Thực hư về giấc ngủ 32 năm

Lê Du |

Sau khi đi ngủ như thường lệ vào buổi tối, một cô gái trẻ không thức dậy cho đến hơn 30 năm sau.

Câu chuyện kỳ lạ về giấc ngủ dài kỷ lục này vẫn là một dấu hỏi lớn của giới khoa học. Liệu đây là hiện tượng bí ẩn hay chỉ đơn thuần là một trò lừa?

Giấc ngủ kéo dài

Karolina Olsson sinh ngày 29/10/1861 tại hòn đảo nhỏ Okno gần Monsteras (Thụy Điển) là con thứ hai trong gia đình có sáu người con. Mẹ của Karolina đã chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái rất tốt.

Tuy nhiên, bà cho rằng Karolina, đứa con gái duy nhất, phải có bổn phận phụ giúp gia đình nên tự mình dạy cô đọc và viết ở nhà. Mãi đến cuối mùa Thu năm 1875, khi đã 14 tuổi, Karolina mới được cho đi học.

Sau một tháng đến trường, ngày nọ khi về nhà, cô kêu đau răng và cảm thấy bứt rứt, khó chịu. Nghe lời mẹ, cô đi ngủ với hy vọng cơn đau sẽ biến mất khi tỉnh giấc. Tuy nhiên, sau khi ngủ thiếp đi, cô không thức dậy vào sáng hôm sau như thường lệ và cả những ngày sau đó nữa.

Cha của Karolina là một ngư dân nghèo, không đủ tiền thuê bác sĩ để xem tình trạng của con. Còn người mẹ thì rất quan tâm đến đứa con gái đang nằm bất động, bà pha sữa, ép cô uống hai ly mỗi ngày. Những người hàng xóm sau khi biết chuyện đã đến gặp một bác sĩ nhờ giúp đỡ Karolina.

Người thầy thuốc này cũng không thể đánh thức cô gái và xác định cô đang hôn mê. Tiếp tục đến thăm bệnh nhân trong vòng một năm, ông cảm thấy lo lắng khi thấy tóc và móng tay của cô không phát triển. Ông viết thư cho ban biên tập của một tạp chí y khoa hàng đầu, kêu gọi sự giúp đỡ của các chuyên gia nhằm tìm ra phương pháp chữa trị trạng thái ngủ liên tục của Karolina.

Năm 1892, một bác sĩ tên Johan Emil Almbladh đến Monsteras và đề nghị chuyển Karolina đến bệnh viện để trực tiếp quan sát bệnh nhân. Trong thời gian nằm viện, tình trạng của Karolina vẫn không thay đổi, cô đờ đẫn, không thể nói và không phản ứng với những đụng chạm mạnh. Việc chữa trị bằng điện cũng không hiệu quả và lời khuyên duy nhất của các bác sĩ là cần đảm bảo việc đưa thức ăn vào cơ thể cô hợp lý, đều đặn hơn.

Sau một tháng ở bệnh viện, Karolina được đưa về nhà với chẩn đoán mắc chứng liệt sa sút tâm thần (dementia paralytica). Đây là một rối loạn thần kinh nghiêm trọng do bệnh giang mai giai đoạn cuối gây ra. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy Karolina mắc phải căn bệnh này. Từ đó, cô không được bác sĩ khám lại cho đến khi tỉnh dậy vào năm 1908 - tròn 32 năm sau khi đi ngủ.

Thực hư về giấc ngủ 32 năm - Ảnh 1.

Một bài báo ở Thụy Điển đăng về giấc ngủ 32 năm của Karolina.

Thức giấc sau… 32 năm

Người duy nhất chăm sóc cho Karolina là mẹ cô. Khi bà qua đời năm 1905, người cha thay thế vai trò này. Kể từ đó, sức khỏe của Karolina ngày càng sa sút, thân hình gầy guộc, khuôn mặt hốc hác.

Một ngày nọ, ngày 3/4/1908, người cha bước vào thì thấy Karolina đang bò trên sàn và khóc, hỏi: “Mẹ đâu?”, trong trạng thái tỉnh táo. Khi các em về nhà, cô không nhận ra họ. Trong những ngày đầu sau tỉnh giấc, cô trông yếu đuối, đi lại khó khăn, sợ ánh sáng và luôn ngập ngừng khi trả lời các câu hỏi. Điều đáng ngạc nhiên là, bất chấp tình trạng của mình, cô ấy vẫn tỏ ra thèm ăn và ăn uống một cách nhiệt tình.

Karolina có thể nhớ những ngày đi học và những lần đi lễ nhà thờ, thậm chí cô còn bắt đầu tham gia làm việc nhà. Tuy nhiên, cô không hỏi bất kỳ câu hỏi nào về quá khứ hay những gì đã xảy ra trong thời gian ngủ, thậm chí không hỏi về cái chết của người mẹ.

Hai năm sau khi tỉnh dậy, cô được một bác sĩ ở Stockholm tên là Harald Froderstrom đến thăm và dành nhiều thời gian để tìm hiểu chuyện gì đã thực sự xảy ra với cô. Ông được các em của Karolina cho biết trong suốt bao năm qua, họ chưa bao giờ thấy chị gái mình rời khỏi giường. Froderstrom nhận thấy Karolina có trí thông minh trên mức trung bình. Cô có thể đọc, viết và biết tên các vị vua và hoàng hậu của đất nước mình, nhưng không thể chỉ ra Stockholm trên bản đồ.

Bí ẩn hay trò lừa?

Trước Karolina Olsson không lâu, tại Anh cũng có một trường hợp tương tự. Ellen Sadler (1859 – 1901), còn được gọi là “Cô gái ngủ trong rừng ở Turville”, chìm vào giấc ngủ sâu ở tuổi 11. Chín năm sau đó, cô mới tỉnh dậy và đã trở thành một thiếu nữ. Vụ việc này cũng thu hút sự chú ý của truyền thông và giới chuyên môn thế giới. Thực hư ra sao, không ai biết, và “lừa đảo” là quy kết của những người theo chủ nghĩa hoài nghi.

Bác sĩ Frodestrom nhanh chóng bác bỏ quan điểm ngủ đông hoàn toàn trong trường hợp này và khẳng định Karolina không thể chịu đựng được một thời gian dài như vậy mà không chết đói. Thay vào đó, ông suy đoán cô đã bị rối loạn tâm thần do một sự kiện đau thương gây ra, phải rúc trong chăn như một cách để bảo vệ bản thân khỏi thực tế nghiệt ngã.

Trong suốt giai đoạn này, người mẹ tận tụy đã sát cánh bên cô, giúp cô che giấu sự thật. Các thành viên trong gia đình và người thân tin rằng cô đang ngủ say, trong khi trên thực tế, Karolina vẫn hoàn toàn tỉnh táo trong suốt thời gian sống cách biệt.

Tuyên bố của gia đình rằng, Karolina chỉ tiêu thụ hai ly sữa mỗi ngày trong 32 năm chỉ có thể được giải thích bởi sự hiện diện của người chăm sóc trung thành - người mẹ.

Bà bí mật đáp ứng các nhu cầu của cô nên không ai trong gia đình hay biết. Tình trạng suy nhược nghiêm trọng của cô xảy ra sau khi người mẹ qua đời được xem là hậu quả việc không được cho nuôi dưỡng đầy đủ như trước.

Sau khi tỉnh giấc, Karolina có một cuộc sống khỏe mạnh và qua đời năm 1950 ở tuổi 88 vì xuất huyết não.

Theo Amusingplanet

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại