Tối ngày 3/1/2019, tàu thăm dò Mặt Trăng mang tên nữ thần Mặt Trăng - Hằng Nga (Chang'e) - của Trung Quốc đã hạ cánh thành công xuống nửa tối của vệ tinh tự nhiên lớn nhất Trái Đất (còn gọi là nửa không nhìn thấy được của Mặt Trăng - Far side of the Moon).
Sự kiện đầu năm 2019 trở thành dấu mốc lịch sử khó quên với Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) nói riêng và cả ngành du hành vũ trụ của nhân loại nói chung, bởi trước đó, chưa một nhà du hành hay robot tự hành nào đặt chân lên thế giới bí mật này của Mặt Trăng.
Trước đó ngày 7/12/2018, Trung Quốc cho tên lửa đưa tàu thăm dò Chang’e-4 tiến thẳng đến Mặt Trăng. Sau 5 ngày di chuyển một quãng đường dài 384.400 km, tàu thăm dò Hằng Nga-4 tiến vào vùng quỹ đạo Mặt Trăng, ít lâu sau, nó hạ cánh thành công xuống nửa tối của vệ tinh Trái Đất, tạo nên dấu mốc khó quên trong lịch sử khám phá vũ trụ của loài người.
Mặc dù sứ mệnh Chang’e-4 thăm dò nửa tối của Mặt Trăng hoàn toàn thành công bước đầu nhưng CNSA rất kín tiếng trước công chúng và dư luận thế giới.
Hơn 2 tuần sau khi tàu thăm dò Hằng Nga-4 đi vào quỹ đạo Mặt Trăng, CNSA mới tuyên bố chính thức cho truyền thông trong và ngoài nước. Trên khắp thế giới, các cường quốc vũ trụ, giới khoa học, thiên văn học và công chúng quan tâm đi từ ngờ vực đến ngạc nhiên và vui mừng. Họ chăm chú theo dõi sứ mệnh có 1-0-2 trong lịch sử Trung Quốc nói riêng và lịch sử khám phá vũ trụ nói chung này.
Tuy CNSA kín tiếng về sứ mệnh lịch sử này nhưng National Geographic đã kịp có những thông tin đáp ứng nhu cầu hiểu biết cho những người quan tâm.
Chang'e-4 là sứ mệnh thăm dò Mặt Trăng mới nhất do Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) thực hiện. Chang'e-4 còn được gọi là Hằng Nga-4, hoặc Thường Nga-4.
Tàu thăm dò Chang’e-4 của Trung Quốc đổ bộ thành công xuống bề mặt nửa tối của Mặt Trăng ngày 3/1/2019. Nguồn: XINHUA/BARCROFT IMAGES
Hai sứ mệnh Mặt Trăng đầu tiên mới dừng ở việc bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng. Sứ mệnh thứ ba, Trung Quốc thành công trong việc hạ cánh một tổ hợp tàu thăm dò tại nửa nhìn thấy được của Mặt Trăng vào năm 2013.
Sứ mệnh Chang'e-4 bao gồm một tàu đổ bộ, một robot tự hành trên mặt đất và một vệ tinh chuyển tiếp liên lạc tên là Quequiao có nhiệm vụ truyền thông tin và hình ảnh cho trung tâm điều khiển mặt đất (Quequiao đã được phóng trước đó vào tháng 5/2018).
Với việc hạ cánh thành công ngày 3/1/2019, Chang'e-4 trở thành chuyến tàu đầu tiên trong lịch sử nhân loại hạ cánh ở nửa không nhìn thấy được của Mặt Trăng.
"Chang'e-4 là sứ giả của Trái Đất, lần đầu tiên chạm xuống nửa tối của Mặt Trăng. Sau khi cho robot tự hành khám phá bề mặt tại đây, những hình ảnh và dữ liệu truyền về sẽ cung cấp cho chúng ta những thông tin vô cùng giá trị, tiết lộ thế giới bí mật bấy lâu về nửa còn lại của Mặt Trăng." - Long Xiao, nhà địa chất học hành tinh thuộc Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc, trả lời với National Geographic.
