Dưới đây là một số khuyến cáo cho người sử dụng từ Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) để tránh các tai nạn đáng tiếc khi sử dụng điện thoại trong lúc sạc.
Như đã nói trên, để hạn chế cháy nổ hay rò rỉ điện gây nguy hiểm thì bạn cần sử dụng pin và bộ sạc tương thích với dòng sản phẩm của mình. Đó phải là sản phẩm chính hãng có chất lượng, tránh mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng.
Tránh việc vừa dùng vừa sạc điện thoại. Ảnh: Reader's Digest
Nếu phải sử dụng pin hay bộ sạc thay thế, hãy đảm bảo rằng chúng có trong danh sách được nhà sản xuất cho phép sử dụng để thay thế.
Để đảm bảo nguồn điện ổn định, hãy sử dụng thiết bị chống sốc điện hay còn gọi là bộ bảo vệ tăng áp, thiết bị chống sét lan truyền (Surge Protection Device - SPD) nhằm giúp hạn chế nguy cơ cháy nổ do nguồn điện không ổn định.
Không để điện thoại trong ô tô cũng như bất cứ nơi nào có nhiệt độ cao vì nhiệt độ có thể phá hủy pin điện thoại. Hãy sạc ở nơi thoáng mát và không bao phủ bất cứ thứ gì lên điện thoại khi sạc, nếu dùng phụ kiện ốp lưng, bao da, túi đựng... thì hãy tạm gỡ ra khi sạc.
Không cắm sạc khi điện thoại đang bị ướt vì có thể gây cháy chập hay rò rỉ điện. Nếu thấy pin có dấu hiệu phồng lên, máy nóng bất thường khi sạc thì cần mang máy đến thay pin tại các trung tâm bảo hành, các nhà cung cấp dịch vụ được hãng ủy quyền.
Kể cả khi không có những dấu hiệu bất thường về pin thì việc thay thế pin sau một thời gian dài sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất cũng là cách giảm tối đa nguy cơ phát nổ của điện thoại.
Cuối cùng: Cách tốt nhất là không nên nói chuyện hay sử dụng điện thoại (nói chuyện, chơi game, chạy các chương trình nặng...) khi đang sạc để giảm thiểu nguy hiểm cho người sử dụng và cả những người xung quanh trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra.