Diệp hạ châu là vị thuốc còn được biết đến với tên gọi dân gian là cây chó đẻ răng cưa.
Sở dĩ gọi là diệp hạ châu là vì ở phía dưới lá (diệp hạ) có nhiều hạt tròn (châu). Ở khắp các vùng miền nước ta đều có thể tìm thấy cây thuốc này.
Rầm rộ thông tin uống diệp hạ châu chữa khỏi bệnh gan chỉ trong tích tắc
Diệp hạ châu hay còn gọi là cây chó đẻ, chó đẻ răng cưa là loại cây khá phổ biến ở các miền quê Việt Nam. Chúng thường mọc hoang ở ven đường, những cánh đồng khô, vùng đất hoang hoặc bìa rừng dưới độ cao 600m.
Loại cây này phân bố nhiều ở các nước như Ấn độ, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Nhật Bản, Việt Nam, Nam Mỹ…
Thời gian gần đây, một số người thường truyền tai nhau cách chữa bệnh không phải sử dụng đến các loại thuốc kháng sinh từ loại cây này.
Theo các loại sách y khoa và dân gian, diệp hạ châu có khả năng chữa khỏi bệnh gan, tăng cường chức năng gan trong một thời gian ngắn.
Đó chính là lý do nhiều người mắc bệnh gan tìm đến chúng như một vị thuốc quý khỏi lo tác dụng phụ.
Chị Ngọc Điệp (Lý Nhân, Hà Nam) từng bị viêm gan B. Sau khi được chẩn đoán bệnh, chị được người bà con mách cách sử dụng cây diệp hạ châu đắng để chữa bệnh viêm gan.
Sau 3 tháng uống liên tục loại nước từ cây này, chị thấy sức khỏe lá gan của mình được cải thiện rõ rệt.
“Nhận thấy đây là loại cây rất tốt cho gan nên tôi vẫn sử dụng làm nước uống hàng ngày sau khi khỏi bệnh. Hơn nữa, khi chức năng gan được tăng cường thì đồng nghĩa với việc da dẻ được khỏe mạnh, hồng hào hơn.
Lúc này, mục đích sử dụng diệp hạ châu không chỉ để gan khỏe mà còn làm đẹp da, thải độc cơ thể nữa”, chị Điệp hào hứng nói.
Ai dè, sử dụng diệp hạ châu thêm một thời gian nữa, sức khỏe của chị suy giảm thấy rõ. Khi đi khám, các bác sĩ bắt đầu lo ngại với tình trạng chức năng gan của chị Điệp đang suy yếu dần mỗi ngày.
Sau khi nghe chị kể tiền sử bệnh lý, bác sĩ mới tá hỏa khuyên can không được sử dụng nữa. Chị Điệp vẫn không hiểu rõ vì sao diệp hạ châu là vị thuốc chữa bệnh gan nhưng lại không thể dùng khi gan đã hoạt động bình thường.
Diệp hạ châu chỉ là thuốc hỗ trợ chữa viêm gan
Diệp hạ châu là vị thuốc còn được biết đến với tên gọi dân gian là cây chó đẻ răng cưa. Sở dĩ gọi là diệp hạ châu là vì ở phía dưới lá (diệp hạ) có nhiều hạt tròn (châu).
Ở khắp các vùng miền nước ta đều có thể tìm thấy cây thuốc này.
Theo Bác sĩ Đông y Nguyễn Hữu Trường (Phòng chẩn trị Y học cổ truyền Y Tâm Đường, Hóc Môn, TP. HCM), trong Đông y, diệp hạ châu có vị đắng, hơi ngọt, tính mát, có công dụng: thanh nhiệt lợi tiểu, mát gan lợi mật, tiêu tích.
Diệp hạ châu thường dùng cho các trường hợp phù thũng do viêm thận, viêm gan B, viêm đường tiết niệu, sỏi thận, sỏi mật, hoàng đản, giải độc rắn cắn...
“Cây thuốc này được dùng nhiều nhất là để điều trị các bệnh về gan như: giải độc gan, hỗ trợ điều trị viêm gan siêu vi B, hoàng đản (vàng da)”, BS Đông y Nguyễn Hữu Trường cho biết.
Diệp hạ châu là vị thuốc còn được biết đến với tên gọi dân gian là cây chó đẻ răng cưa.
