Thực hư chuyện giá vé máy bay tăng cao “chóng mặt”?

Đại Phú |

Bước vào tháng 4, người dân bắt đầu lên kế hoạch cho kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 và đặc biệt là mùa hè sắp tới và câu chuyện về vé máy bay lại nóng lên trên khắp các kênh truyền thông.

Hiện nay, các đường bay du lịch khởi hành từ các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM… đang bắt đầu vào mùa đông khách, đặc biệt vào đúng dịp cuối tuần hay nghỉ lễ thì các chuyến bay giờ đẹp cũng “cháy vé”. “Đường bay vàng” nội địa Hà Nội - TP. HCM có mức giá dao động từ 2,5-3,5 triệu cho vé phổ thông khứ hồi.

Sau giai đoạn bùng nổ nhu cầu du lịch sau đại dịch, thị trường hàng không trong nước đã khôi phục các đường bay trong nước và đưa hoạt động hàng không Việt Nam trở lại như trước dịch, mặc dù vậy hoạt động hàng không phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới.

Câu chuyện vé máy bay trong các dịp nghỉ lễ, Tết, cao điểm hè sẽ mang tính thường lệ khi nhu cầu sẽ cao hơn rất nhiều và những giới hạn đặc thù của vận tải hàng không so với các phương tiện vận chuyển khác.

Vậy những yếu tố nào làm ảnh hưởng tới giá vé máy bay trong thời gian gần đây?

Sau thời gian ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và tình trạng bất ổn địa chính trị tại nhiều quốc gia trên thế giới, ngành hàng không thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đối mặt với chi phí nhiên liệu biến động thất thường, đứt gãy chuỗi cung ứng trang thiết bị, nguồn nhân lực… Chính sách quy định giá trần, giá sàn cũng làm ảnh hưởng tới giá vé máy bay trong nước thời gian này.

Tại Việt Nam, từ cuối năm 2023, một số hãng đã cắt hoặc giảm tần suất một số đường bay do thua lỗ kéo dài. Điền hình như, từ 1/4/2024, Bamboo Airways chính thức dừng các chặng bay đi, đến Côn Đảo sau 5 năm khai thác. Nguyên nhân do hãng phải trả 3 máy bay dòng Embraer E190, loại máy bay này có mức tiêu thụ nhiên liệu cao (gần bằng Airbus A320/321, trong khi số khách chở được chỉ bằng một nửa), không hiệu quả trong bối cảnh giá xăng dầu cao, xu thế giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, hướng tới các công nghệ tiết kiệm nhiên liệu hoặc thân thiện với môi trường hiện nay. Trước đó, hãng này cũng cắt giảm rất nhiều đường bay khác vì lỗ.

Điều thứ hai tác động mạnh đến giá vé máy bay là mất cân đối cung - cầu, tức nhu cầu đi lại lớn nhưng nguồn cung bị hạn chế do thiếu máy bay.

Thực hư chuyện giá vé máy bay tăng cao “chóng mặt”?- Ảnh 2.

Số lượng máy bay hoạt động giảm mạnh do nhiều nhà sản xuất đã phải triệu hồi máy bay để kiểm tra, bảo dưỡng chuyên sâu. Tại Việt Nam, nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney đã triệu hồi động cơ PW 1100 được sử dụng trên 42 máy bay Airbus A321 NEO khai thác bởi Vietnam Airlines và VietJet Air để sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Việc triệu hồi động cơ để kiểm tra, sửa chữa đã làm 50% số máy bay Airbus A321 NEO phải dừng khai thác từ tháng 1/2024.

Cùng với đó, các hãng hàng không Pacific Airlines và Bamboo Airways thực hiện việc tái cơ cấu đội máy bay nhằm tối ưu công tác quản trị, tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, ổn định hoạt động khai thác trong giai đoạn này và chờ thị trường khôi phục, phát triển trở lại trong giai đoạn tới đây. Điều này cũng khiến sụt giảm số lượng máy bay sẵn sàng hoạt động ở hiện tại và thời gian tới.

Trước nhu cầu lớn mà số lượng máy bay sẵn sàng hoạt động đáp ứng không đủ khiến nhiều hàng phải đi thuê ướt tàu bay (gồm cả tàu bay và phi hành đoàn), cho nên giá vé máy bay bị công thêm chi phí. Ngay từ đầu năm 2024, Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đã thuê ướt 12 tàu bay, nhưng vẫn chưa đủ để phục vụ nhu cầu của hành khách vào dịp cao điểm.

Giữa lúc khan hiếm máy bay trên diện rộng, các hãng đang phải vật lộn tận dụng tối đa mọi nguồn lực, thì đang có 4 chiếc Airbus 321neo lại bị bỏ không, lãng phí tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất hơn một năm nay. Đây là 4 chiếc A 321 đang nằm trong một vụ tranh chấp thương mại, chờ phán quyết từ tòa kinh tế tại Anh.

