"Ngày 28-10 tôi đã gửi Email cho đại diện nhóm nhà đầu tư ngoại để giải thích vì sao tôi lại lên tiếng trước tâm bão của Công ty Huy Việt Nam”.
Đây là thông tin bà K.H- nhà đầu tư cá nhân của Huy Việt Nam đề nghị giấu tên, cung cấp cho PLO, trước thông tin các nhà đầu tư ngoại không biết đến vị này, đồng thời khẳng định bà K.H không có liên hệ gì với nhóm cũng như hoạt động tố tụng đang được triển khai.
Theo đó bà K.H cho biết nội dung Email nhằm giải thích những thắc mắc của nhà đầu tư ngoại. “Hiện tại tôi chưa nhận được phản hồi từ họ, khi nào có tôi sẽ thông tin với các bạn”, bà K.H nói.
Bà K.H cũng thông tin lý do họ không biết đến bà với vai trò là nhà đầu tư bởi số tiền đầu tư được vị này giao cho một đơn vị (tài chính-PV) thứ 3 thực hiện. K.H nói rằng số tiền đấy bà đầu tư trực tiếp vào Huy Việt Nam.
Nhà hàng Món Huế đột ngột ngưng hoạt động trong sự ngỡ ngàng của nhà cung ứng lẫn khách hàng. Ảnh: Hoàng Giang
Cũng tại buổi trao đổi với PLO, nhà đầu tư cá nhân đã giải thích lý do bà quyết định lên tiếng trước tâm bão của Huy Việt Nam.“Tôi nhận thấy tình hình ngày một xấu đi, các nhà cung cấp bị rối khi người ta đang chờ câu trả lời thì không một ai lên tiếng với họ. Tôi sợ những hệ lụy đáng tiếc xảy ra và tôi đã quyết định lên tiếng nói, đó là tiếng nói cá nhân chứ không phải đại diện cho nhóm đầu tư nào cả”, nhà đầu tư nữ lên tiếng chia sẻ.
Tính tới thời điểm hiện tại, K.H cũng là người duy nhất trong các nhà đầu tư và cả ban quản trị công ty này xuất hiện trước công chúng, trả lời phỏng vấn trực tiếp báo chí. “Một số thông tin cho rằng, ở Món Huế tôi đứng vai trò là giám đốc điều hành, nhưng nếu là giám đốc điều hành thật, thì bây giờ tôi đã liên quan tới rất nhiều vấn đề pháp lý với cơ quan nhà nước. Nhưng bây giờ, bạn thấy đấy, tôi chỉ đơn thuần là nhà đầu tư”.
Bà K.H cũng xác nhận chiều 29-10, bà đã có cuộc gặp với đại diện của các nhà cung cấp. "Tôi quyết định cuộc gặp mặt này để muốn biết chi tiết về các con số công nợ. Hiện tại tôi vẫn chờ con số chính xác từ phía nhà cung cấp. Thứ hai tôi muốn biết trong trường hợp giả định, Ban quản trị của Huy Việt Nam không một ai trở về và không một ai lên tiếng, thì hướng đi của người ta (các nhà cung cấp-PV) sẽ như thế nào. Và tôi cố gắng hướng người ta đi theo một con đường đúng pháp luật nhất để giảm thiểu rủi ro nhất”.
Theo nguồn tin của PLO xác nhận nội dung của cuộc họp kín xoay quanh các vấn đề trên. Tại đây K.H cho hay đã có phương án giải quyết công nợ và hướng đi riêng, tuy nhiên để chắc chắn bà phải nhận được sự đồng ý của Ban quản trị Huy Việt Nam có đồng ý việc cho phép bà đứng ra giải quyết, tránh các kiện tụng không đáng có và cả trường hợp Ban quản trị trở về đòi lại quyền quản trị của mình, khi mọi việc đã được K.H giải quyết xong.
Theo thống kê sơ bộ hiện tại có hơn 60 nhà cung cấp bị chậm trả tiền công nợ, với số tiền chưa đầy đủ lên đến 40-50 tỷ đồng.