BS Trường cũng đưa ra một số bài thuốc Nam thường dùng diệp hạ châu để chữa các bệnh về gan:
- Giải độc gan, chữa mụn nhọt do gan nóng nhiệt: Diệp hạ châu 12g, bồ công anh 15g, lá dâu 15g, ké đầu ngựa 12g, thổ phục linh 15g. Sắc uống mỗi ngày 2 - 3 lần.
- Mắt sưng đỏ, táo bón do gan nóng nhiệt: Diệp hạ châu 40g sắc uống mỗi ngày.
- Hỗ trợ điều trị viêm gan siêu vi B: Diệp hạ châu 15g, nhân trần 12g, hạ khô thảo 12g, bạch hoa xà thiệt thảo 20g, bán chi liên 20g, bồ công anh 15g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Chữa vàng da, viêm thận đái đỏ: Diệp hạ châu 40g, mã đề 20g, dành dành 12g, nhân trần 12g, hạ khô thảo 12g để sắc uống.
BS Trường đặc biệt lưu ý: “Cây diệp hạ châu chỉ dùng để hỗ trợ điều trị viêm gan siêu vi B, tức là giúp làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh và khống chế sự phát triển của virus viêm gan siêu vi B, chứ không phải dùng cây thuốc này sẽ có kết quả âm tính với virus viêm gan B”.
Theo ông Trường, diệp hạ châu có tính mát, không nên dùng cho những người thể tỳ vị hư hàn, tức là những người dễ đầy bụng, khó tiêu, đại tiện lỏng nát, sợ lạnh. Nếu dùng trong trường hợp này sẽ làm cho tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Bên cạnh đó, do có tác dụng mát gan lợi mật nên những người bình thường nếu dùng thường xuyên đồng nghĩa với việc khiến gan mật sơ tiết nhiều hơn bình thường, lâu ngày sẽ làm suy giảm chức năng gan mật.
Vì vậy, người không có bệnh về gan cũng không nên dùng diệp hạ châu để phòng bệnh hay để tăng cường chức năng gan.
BS Trường đang thăm khám, bắt mạch cho bệnh nhân.
“Gần đây cũng có nhiều bạn hỏi rằng, việc sử dụng cây diệp hạ châu lâu ngày có gây ra vô sinh hay rối loạn cương dương không?
Như chúng ta biết, khả năng sinh lý cũng sinh sản sẽ đầy đủ trên cơ thể mạnh khỏe. Vì vậy, việc sử dụng cây thuốc nói chung và cây diệp hạ châu nói riêng, nếu dùng đúng cách, giúp cơ thể mạnh khỏe sẽ không phải lo ngại vấn đề trên.
Ngược lại, nếu bạn dùng không đúng cách như đã nêu trên sẽ làm cho cơ thể sinh bệnh, từ đó sẽ làm cho người mệt mỏi thêm, dĩ nhiên là sẽ ảnh hưởng đến không chỉ khả năng sinh lý và sinh sản mà có thể còn gây ra nhiều bệnh chứng khác”, BS Trường cảnh báo.
Đồng quan điểm với BS Trường, lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) cho biết thêm, diệp hạ châu có hai loại là diệp hạ châu ngọt và diệp hạ châu đắng, trong đó diệp hạ châu đắng có tác dụng chữa bệnh tốt hơn cả.
Ông Minh cũng cho rằng, khi sử dụng diệp hạ châu không được dùng liên tục, thường xuyên. Hiện nay nhiều chị em có suy nghĩ sử dụng diệp hạ châu để uống hàng ngày thay cho nước lọc như một cách bổ sung nước, đồng thời làm đẹp da.
“Đây là suy nghĩ hết sức sai lầm. Lạm dụng diệp hạ châu sẽ gây lạnh gan, do đó nếu dùng liên tục với suy nghĩ để da đẹp hơn, gan khỏe mạnh hơn sẽ phản tác dụng”, lương y Bùi Hồng Minh nói.
Theo ông Minh, sử dụng diệp hạ châu có thể ảnh hưởng đến chuyện sinh đẻ - căn cứ vào tính vị hàn, mát của chúng.
Một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ khó có thai là do tử cung lạnh, mà diệp hạ châu có khả năng làm tăng tính lạnh ở tử cung. Vì vậy, phụ nữ khó có thai do sử dụng diệp hạ châu là có căn cứ dựa vào tính vị.