Ngày 8/1, một số trang tin điện tử, mạng xã hội chia sẻ thông tin cho rằng khu du lịch Đại Nam đóng cửa, ngưng hoạt động sau khi bà Nguyễn Phương Hằng - CEO Công ty Cổ phần Đại Nam đi nước ngoài.
Đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Đại Nam phủ nhận thông tin trên và cho biết, khu du lịch này chỉ tạm ngưng hoạt động một tuần, từ ngày 22 đến 28/1, để chỉnh trang chuẩn bị dịp Tết nguyên đán sắp tới.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Đại Nam, những thông tin sai lệch, chưa chính xác kế trên đã gây ra sự hiểu nhầm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến Đại Nam.
“Các bài đăng, thông tin " Đại Nam đóng cửa " là hoàn toàn chưa đúng. Chúng tôi đã đề nghị tất cả các trang báo đưa thông tin gây hiểu lầm lập tức gỡ bài, đính chính thông tin. Nếu phát hiện trường hợp cố ý đăng thông tin giật tít sai lệch, xâm phạm đến quyền lợi của Đại Nam, chúng tôi sẽ đề nghị xử lý theo quy định pháp luật”- đại diện Công ty Cổ phần Đại Nam cho biết.
Khu du lịch từng xảy ra lùm xùm
Khu du lịch Đại Nam được xây dựng đến nay hơn 25 năm với vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, rộng gần 700 ha tại phường Hiệp An (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
Khu du lịch Đại Nam từng xảy ra nhiều việc lùm xùm, trong đó nổi nhất là cuộc thanh tra phát hiện nhiều công trình vi phạm và truy thu thuế .
Cụ thể, tháng 10/2013, ông Huỳnh Uy Dũng làm đơn tố cáo ông Lê Thanh Cung, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tới Thủ tướng liên quan việc quy hoạch và hoạt động của Khu công nghiệp Sóng Thần 3 do Công ty cổ phần Đại Nam làm chủ đầu tư. Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ lập đoàn xác minh đơn tố cáo của ông Dũng đối với ông Cung.
Tháng 7/2014, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận xác minh tố cáo của ông Dũng cho rằng việc ông Cung ký văn bản không cho Công ty Đại Nam chuyển nhượng “khu ở” trong Khu công nghiệp Sóng Thần 3 là đúng vì đất khu công nghiệp không được “phân lô, bán nền”. Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra trách nhiệm một số sở, ngành, văn phòng UBND tỉnh khi doanh nghiệp xin phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch nhưng chậm trả lời.
Cuối năm 2014, Cục Thuế tỉnh Bình Dương thành lập đoàn thanh tra về thuế giai đoạn 2009-2013 (không gồm năm 2011 vì đã thanh tra) đối với Công ty Đại Nam, tuy nhiên Đại Nam liên tục xin hoãn đợt thanh tra này. Ông Dũng tuyên bố miễn phí một phần chi phí với khách tại khu du lịch Đại Nam và sau đó sẽ đóng cửa khu du lịch này.
Tháng 1/2015, sau khi đoàn thanh tra của Cục Thuế tỉnh Bình Dương không tiến hành thanh tra được, UBND tỉnh Bình Dương đã lập đoàn thanh tra liên ngành do Thanh tra Nhà nước tỉnh Bình Dương chủ trì, thanh tra toàn diện Công ty Đại Nam.
Tháng 8/2015, Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Bình Dương kết thúc thanh tra, UBND tỉnh ban hành kết luận thanh tra đối với Công ty Cổ phần Đại Nam, kiến nghị truy thu thuế, phạt vi phạm hành chính công ty 99 tỷ đồng. Số tiền mà Công ty Cổ phần Đại Nam bị truy thu và phạt chủ yếu liên quan tới các loại thuế trong quá trình sản xuất kinh doanh gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường.
Trong đó, tiền thuế bị truy thu hơn 58,6 tỷ đồng, số tiền bị phạt hơn 25,6 tỷ đồng. Tổng cộng, số tiền liên quan tới thuế bị truy thu và phạt từ giai đoạn 2009-2014 là hơn 97,7 tỷ đồng, chiếm phần lớn trong tổng số tiền 99,05 tỷ đồng mà Công ty Cổ phần Đại Nam phải nộp. Trong các loại thuế nói trên, thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế mà Đại Nam bị tính truy thu và phạt nhiều nhất (hơn 64,5 tỷ đồng).
Đối với khu du lịch Đại Nam, kết luận thanh tra khi đó nêu có 167 hạng mục công trình đã xây dựng hoàn chỉnh (chủ yếu là các công trình, hạng mục phụ trợ, quy mô nhỏ và một số công trình kiên cố) nhưng chủ đầu tư không lập thủ tục xin phép xây dựng và đăng ký sở hữu công trình, trong đó có bốn công trình không phù hợp quy hoạch. Tổng số tiền xử phạt vi phạm đối với lĩnh vực xây dựng cơ bản là 190 triệu đồng. Công ty Cổ phần Đại Nam sau đó đã nộp phạt và toàn bộ tiền thuế truy thu.