Bà cũng chia sẻ sẽ cố gắng liên lạc với Ban quản trị Huy Việt Nam cũng như ông Huy Nhật (nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty Huy Viet Nam Group Limited) để tìm câu trả lời cho sự việc vừa qua. Tuy nhiên trả lời phóng viên, bà K.H cho biết tính tới thời điểm hiện tại bà vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ ban quản trị và Huy Nhật.
Trước câu hỏi, liệu bà có lo lắng trước việc mất mát nguồn tiền đã đầu tư vào Món Huế . Bà K.H trả lời: “Tôi có nhưng tôi lo lắng cho các nhà cung ứng nhiều hơn. Bởi những nhà đầu tư như tôi thì còn dựa vào pháp luật, và còn nhiều nguồn đầu tư cá nhân khác, còn các nhà cung ứng họ như đứng giữa dòng, họ vừa mất tiền, vừa mất niềm tin”.
"Việc trốn tránh của Ban Quản trị là sai. Theo tôi được biết những nhà cung ứng họ không phải bực tức vì công nợ, mà họ bực tức vì không có ai trả lời họ. Người ta đang nói trong vô vọng và thất vọng”, vị này thông tin thêm.
Mặc dù vậy, bà K.H lại bày tỏ sự tin tưởng vào việc Huy Nhật sẽ quay trở về. “Khi ông ấy quay trở về, tôi nghĩ sẽ có cuộc đối thoại trực tiếp với Huy Nhật để hỏi xem ông ấy có muốn tiếp tục với Món Huế không. Và tôi tin Huy Nhật sẽ quay lại”, bà K.H quả quyết.
Ngày 24-10 vừa qua, một nhóm nhà đầu tư lớn của Công ty Huy Việt Nam (VN), đơn vị sở hữu chuỗi nhà hàng Món Huế, đã tiến hành các thủ tục pháp lý khởi kiện ông Huy Nhật, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty Huy VN, tại TAND TP.HCM. Trước đó, các nhà đầu tư này cũng đã thành công trong việc xin được lệnh phong tỏa tài sản của ông Huy Nhật từ các cơ quan tài phán ở nước ngoài.
“Những động thái pháp lý này nhắm tới ông Huy và các cộng sự, bao gồm bà Ngô Thị Mỹ Hạnh (Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế), liên quan đến cáo buộc vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý, các giao dịch bất thường và có thể có yếu tố lừa đảo vì ông Huy Nhật đã chiếm dụng một lượng lớn tiền mặt và tài sản” - đại diện nhóm đầu tư trên cho biết.
Nhóm đầu tư trên cũng cho hay việc đóng cửa hàng loạt nhà hàng khi chưa có các chấp thuận cần thiết từ các nhà đầu tư và cũng không vì lý do thương mại rõ rệt đã khiến hơn 1.500 nhân viên người Việt mất việc làm.
“Mặc dù rất thất vọng khi buộc phải tiến hành các thủ tục tố tụng trên, nhóm nhà đầu tư hy vọng có thể được giải quyết khiếu kiện nhanh chóng và công bằng tại các tòa án VN, tương tự như lệnh phong tỏa tài sản đã được ban hành trước đó ở nước ngoài. Các hành động này không chỉ nhằm bảo vệ doanh nghiệp nói chung và khoản đầu tư của các nhà đầu tư vào Công ty Huy VN mà còn đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho nhân viên công ty, các nhà cung cấp, các đối tác kinh doanh trong nỗ lực khôi phục hoạt động ổn định cho doanh nghiệp này” - nhóm đầu tư trên nêu quan điểm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, kể từ năm 2013 đến nay, nhóm nhà đầu tư nói trên đại diện cho một nhóm quỹ đầu tư tư nhân quốc tế đã đầu tư vào Huy VN với tổng số vốn hơn 70 triệu USD. Các thành viên của nhóm bao gồm ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital.
Hiện Công ty Huy VN có các thương hiệu Món Huế, Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy, Great Bánh Mì, Phở 99 và TP Tea. Vào thời kỳ đỉnh cao, công ty đã tuyển dụng hơn 2.500 nhân viên trên toàn quốc và phục vụ 47.000 khách hàng mỗi ngày. Tuy nhiên, hệ thống chuỗi nhà hàng Món Huế đã đóng cửa, không trả nợ cho các nhà cung cấp và lãnh đạo công ty biệt tăm.