Sử dụng các sản phẩm đắp vào gan bàn chân có thể phòng ngừa được đột quỵ. Đây là bài thuốc được lan truyền nhanh chóng trên mạng. Tuy nhiên theo các chuyên gia, nó không có tác dụng.
Bài thuốc của vị lương y già
Gần đây trên mạng chia sẻ bài thuốc của lương y Đỗ Thị Xuyến (84 tuổi) - Ủy viên Ban chấp hành Hội Đông y quận Hoàn Kiếm, Hà Nội về bài thuốc từ hạt trộn lẫn.
Theo lương y Xuyến, bà đã nghiên cứu tác dụng của bài thuốc, tham khảo ý kiến đồng nghiệp, nhất là Ban Chấp hành Hội Đông y quận Hoàn Kiếm, tất cả đều cho rằng bài thuốc đắp chân chống đột quỵ tai biến có cơ sở khoa học cả ở góc độ y học cổ truyền và y học hiện đại.
Bài thuốc không chỉ có tác dụng chống đột quỵ, tai biến mà còn có những tác dụng khác rất tốt cho sức khỏe, nhất là người cao tuổi.
Bài thuốc được giới thiệu đó là sử dụng cho những người từ 29, 30 tuổi trở lên, người gặp vấn đề huyết áp, tim mạch, người mắc bệnh tim mạch, tuổi tác cao. Ngoài ra những người thường xuyên sử dụng bia rượu, chất kích thích.
Nguyên liệu
Hạnh nhân: 10g (đã tán sẵn), chi tử: 10g (đã tán sẵn), đào nhân: 10g (đã tán sẵn)
Nguyên liệu phụ kèm: - Gạo nếp: 10 hạt (Giã nhỏ ) - Hạt tiêu sọ trắng: 10 hạt (Giã nhỏ - Lòng trắng trứng gà: 01 quả.
Cách thực hiện bài thuốc phòng chống đột quỵ, tai biến
- Tán thật nhỏ 10 hạt gạo nếp cùng 10 hạt tiêu sọ.
- Trộn thật đều nguyên liệu thuốc Bắc với nguyên liệu phụ kèm cùng lòng trắng trứng gà.
- Lấy một miếng nilon vừa bằng gan lòng bàn chân.
- Cho tất cả hỗn hợp trên miếng nilon sau đó đắp vào gan bàn chân.
- Lấy vải (băng y tế) quấn nhiều vòng buộc chặt không để thuốc chảy ra.
- Đắp thuốc từ buổi tối để qua đêm, đến sáng hôm sau tháo ra.
Khi sử dụng bài thuốc này cần lưu ý nữ đắp bàn chân phải. Nam đắp bàn chân trái.
Kết quả: Khi tháo ra thấy lòng bàn chân có màu xanh mực Cửu Long là kết quả tốt. Càng xanh đậm càng tốt. - Một thời gian sau (5 -7 ngày) màu xanh sẽ mờ dần đi.
Đây được xem là một bài thuốc hay gối đầu giường và được nhắn nhủ của một người bệnh đột quỵ "đắp một lần để không phải hối tiếc như tôi".
Bàn chân màu xanh sau khi đắp thuốc (Ảnh: soha.vn)
Không có tác dụng
Trao đổi với chúng tôi, lương y Vũ Quốc Trung cho biết, Huyệt Dũng tuyền là một huyệt nằm ở vị trí lõm giữa lòng bàn chân, tại điểm nối 2/5 trước và 3/5 sau của đoạn thẳng nối từ đầu ngón chân thứ 2 đến bờ sau của gót chân.
Đông y coi huyệt Dũng tuyền là tỉnh huyệt của đường kinh túc thiếu âm thận, huyệt đặc trị để trừ hư hỏa, giáng khí nghịch.
Tuy nhiên, việc đắp vào huyệt dũng tuyền để phòng ngừa đột quỵ, chỉ đắp 1 lần cả đời đột quỵ không "gõ cửa" thì không chính xác lắm.
Những vị thuốc trên có tác dụng làm nóng gan bàn chân như hạt tiêu sọ, trứng làm dẻo hỗn hợp.
Cùng quan điểm, bác sĩ Phạm Việt Hoàng – Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện Y học Cổ truyền Trung ương cho rằng không có tác dụng.
Bác sĩ Hoàng cho biết trong đông y ông chưa nghe nói đến bài thuốc này. Tai biến mạch não hay đột quỵ não là bệnh nguy hiểm và thường để lại nhiều di chứng nặng nề.
Cho đến nay, cả y học cổ truyền cũng như y học hiện đại chưa có loại thuốc nào hay kỹ thuật can thiệp nào chỉ dùng một liều, một lần duy nhất có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Để ngừa đột quỵ tốt nhất nên kiểm soát tốt huyết áp của mình nhất là ở người béo phì, người lười vận động và người có tiền sử tăng huyết áp.
Nói về bài thuốc chỉ 1 lần trị không lo đột quỵ này, bác sĩ Hoàng cho biết chẳng bao giờ có một bài thuốc nào chỉ cần đắp lòng bàn chân một lần lại có khả năng chống một chứng bệnh cấp tính, nguy hiểm như trúng phong, kể cả công năng phòng bệnh.
Ở Nhật, người ta đã bào chế các miếng dán có tẩm dược liệu thiên nhiên nhằm giúp cơ thể đào thải các chất độc qua da ở lòng bàn chân, cũng phải sử dụng với liệu trình nhiều tuần, nhiều tháng mới đạt hiệu quả ở mức độ nhất định.