Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), giới chức Mỹ nhận định việc Triều Tiên cho phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà khả năng là phiên bản Iskander của Nga đã chứng minh năng lực ngày càng lớn mạnh của Bình Nhưỡng và vượt qua cả các hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ triển khai tới Hàn Quốc.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn cho rằng vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên là “không có gì đáng phải quan ngại”. Song các quan chức quân đội và an ninh quốc gia Mỹ lại xem đây là mối đe dọa đối với các lực lượng quân sự của Mỹ và đồng minh ở khu vực Đông Bắc Á.
Trong hai ngày 4/5 và 9/5, Triều Tiên đã cho phóng thử 3 tên lửa từ phía tây bắc nước này. Những tên lửa được Triều Tiên phóng đều bay ở quỹ đạo thấp và không tiến vào bầu khí quyển của Trái đất trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.
Những bức ảnh về ba tên lửa Triều Tiên phóng cũng cho thấy, chúng khá giống với tên lửa tầm ngắn Iskander của Nga. Sau vụ phóng thử, chính những điểm tương đồng này đã khiến một số chuyên gia đặt tên cho phiên bản tên lửa của Triều Tiên là “Kimskander”.
Theo các quan chức Mỹ giấu tên, việc tên lửa bay ở quỹ đạo thấp cùng với hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh cho thấy dàn tên lửa của Triều Tiên đang trở thành đối thủ tiềm tàng gây khó cho hoạt động đánh chặn của những hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đã triển khai tới Hàn Quốc.
Ngoài ra, tên lửa Triều Tiên cùng khó có thể bị tiêu diệt khi còn trên mặt đất bởi chúng sử dụng các bệ phóng di động có khả năng mang theo hai tên lửa cùng lúc. Khả năng tấn công của những tên lửa mới được Triều Tiên phóng thử cũng được đánh giá chính xác hơn so với kho tên lửa tầm ngắn Scud mà Triều Tiên sở hữu.
Bên cạnh đó, hai vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên dường như nhằm mục đích gia tăng sức ép để buộc Nhà Trắng nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân vốn bị ngưng trệ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội hồi cuối tháng Hai.
“Đây là loại tên lửa được thiết kế để né tránh các hệ thống phòng thủ. Triều Tiên muốn nói rằng, họ có chương trình phát triển vũ khí tối tân và sẽ tiếp tục sản xuất những tên lửa mới, nhiều chủng loại. Do đó, giờ là lúc quay trở lại bàn đàm phán”, một quan chức cấp cao Mỹ nhận định sau vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên.
Theo một quan chức Mỹ khác, phiên bản mới của hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot được Mỹ triển khai tới Hàn Quốc có thể tiêu diệt các tên lửa hoạt động ở tầm trung. Tuy nhiên, nếu Bình Nhưỡng cho phóng vài quả tên lửa cùng một lúc, Patriot sẽ không kịp trở tay.
Thậm chí, với quỹ đạo bay phẳng, tên lửa của Triều Tiên còn có thể né tránh được cả Hệ thống Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa được Mỹ triển khai tới Hàn Quốc để ngăn chặn các tên lửa tầm trung và tầm xa của Triều Tiên.
Đánh giá từ Bộ Tổng tham mưu quân đội Hàn Quốc cho thấy trong các vụ phóng thử tên lửa gần đây, tên lửa Triều Tiên không bay quá độ cao 48 km. Nói cách khác, theo giới chuyên gia, trong phần lớn quá trình bay, tên lửa Triều Tiên bay quá cao so với phạm vi đánh chặn của hệ thống Patriot và quá thấp so với hệ thống THAAD.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn khẳng định tên lửa Triều Tiên phóng thử nghiệm không gây ra bất cứ mối đe dọa tiềm tàng và cũng như không vi phạm những lời cam kết mà Chủ tịch Kim Jong-un đưa ra hồi năm ngoái về việc dừng tiến hành các vụ phóng thử tên lửa tầm trung, tên lửa đạn đạo liên lục địa cùng các loại vũ khí hạt nhân trong quá trình Mỹ - Triều tiến hành đàm phán hạt nhân.
“Chúng chỉ là những tên lửa tầm ngắn do đó theo tôi, đây không phải là hành động phá vỡ lòng tin. Tôi không cho rằng, họ đang sẵn sàng đàm phán”, ông Trump chia sẻ với tờ Politico hồi tuần trước.
Hai vụ phóng thử tên lửa trong tháng Năm được xem là phản ứng của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trước sự ngưng trệ của các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ.
Song theo giới chức tình báo Mỹ, Chủ tịch Kim Jong-un không có ý định từ bỏ hoàn toàn chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa. Bên cạnh đó, ông Kim sẽ quay trở lại tăng cường các vụ thử nghiệm vũ khí nếu Mỹ không chịu xóa bỏ lệnh trừng phạt kinh tế để đổi lấy sự nhân nhượng từ phía Triều Tiên.
“Cái mà chúng ta đang thấy mới chỉ là phản ứng nhẹ nhàng từ phía ông Kim nếu như cho tới cuối năm nay, Mỹ - Triều không đạt được bất cứ thỏa thuận nào”, ông Joshua Pollock, chuyên gia tên lửa Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey chia sẻ.
Trên thực tế, giới chức tình báo Mỹ cùng các chuyên gia bên ngoài vẫn đang tích cực thu thập dữ liệu để phân tích và xác định chính xác năng lực của các tên lửa mới được Triều Tiên phóng thử.
Hiện không rõ Triều Tiên đã sản xuất được bao nhiêu tên lửa như trên và năng lực của những tên lửa này đạt được bao nhiêu % so với tên lửa Iskander của Nga. Trong khi đó, tên lửa Iskander do Nga sản xuất có thể mang theo đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn từ 400 – 800 km.
Điều bí ẩn nhất nằm ở chỗ bằng cách nào Bình Nhưỡng sản xuất được loại tên lửa tương tự như Iskander của Nga bởi chiểu theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, Moscow bị cấm bán vũ khí cho Bình Nhưỡng.
Một số chuyên gia cho rằng, Bình Nhưỡng đã sở hữu trái phép tên lửa của Nga từ một trong số các đồng minh của Moscow và copy công nghệ. Trong 10 năm qua, Nga đã bán phiên bản tên lửa Iskander cho Syria , Armenia và Algeria.
Ngoài ra, không loại trừ khả năng Triều Tiên sản xuất phiên bản tên lửa Iskander nhờ sự hỗ trợ bí mật từ các nhà khoa học vũ khí Nga hoặc mua hay đánh cắp thiết kế của tên lửa Nga.
“Tôi cho rằng chính phủ Nga sẽ không bán tên lửa Iskander cho Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng có thể sử dụng mạng lưới thương mại ngầm mà cụ thể là bên thứ ba để có được tên lửa này.
Ngoài ra, Triều Tiên còn có thể đánh cắp bản thiết kế Iskander”, ông Michael Elleman, cựu khoa học gia vũ khí hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế ở London nhận định.