Song song với đó, đứt gãy chuỗi cung ứng cũng khiến giá thuê máy bay tăng mạnh và làm giá vé tăng cao. Năm 2024, giá thuê một tàu bay thân hẹp có thể tăng đến 100.000 USD mỗi tháng. Không chỉ vậy, các chi phí đầu vào tăng điển hình như giá nhiên vật liệu, nhân công, phí sân bay kéo theo giá máy bay thay đổi là điều không thể tránh khỏi.

Cụ thể, như các hãng hàng hàng không truyền thống, trước dịch, chi phí nhiên liệu bay trên giá vé chỉ chiếm khoảng 25%, còn hiện tại đã lên đến gần 40%. Hơn nữa, chi phí đầu vào của các hàng hàng không phải trả bằng đồng USD trong khi tỷ giá VND/USD đang tăng, do đó chi phí bị ảnh hưởng bởi tỷ giá nên cũng cao hơn trước.

Theo dữ liệu của các hãng bay, giá nhiên liệu trung bình năm 2023 so với năm 2015 (thời điểm khung giá vé máy bay được áp dụng trước khi áp trần giá vé vào 1/3/2024) đã tăng tới 58,6%, từ mức giá 67,37 USD/thùng trung bình năm 2015 tăng lên mức 106,86 USD/thùng năm 2023.

Bên cạnh đó, tình trạng quá tải ở các sân bay cửa ngõ tại các thành phố lớn như Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất cũng tác động đến chi phí đầu vào. Nguyên nhân chủ yếu do hệ thống đường cất hạ cánh xuống cấp, nhà ga hành khách chưa đáp ứng công suất khai thác; hệ thống giao thông kết nối ngoại cảng chưa đáp ứng, gây ùn tắc tại cửa ngõ cảng hàng không. Việc máy bay phải bay lòng vòng trên trời chưa thể hạ cánh hoặc phải nằm trên đường băng, cất cánh chậm cũng làm tăng chi phí cho các hãng hàng không.

Mặc dù giá vé máy bay tăng nhưng thực tế các hàng hàng không vẫn lỗ. Theo công bố mới nhất, Vietnam Airlines lỗ lũy kế hơn 40.000 tỷ đồng. Bamboo Airways chỉ tính đến hết năm 2022 đã lỗ lũy kế gần 20.000 tỷ đồng, buộc phải cắt giảm rất nhiều đường bay để giảm lỗ... Có thể nói rằng, chi phí do những nhân tố thị trường thay đổi đang ăn mòn lợi nhuận của các hãng hàng không Việt.

Ngoài ra, việc buộc phải vận hành không tải một chiều trong những dịp cao điểm cũng là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của ngành hàng không sụt giảm. Đặc biệt, trong các dịp lễ lớn như Tết Nguyên đán, không một hãng hàng không nào muốn bay rỗng, nhưng để mọi người dân đều được sum vầy bên gia đình, các hãng bay đã không tính toán thiệt hơn mà vẫn vận hành các chuyến bay rỗng một chiều.

Theo Forbes, nếu một tàu bay thân hẹp từ tầm ngắn đến tầm trung bay chuyến bay rỗng trên hành trình dài 1.000 dặm (khoảng 1.600km), hãng hàng không sẽ mất khoảng 30.000 USD chi phí. Đây là khoản lỗ trực tiếp từ nhiên liệu, bảo trì, phí cất, hạ cánh và tiền lương, chưa kể một số chi phí khác các hãng phải đối mặt. Từ con số này, dễ dàng thấy được khoản chi phí không nhỏ mà các hãng bay Việt Nam bị mất khi thực hiện một chuyến bay rỗng với chặng bay dài khoảng 1.200km giữa Hà Nội và TP.HCM.

Vậy làm thế nào để có giá vé máy bay ở mức hợp lý? Hãy quay trở lại với thói quen lên kế hoạch bay sớm, đặt vé xa ngày để có được giá vé tốt nhất là lời khuyên dành cho tất cả. Mỗi chuyến bay sẽ luôn có các khoảng giá từ thấp đến cao, nếu đặt vé càng sớm thì giá vé sẽ càng thấp.

Trước những kỳ nghỉ lễ cố định hay mùa hè, hãy sắp xếp để đặt vé bay trước thay vì sát ngày bay. Hơn nữa, việc khách hàng đặt vé sớm cũng giúp ngành hàng không chủ động chuẩn bị được các kế hoạch khai thác, đánh giá được nhu cầu sớm và tăng chuyến nếu cần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại