Báo Hànộimới từng phản ánh tại chợ K83 (phố Hoa Bằng) và chợ tạm ngõ 100 Trung Kính (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) vẫn họp thường xuyên từ 5h30 đến 11h; hàng bún chả vẫn hoạt động, rác thải vứt ngay dưới chân bàn. Không những thế, nước thải từ việc giết mổ cá, gia cầm khiến đoạn đường này hôi tanh... Trước tình hình trên, Công an phường Yên Hòa đã xử lý, cử lực lượng dân phòng túc trực thường xuyên nên trong ngày 13-4 chợ đã không còn hoạt động.
Tương tự, những cửa hàng còn hoạt động trong ngày 11-4 mà Báo Hànộimới phản ánh, như: Bia hơi Việt Hà 210 phố Hoa Bằng, các điểm kinh doanh ở phố Yên Hòa gồm: Sim thẻ ở số nhà 115, giặt là số 113, Viện tóc LEO số 143, cầm đồ số 184, sửa điện thoại số 186 thì hôm nay đã đóng cửa. “Những ngày này, phường tăng cường xử lý các vi phạm về trật tự đô thị song song với kiểm tra phòng, chống Covid-19”, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa Đỗ Ngọc Anh thông tin.
Còn tại khu chợ dân sinh ngõ 72 phố Dịch Vọng, phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), sau phản ánh về việc người dân tấp nập mua bán không giữ khoảng cách an toàn, UBND phường Dịch Vọng đã cho kẻ vẽ đánh dấu vị trí xếp hàng để duy trì khoảng cách 2m. Khách vào chợ đều đeo khẩu trang và nhiều người tự giác giữ khoảng cách tối thiểu theo dấu vạch sẵn mà không cần lực lượng chức năng nhắc nhở.
Cách làm này cũng được UBND phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) áp dụng tại “điểm nóng” là chợ dân sinh Yên Thái, nơi đã được Báo Hànộimới phản ánh gần đây là không bảo đảm khoảng cách an toàn khi mua, bán hàng. UBND phường Hàng Gai đã lập 3 chốt trực ở 3 đầu đường vào chợ. Người đi vào chợ đều phải qua kiểm tra thân nhiệt, dùng nước sát khuẩn tay. Lối đi bên trong chợ được kẻ vạch sơn, khách đứng sau vạch để mua hàng.
Tại quận Hoàng Mai, trong các chợ cóc tại khu chung cư Linh Đàm (phường Hoàng Liệt), phố Đại Từ (phường Đại Kim) đã không còn tình trạng lấn chiếm lòng đường, cản trở giao thông như những ngày trước đó.
Trong khi đó, trước thông tin phản ánh việc các hộ kinh doanh tại chợ Hòa Bình (chuyên kinh doanh thiết bị điện tử, xe máy…) mở bán hàng trở lại khi chưa hết thời gian cách ly xã hội, Chủ tịch UBND phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng) Phan Bá Tường cho biết: “Phường đã lập 1 chốt trực cố định ở phố Nguyễn Công Trứ và 1 tổ thường xuyên đi tuần tra nhắc nhở nên tình hình tương đối tốt. Trong ngày 13-4, lực lượng chức năng vẫn đi tuần tra và không ghi nhận trường hợp nào vi phạm, chỉ có một số người dân ở tại đó mở cửa sinh hoạt và một số hàng kinh doanh đồ thiết yếu bán hàng”.
Tại khu vực ngoại thành, tình hình cũng có những chuyển biến nhất định. Ghi nhận của phóng viên trong ngày 13-4, do trời mưa nên lượng người tham gia giao thông trên địa bàn huyện Ứng Hòa khá thưa vắng, hầu hết các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh các mặt hàng thiết yếu đều đóng cửa theo quy định. Lực lượng chức năng trên địa bàn huyện vẫn tiếp tục tăng cường kiểm tra, bám chốt thực hiện nhiệm vụ. Tại chốt xã Đại Cường, cán bộ, chiến sĩ bất chấp mưa rét, thực hiện nghiêm việc kiểm tra người và phương tiện qua lại.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết: Tính đến cuối ngày 13-4, toàn huyện đã xử phạt 56 trường hợp không đeo khẩu trang ở nơi công cộng với số tiền 11 triệu đồng; thiết lập hồ sơ để xử phạt 2 hàng quán không thiết yếu mở cửa (1 quán karaoke, 1 quán cà phê).
Trên địa bàn huyện Thường Tín, những tuyến đường trục xã, đường chính khá vắng người và phương tiện giao thông qua lại. Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thường Tín Trần Hồng Hạnh cho hay, tính từ ngày 1-4 đến nay, Công an huyện đã xử phạt hành chính 2 cơ sở kinh doanh dược phẩm do bán khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ; lập hồ sơ 1 đối tượng đăng tin gây hoang mang dư luận; xử phạt hành chính đối với 114 người ra đường không đeo khẩu trang với số tiền phạt là 22,8 triệu đồng.
Trước tình trạng một số người dân có tâm lý chủ quan, ra đường nhiều hơn, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Thường Tín đã yêu cầu lực lượng công an từ huyện đến cơ sở tăng cường tuần tra, nhắc nhở, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm. Đặc biệt, đối với các xã, thị trấn có nhiều hoạt động kinh doanh như thị trấn Thường Tín, lãnh đạo huyện yêu cầu địa phương tăng số tổ tuần tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm chủ cửa hàng lén lút mở cửa vào các buổi chiều. Chủ tịch UBND thị trấn Thường Tín Nguyễn Văn Học cho biết, thị trấn đã thành lập 4 tổ cơ động, tuần tra, kiểm soát 24/7, qua đó đã phát hiện, xử phạt 12 trường hợp không đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Tại huyện Thanh Trì, khảo sát thực tế ở thị trấn Văn Điển chiều 13-4 cho thấy, người và phương tiện giao thông đi lại khá đông trên tuyến quốc lộ 1A cũ qua địa bàn thị trấn. Tuy vậy, theo ông Lê Ngọc Thường, Bí thư Đảng ủy thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì), lực lượng chức năng của thị trấn nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ 24/7. Trên cơ sở đó, thị trấn đã thiết lập hồ sơ 7 cửa hàng không thiết yếu mở cửa (chủ yếu là các cửa hàng kinh doanh điện máy, điện thoại, sửa chữa xe máy, kính mắt, đồng hồ, khung nhôm kính...), xử phạt 20 trường hợp không đeo khẩu trang với số tiền 4 triệu đồng.
Còn tại địa bàn thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức), do lực lượng chức năng thực hiện nghiêm công tác tuần tra, kiểm soát, nên không có tình trạng cửa hàng không thiết yếu mở cửa. Từ ngày 1-4 đến nay, UBND thị trấn đã xử phạt 10 trường hợp ra đường không đeo khẩu trang hoặc không có lý do chính đáng.
Trung tá Dương Ngọc Trai, Trưởng Công an thị trấn Trạm Trôi cho biết, đơn vị quán triệt lực lượng tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, thành phố và Giám đốc Công an thành phố, phối hợp với lực lượng chức năng thị trấn, các thôn, tổ dân phố, nghiêm túc tuần tra, kiểm soát liên tục. Từ ngày 10-4 đến chiều ngày 13-4, toàn địa bàn thị trấn không có trường hợp nào vi phạm công tác phòng, chống dịch Covid-19.