Đối với lịch sử khám phá vũ trụ thế giới, sự kiện tàu thám hiểm Chang’e-4 hạ cánh thành công xuống nửa tối Mặt Trăng nghiễm nhiên đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử tiến hành một cuộc thám hiểm đổ bộ ở nửa tối bí ẩn này.
Nửa tối của Mặt Trăng còn gọi là nửa không nhìn thấy được của Mặt Trăng - Far side of the Moon. Nguồn: Internet
Mặt Trăng là vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Trái Đất chúng ta. Nó đã quay quanh Trái Đất trong hơn 4,5 tỷ năm và trong thời gian đó, lực hấp dẫn của Trái Đất đã buộc tốc độ quay của Mặt Trăng phải đồng bộ với quỹ đạo của nó.
Nửa nhìn thấy được của Mặt Trăng được quan sát trong một tháng, cho thấy hiệu ứng đu đưa. Nguồn: Wikipedia
Kết quả là, cả Mặt Trăng đều quay trên trục của chính nó và quay quanh Trái Đất cứ sau 28 ngày. Điều đó có nghĩa là, một nửa bán cầu Mặt Trăng vĩnh viễn quay về phía Trái Đất, trong khi phía đối diện là nửa không nhìn thấy được của Mặt Trăng.
Nửa không nhìn thấy được của Mặt Trăng đôi khi được gọi là Nửa tối của Mặt Trăng hoặc Mặt tối của Mặt Trăng.
Gọi là Nửa tối của Mặt Trăng là vì người Trái Đất không quan sát được nó, chứ không phải nửa này không có ánh sáng Mặt Trời.
Giới thiên văn học cho biết, trong vòng 1 tháng, cả hai nửa của Mặt Trăng đều trải qua hai tuần có ánh sáng Mặt Trời, sau đó hai tuần là hai tuần chìm trong đêm tối.
Trên thực tế, có khoảng 18% nửa tối của Mặt Trăng đôi lúc được nhìn thấy từ Trái Đất do hiệu ứng đu đưa của Mặt Trăng.
Thực ra, cả Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh đều nỗ lực chinh phục Mặt Trăng rất nhiều lần. Tuy nhiên, thành tựu lớn nhất ghi dấu trong lịch sử loài người mà người Mỹ đạt được đó là đưa người lên nửa nhìn thấy của Mặt Trăng. Còn nửa tối? Họ đã nỗ lực nhưng đến nay, đã chậm chân hơn Trung Quốc một bước.
Trong lịch sử khám phá vũ trụ của loài người, rất nhiều nỗ lực khám phá nửa tối của Mặt Trăng đã được hai cường quốc vũ trụ là Mỹ và Liên Xô thực hiện.
Với 82% còn lại của nửa tối chưa được quan sát, Liên Xô là quốc gia đi tiên phong khám phá thế giới bí mật của một nửa Mặt Trăng vĩnh viễn không quay mặt về Trái Đất. Tháng 10/1959, Liên Xô phóng tàu thăm dò không gian Luna 3 (số hiệu E-2A No.1) thực hiện sứ mệnh quan sát nửa tối bí ẩn của Mặt Trăng.
Những hình ảnh hiếm hoi do Luna 3 mang về cho thấy nửa tối của Mặt Trăng có địa hình đồi núi, với vô số miệng núi lửa và ít hố bằng phẳng, rất khác so với nửa quan sát được của Mặt Trăng. Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đã xuất bản bản đồ đầu tiên ở nửa tối Mặt Trăng vào năm 1960.
