Trong một khoảng thời gian dài, các nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần phương Tây tập trung vào việc điều trị các vấn đề của thân chủ. Một chấn thương/tổn thương tâm lý? Bạn nên tìm gặp một nhà tham vấn và trò chuyện về vấn đề xảy ra. Chán nản/lo âu? Một số loại thuốc có thể giúp. Rối loại tâm thần? Tìm đến ông Freud.
Vào cuối những năm 1990s, một nhóm các nhà nghiên cứu Martin Seligman, Mihaly Csikszentmihalyi và sau đó là Christopher Peterson vạch ra một hướng khác để tiếp cận với các vấn đề tinh thần: người giúp đỡ tập trung vào sức mạnh nội tại và khả năng tự phục hồi của thân chủ, thay vì xoáy vào những trải nghiệm tiêu cực và vết thương trong quá khứ. ‘Hạnh phúc’ có thể đạt được thông qua việc học hỏi?
Việc này dẫn đến sự xuất hiện của lĩnh vực tâm lý học tích cực (positive psychology). Lòng biết ơn (gratitude) là một phần nhỏ trong lĩnh vực này. Thực hành lòng biết ơn giống như một bài tập gym cho não để tập trung vào sự hạnh phúc mà bạn đang có.
Năm 2015, khi mới tìm hiểu về chủ đề này – tôi đã thử thực hành lòng biết ơn trong 1 tuần.
Mỗi ngày trong tuần, tôi viết ra 5 điều khác nhau mà mình cảm thấy biết ơn. Ngày hôm sau phải khác ngày hôm trước. Đầu tiên tôi tập biết ơn những khía cạnh của người yêu mình:
Cô ấy là một người rất quan tâm gia đình. Cô ấy là một người nấu ăn ngon. Cô ấy là một người chung thủy.
Những ngày sau, mình tập biết ơn về những điều nhỏ nhặt mình đang có bên cạnh:
Biết ơn vì có một mái nhà che nắng mưa. Biết ơn vì có một chiếc iPhone kết nối mạng. Biết ơn vì đã được ăn đủ 3 bữa mỗi ngày.
Hết một tuần, tôi lôi ra đọc lại những điều mình đã viết – 35 điều biết ơn khác nhau làm tôi cảm thấy yêu đời hơn. Tôi quyết định duy trì thử thói quen này mỗi này. Để thay đổi cho bớt nhàm chán, tôi thay đổi chủ đề theo tuần/tháng, ví dụ như:
Tôi biết ơn điều gì ở mỗi người đang làm cùng phòng tại công ty? Tôi biết ơn điều gì ở mỗi người trong danh sách bạn bè trên Facebook? Tôi biết ơn điều gì: khi đang sống tại khu nhà mình? khi đang sống ở Sài Gòn? Việt Nam?
Viết thực hành lòng biết ơn không tốn quá nhiều thời gian. Mỗi ngày chỉ tốn chừng 5-10 phút. Khi mình tập trung vào người mình muốn bày tỏ sự biết ơn, tự nhiên chữ sẽ tuôn ra. Chữ sẽ không tuôn nếu mình làm việc này khi vừa đang lướt Facebook hoặc nghe nhạc. Cần một không gian thực sự yên tĩnh, không bị ai làm phiền để bạn có thể thực hành lòng biết ơn tốt nhất. Tốt hơn cả là thực hành 3 hơi thở tĩnh lặng hoặc một bài thiền ngắn trong 1-5 phút trước khi viết.
Bạn làm gì khi lướt Facebook hay Instagram hay Tiktok? Có thể bạn đang thầm ngưỡng mộ cuộc sống của người khác – chuyến du lịch của người ta, anh chàng/cô nàng người yêu xinh đẹp của họ, căn nhà gọn gàng đáng yêu của họ. Thực hành lòng biết ơn là một cách để bạn quay về để chú ý và trân trọng hơn những gì mình đang có.
Khi thực hành lòng biết ơn đồng nghiệp trong 1 tuần, tôi tự nhiên thấy bản thân trong tuần đó chú ý hơn mỗi khi đồng nghiệp có một hành động tốt với mình. Đôi khi những hành động nhỏ hằng ngày không chú ý đến như mở cửa giúp, khi thực hành lòng biết ơn bạn lại để ý hơn.
Cũng như vậy với những hành động nhỏ mỗi ngày, khi chú Grab gạt chỗ để chân trên xe trước khi mình ngồi lên, hay khi bạn phục vụ bàn chạy theo đưa cho tôi chiếc chìa khóa xe mình bỏ quên.
Có một lần tôi đi lang thang trên đường và nhìn thấy một quán mỳ gà mới mở chưa đông khách lắm nên tạt vào ăn. Món ăn của quán làm mình rất ngạc nhiên về sự sạch sẽ và ngon. Ăn xong mình có viết một note nhỏ gửi để trên bàn gửi quán:
Gửi các anh/chị,
Bữa ăn hôm nay thực sự rất ngon, chắc chắn sẽ làm em vui cả ngày. Chúc các anh chị luôn giữ được tinh thần nhiệt tình phục vụ quán và nấu những món ăn ngon như thế này. Chúc quán luôn đông khách.
Tôi gửi lại quán rồi về. Tôi tin rằng ai cũng thích nhận được những lời dễ thương, tuy nhiên có vẻ hằng ngày chúng ta thường nói với nhau những lời dìm nhau chứ chưa nói nhiều lời yêu thương với nhau.
Tôi cảm thấy biết ơn.