Võ Tắc Thiên hay Võ Hậu, là một phi tần của Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Trải qua nhiều biến cố trong lịch sử, bà trở thành hoàng đế duy nhất của triều đại Võ Chu và là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Bà cũng là vị nữ hoàng gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử quốc gia này.
Sau khi băng hà, Võ Tắc Thiên được chôn cất ở vùng núi Lương Sơn thuộc tỉnh Thiểm Tây phía Tây Bắc của Trung Quốc. Lăng mộ nằm ở Càn Lăng, công trình kiến trúc đời Đường, vốn là nơi an táng của hầu hết các thành viên trong hoàng tộc nhà Đường.
Bên cạnh ngọn đồi an táng chính và lăng mộ dưới lòng đất, công trình còn có 17 lăng mộ nhỏ hoặc mộ tùy tùng. Trong khuôn viên của Càn Lăng là 103 bức tượng đá, trong đó 61 tượng bị mất đầu vì nhiều nhát chém. Đến nay, nguyên nhân lý giải những bức tượng bị "mất đầu" vẫn còn là bí ẩn trong giới sử học Trung Quốc.
Đi sâu vào bên trong, người ta sẽ thấy một tấm bia khổng lồ với chiều cao 7.5m, chạm khắc hình đầu rồng, nhưng lại không khắc bất cứ dòng chữ nào. Lý giải về tấm bia không chữ, các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, công đức của Võ Tắc Thiên quá lớn, không chữ nào mô tả hết.
Số khác lại nhận định, dù Võ Tắc Thiên là người tài năng nhưng cũng nhiều "tật xấu". Bà khó lòng luận định giữa công và tội, nên bia mộ để trống cho người đời tự đánh giá.
Nhắc đến lăng mộ, không thể không nhắc đến đồ tùy táng nằm bên trong nó. Nhất là khi chủ nhân Càn lăng lại là 2 vị hoàng đế trị vì trong thời kì phồn thịnh của nhà Đường, chắc chắn số văn vật phải cực kì phong phú. Một số tài liệu ghi chép về việc Đường Cao Tông được mai táng số văn vật có giá trị bằng 1/3 tài chính thu vào của quốc gia và khi Võ Tắc Thiên qua đời, số đồ tùy táng theo bà cũng tương đương với chồng. Từ những ghi chép đó, các nhà sử học hoàn toàn có cơ sở để tin rằng bên trong Càn lăng thực sự chứa hơn 500 tấn báu vật.
Ngoài vàng bạc, châu báu, vải vóc lụa là thì điều làm người ta tò mò nhất chính là các tác phẩm nghệ thuật đắt giá trong Càn lăng. Lúc sinh thời, Lý Trị được cho là đã sở hữu bản gốc tác phẩm thư pháp "Lan Đình Tự" của Thư thánh Vương Hy Chi và nó đã được hạ táng trong lăng mộ của nhà vua sau khi ông qua đời. Bên cạnh đó, người ta cũng cho rằng trong Càn lăng còn chứa hàng trăm cuốn "Thùy Củng tập" và 10 cuốn "Kim Luân tập" có bút tích của Võ Tắc Thiên.
Rõ ràng, với giá trị lớn như vậy, Càn lăng sẽ trở thành mục tiêu săn lùng của giới trộm mộ. Tuy nhiên, chưa kẻ gian nào có thể xâm nhập được vào Càn Lăng.
Cuộc trộm mộ nổi tiếng nhất phải kể tới vụ do Hoàng Sào, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa năm 874-884 cuối thời Đường, thống lĩnh 400.000 binh sĩ tới đào mộ ở Càn Lăng.
Tài liệu cổ ghi lại cho thấy, suốt 3 tháng trời đào bới gần như san phẳng quả núi nhưng nhóm trộm mộ không tìm thấy lối vào của Càn Lăng. Các nhà khảo cổ ngày nay cho biết, đạo quân này tuy đông đảo nhưng không thông thuộc địa hình của Càn Lăng nên đã đào sai, dẫn tới việc trở về tay không.
Đến Ngũ đại Thập quốc (907-960) là một giai đoạn trong lịch sử Trung Quốc, kẻ trộm mộ nổi tiếng có tên Ôn Thao đã tổ chức đội quân tới cướp mộ. Nhưng khi đội quân tiến gần vào Càn Lăng, trời nổi mưa gió dữ dội. Cả nhóm rút quân, bất ngờ lại thấy trời quang mây tạnh. Sau 3 lần xảy ra liên tiếp như vậy, đội trộm mộ của Ôn Thao hoảng sợ, không dám tiếp tục manh động.
Kể từ đó, rất ít kẻ trộm mộ dám đến gần Càn Lăng một lần nào nữa. Cho đến thời hiện đại, Tôn Liên Trọng đã mang theo người của mình và một số công cụ tối tân bao gồm cả thuốc nổ đến. Đầu tiên Tôn Liên Trọng sắp xếp cho thuộc hạ đặt thuốc nổ để phá núi tìm lối vào trong lăng.
Viễn cảnh về tất cả báu vật thuộc về mình đã hiện ra trong đầu của Tôn Liên Trọng. Nhưng những hành động này cũng không giúp họ chạm tới Càn Lăng. Thậm chí khi dùng thuốc nổ phá lăng, khói dày đặc bốc từ bên trong, binh lính hít phải khói lập tức nôn ra máu mà chết. Thấy vậy, Tôn Liên Trọng cũng vội vàng chạy trốn khỏi lăng mộ. Sau đó, không ai dám đến nữa.
Mãi đến năm 1958, những người nông dân địa phương ở Càn Lăng đã vô tình làm nổ tung lối vào khác của lăng mộ khi họ bắn đại bác để nổ đá. Tin đồn này đến tai Quách Mạt Nhược, một người yêu thích văn hóa cổ đại và ngay lập tức đã khơi dậy niềm đam mê khảo cổ học của ông.
Quách Mạt Nhược liền lập "Kế hoạch khai quật Càn Lăng" và báo cáo nó lên chính phủ. Tuy nhiên do chưa có đủ công nghệ vào thời điểm đó để khai quật toàn bộ lăng mộ hoàng gia nên kế hoạch không được thông qua. Kể từ đó, việc khai quật Càn Lăng đã tạm thời kết thúc.
Vậy lăng mộ của Võ Tắc Thiên có gì đặc biệt khiến không ai có thể xâm phạm?.
Nhiều đoàn chuyên gia đã tới đây khảo sát và phân tích. Họ phát hiện, bức tường ở Càn Lăng được người xưa xây bằng gạch đá rắn chắc. Những khe hở được lấp kín bằng thiếc. Kết cấu này khiến công trình liên kết chặt chẽ.
Ngoài ra, Càn Lăng lại nằm ở giữa sườn núi khiến ngọn núi như "áo giáp bảo hộ" giúp bảo vệ lăng mộ. Nhờ nhiều tầng bảo vệ giúp che giấu lối vào thực sự của Càn Lăng.
Đến nay, mộ phần của Võ Tắc Thiên vẫn chưa được khai quật. Năm 2012, đại diện Cục di sản và văn hóa Thiểm Tây từng đưa ra tuyên bố, ít nhất trong vòng nửa thế kỷ sẽ không tiến hành bất cứ cuộc khai quật nào tại đây.
Ngày nay, Càn Lăng thu hút lượng lớn khách tham quan, nhưng chưa bị khai quật, nên được coi là một trong những lăng mộ bí ẩn của lịch sử Trung Hoa.
Tổng hợp