Công cuộc chinh phục nửa tối Mặt Trăng diễn ra đúng lúc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô ở giai đoạn gay cấn nhất. Không an phận nhìn Liên Xô đơn phương quan sát nửa tối đầy bí ẩn, Tổng thống Mỹ đương thời John F. Kennedy đã hiệu triệu giới khoa học/thiên văn học Mỹ thực hiện bằng được sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng cũng như khám phá phần bí mật còn lại của vệ tinh tự nhiên này.
Các tàu thăm dò Mặt Trăng đầu tiên của Mỹ là Ranger 7 (phóng đi vào tháng 7/1964), tiếp theo là Ranger 8 và Ranger 9 (vào tháng 2 và tháng 3/1965) đã quan sát thành công nửa tối Mặt Trăng.
Hình ảnh rõ nét nhất của nửa tối Mặt Trăng do các tàu thăm dò Ranger của NASA thực hiện. Nguồn: NASA.
Không dừng ở đó, năm 1968, các phi hành gia của tàu vũ trụ Apollo 8 là những người đầu tiên quan sát trực tiếp nửa tối khi họ bay quanh Mặt Trăng. Cho đến nay, chưa có phi hành gia nào từng đứng trên nửa bề mặt này của Mặt Trăng.
Việc Trung Quốc phóng vệ tinh chuyển tiếp liên lạc Quequiao vào tháng 5/2018 là có lý do riêng. Bởi, nửa tối của Mặt Trăng cắt đứt mọi liên lạc có thể diễn ra tại bề mặt khu vực này với Trái Đất. Tín hiệu radio bị vô hiệu hóa khi ở nửa tối Mặt Trăng, đó là lý do, khi các phi hành gia Apollo 8 bay vào vùng tối Mặt Trăng, họ hoàn toàn bị cô lập với phần còn lại của loài người.
Sứ mệnh Chang'e-4 đã giải quyết bài toán khó này bằng một vệ tinh chuyển tiếp liên lạc. Vào tháng 5 năm 2018, CNSA đã phóng vệ tinh Quequiao lên quỹ đạo quanh L2, một điểm trung tính ngoài Mặt Trăng nơi trọng lực của Trái Đất và Mặt Trăng triệt tiêu lực hướng tâm của một vật thể đang ở đó, cho phép nó đứng yên được.
Như vậy, vệ tinh Quequiao nắm giữ sứ mệnh vô cùng quan trọng là thiết lập hệ thống liên lạc giữa trung tâm chỉ huy mặt đất và tàu thám hiểm Chang’e-4. Nó sẽ yên vị làm nhiệm vụ tại quỹ đạo cách Trái Đất khoảng 455.000 km. Quequiao chính là vệ tinh liên lạc đầu tiên trên thế giới hoạt động ở quỹ đạo đặc biệt này.
Với thành tựu kép này, Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ và Liên Xô (nay là Nga) để trở thành quốc gia đầu tiên thám hiểm đổ bộ nửa tối còn lại của Mặt Trăng.
Đích đến mà CNSA nhắm đến chính là miệng núi lửa Von Kármán, đường kính 180 km, thuộc lưu vực Nam Cực-Aitken. Với đường kính lên đến 2.414km, bao phủ gần 1/4 bề mặt Mặt Trăng, lưu vực Nam Cực-Aitke là một trong những hố núi lửa lớn nhất trong Hệ Mặt Trời.
Von Kármán có đường kính 180 km, thuộc lưu vực Nam Cực-Aitken - một trong những miệng núi lửa lớn nhất trong Hệ Mặt Trời. Nguồn: NASA/GSFC/Arizona State University
Khu vực này được cho là đã hình thành từ một tác động rất lớn, vì vậy nghiên cứu nó sẽ giúp các nhà khoa học hiểu chi tiết về lớp vỏ và mặt trong của Mặt Trăng (như các thành phần và độ tuổi).
Từ việc xác định những tác động khác nhau từ bên ngoài xuống Mặt Trăng, các nhà khoa học hy vọng sẽ hiểu được những tác động bên ngoài mà Trái Đất từng hứng chịu trong suốt chiều dài lịch sử.
"Có bao nhiêu vật thể rơi xuống Trái Đất trong những ngày đầu hành tinh còn non trẻ? Những vật thể này đã mang lại những gì, và chúng đến khi nào? Lịch sử này có ý nghĩa gì đối với nguồn gốc của sự sống? Chang'e-4 có thể giúp chúng tôi trả lời những câu hỏi này." - Nhà khoa học hành tinh Clive Neal, một chuyên gia về địa chất của Mặt Trăng cho biết.
Nhiều thiết bị trang bị trên Chang'e-4 lấy từ thiết bị của sứ mệnh tiền thân Chang'e-3, bao gồm các loại máy ảnh kỹ thuật cao, trong đó có máy ảnh mà Chang'e-3 đã từng chụp được những hình ảnh tuyệt đẹp của Mặt Trăng. Ngoài ra, Chang'e-4 được trang bị radar có thể xuyên qua bề mặt Mặt Trăng.
Khác với Chang'e-3, Chang'e-4 thực hiện thí nghiệm "sinh quyển Mặt Trăng" mang cả hạt giống và trứng tằm lên để quan sát thực vật sống sót ra sao trên Mặt Trăng.
Chang'e-4 còn triển khai máy quang phổ vô tuyến tần số thấp, cho phép các nhà khoa học nghiên cứu bầu không khí chứa năng lượng cao của Mặt Trời từ xa.
Trung Quốc có kế hoạch và mục tiêu rất lớn cho chương trình thám hiểm Mặt Trăng của mình. Nhiệm vụ tiếp theo của Chang'e-4 chính là Chang'e-5, với sứ mệnh đáp xuống bề mặt của Mặt Trăng và đưa các mẫu trở về Trái Đất.
Nếu thành công, Trung Quốc sẽ là quốc gia thứ ba mang được mẫu vật từ Mặt Trăng trở về Trái Đất và là quốc gia thứ hai làm được như vậy với robot. Tất nhiên, chưa dừng ở đó, các nhà khoa học Trung Quốc còn phác thảo tham vọng lớn hơn nữa trên Mặt Trăng vào những năm 2020: Đó là đưa người lên Mặt Trăng và xây dựng căn cứ ở đó! Liệu đây có phải bước đệm để Trung Quốc vượt mặt Mỹ, Nga, châu Âu để "xưng vương" trên Mặt Trăng?
Tất nhiên, Trung Quốc không đơn phương tiến hành những tham vọng mang tầm vũ trụ này trên Mặt Trăng, bởi NASA của Mỹ cũng đã "mơ đến" việc đặt một trạm vũ trụ trên vệ tinh tự nhiên này trong những năm 2020.
Còn Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã công bố mục tiêu xây dựng ngôi làng Mặt Trăng. Ấn Độ - quốc gia châu Á - cũng sớm phóng tàu thăm dò Chandrayaan-2 đến cực nam của Mặt Trăng.
Sau sự kiện chấn động lịch sử khi Mỹ đưa người đổ bộ thành công lên bề mặt Mặt Trăng năm 1969, nhân loại thời nay đã xem Mặt Trăng đã một trong những đích chinh phục to lớn của mình. Tham vọng trở thành những quốc gia tiên phong giải mã bí mật và định cư trên Mặt Trăng có lẽ không còn là chuyện viễn tưởng.
Xem video: Tàu thăm dò Chang’e-4 của Trung Quốc đổ bộ thành công xuống bề mặt nửa tối của Mặt Trăng ngày 3/1/2018 - Nguồn: China Central Television/CNSA
Tàu thăm dò Chang’e-4 của Trung Quốc đổ bộ bề mặt nửa tối của Mặt Trăng. Nguồn: CCTV/CNSA
Tác giả: Michael Greshko/National Geographic